Tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân gian bước đầu đã chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất chia thành bốn miền do hóa thân bốn vị thánh Mẫu cai quản. Đó là miền trời (Mẫu Thiên), miền đất (Mẫu Địa), miền sông biển (Mẫu Thoải) và miền núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Một tín ngưỡng bước đầu thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức về Phúc, Lộc, Thọ, ý thức cội nguồn dân tộc, lòng yêu nước, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa mà Mẫu chính là biểu tượng cao nhất.
Một tín ngưỡng dân gian đã bước đầu hình thành một hệ thống thờ cúng trong các đền phủ, những nghi lễ đã được chuẩn hóa, trong đó Hầu bóng (Lên đồng) và lễ hội “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” là một điển hình.
Tam vị Thánh mẫu
Tất nhiên bên cạnh đó Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ còn ẩn chứa nhiều yếu tố của tín ngưỡng, ma thuật dân gian, những sắc thái và biến dạng địa phương, khiến người mới bước vào tìm hiểu lĩnh vực này cảm thấy như bị lạc vào một thế giới thần linh hỗn độn, tùy tiện, phi hệ thống.
Để từ tục thờ Thần, Nữ Thần và Mẫu Thần phát triển lên thành Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc có vai trò quan trọng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Đạo giáo Trung Hoa du nhập vào nước ta khá sớm, ít nhất cũng trong thời kỳ Bắc thuộc. Thời Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần thì Lão giáo là một trong “Tam giáo đồng nguyên”. Nhà vua từng đứng ra tấn phong cho các đạo sĩ, trong các trường thi cũng có các đề nói về Đạo giáo, nhiều người trong hoàng tộc cũng là các đạo sĩ. Lý thuyết Lão gia đã ăn sâu vào ý thức nhiều trí thức đương thời, nhiều ma thuật, phương thuật của Đạo giáo lan truyền trong nhân dân.
Đến thời Lê, Nho giáo thịnh đạt, Đạo giáo không được coi trọng, nhưng triết lý cũng như phép thuật của nó vẫn lưu hành rộng rãi. Điển hình là việc vua Lê Thánh Tông đã cho phép Trần Lộc lập ra Nội Đạo Tràng ở Thăng Long.
Ngũ vị Quan lớn
Đạo Mẫu và các tín ngưỡng dân gian khác tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc về nhiều phương diện. Đó là các quan niệm về tự nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên, về quan niệm Tứ phủ, Tam phủ, một số vị Thánh của Đạo giáo thâm nhập vào điện thần Tứ phủ, như Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu…
Trong Đạo giáo Trung Hoa không có khái niệm Tam phủ mà chỉ tam Quan (Thiên quan, Địa quan, Thủy quan) mà đứng đầu là các vị nam thần. Phải chăng khái niệm Tam quan Trung Hoa đã trở thành Tam phủ của Đạo Mẫu Việt Nam? Thế còn Nhạc phủ cũng có nguồn gốc thờ vị thần núi của Trung Hoa được tiếp nhận vào điện thần Đạo Mẫu và trở thành Tứ phủ?
Đó còn là các truyện thần tiên huyền ảo, các phép thuật mang tính phù thủy để trừ tà ma… Ngay lễ thức Lên đồng tuy mang sắc thái Đạo Mẫu Việt Nam rõ rệt nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của hình thức nhập đồng của Đạo giáo Trung Quốc. Chính những ảnh hưởng này, một mặt giúp Đạo Mẫu “lên khuôn”, hệ thống hóa và bước đầu mang tính phổ quát nguyên lý Mẫu, Mẹ; nhưng mặt khác cũng làm tăng thêm tính ma thuật, phù thủy mà vốn trong dân gian đã từng tiềm ẩn.
Thập Nhị Vương Cô
Như vậy, trên cơ sở tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần dân gian, với những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc đã hình thành và định hình Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Tam Tòa Thánh Mẫu), một thứ đạo giáo đặc thù của Việt Nam, có thể nói một cách ngắn gọn hơn và thực chất hơn là Đạo Mẫu.
Trong công trình này, chúng tôi lấy tên là Đạo Mẫu Việt Nam với ý thức về một loại hình tín ngưỡng mang bản sắc Việt Nam rõ rệt, chứ không chỉ là Đạo Mẫu, mang tính phổ quát được thờ ở Việt Nam.
Chúng ta có thể hệ thống hóa mối quan hệ giữa thờ Nữ thần đến Mẫu thần và Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ như sau: Phật Bà Quan Âm - Ngọc Hoàng Thượng Đế - Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Ngũ Vị Quan Lớn - Tứ Vị Chầu Bà - Ngũ Vị Hoàng Tử - Thập Nhị Thánh Cô - Thập Nhị Thánh Cậu - Ngũ Hổ - Ông Lốt
Như vậy, Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hình thành và phát triển trên nền tảng thờ Nữ thần và Mẫu thần, nhưng sau khi đã hình thành rồi thì Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ lại tác động ảnh hưởng theo xu hướng “Tam phủ, Tứ phủ hóa” tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa. Điều này chúng ta thường thấy khá phổ biến ở các đền, miếu thờ Nữ thần và Mẫu thần, thể hiện cách phổi thờ, các hình thức trang trí, tranh tượng, các lễ vật, tục hát chầu văn…
Ban Nghiên cứu Tôn giáo