Đồng bào dân tộc Khmer cư trú trên đồng bằng sông Cửu Long tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang... Trong quá trình phát triển, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, thì công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần luôn được chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm thực hiện, đã góp phần vào sự phát triển toàn diện kinh tế- xã hội cho toàn khu vực Nam bộ.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương gắn với thế mạnh của vùng miền, đã làm đổi thay mọi mặt đời sống vật chất tinh thần của các dân tộc chung sống, cùng với đó là sự nỗ lực của từng địa phương và đồng bào các dân tộc chung tay phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội ở địa phương.
Cùng với sự quan tâm, tạo thuận lợi, hỗ trợ đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào đã và đang được gìn giữ, phát huy. Các nghi lễ chính trong năm của người Khmer với nhiều văn hóa đặc sắc như Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Sen Dolta, lễ hội Ok-Om-Bok… luôn được tổ chức trang trọng, có sự tham dự của đại diện các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng các dân tộc cùng với đồng bào Khmer, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là một trong xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận là xã nông nông thôn mới kiểu mẫu. Xã có trên 85% số dân là người Khmer. Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, người dân Đại Tâm, trong đó có đồng bào Khmer đã nỗ lực phát triển sản xuất, trồng lúa, rau màu, phát triển dịch vụ, nâng cao đời sống. Hiện người dân trong xã có mức thu nhập đạt gần 76 triệu đồng/người/ năm.
Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được chính quyền xã Đại Tâm chú trọng thực hiện. Tiêu chí kiểu mẫu mà xã chọn và đã thực hiện thành công chính là tiêu chí “Văn hóa- du lịch” với sản phẩm du lịch được xây dựng từ điểm đến thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, đó là chùa Chén Kiểu. Ngôi chùa được xây dựng mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, những bức tường được trang trí bằng những mảnh chén, dĩa rất thẩm mỹ, đẹp mắt, đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm có khoảng 200.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan chùa Chén Kiểu và tìm hiểu các nét văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer.
Được bết, chùa Chén Kiểu - ngôi chùa Khmer được trang trí bằng các mảnh chén, bát, đĩa hết sức độc đáo là một trong những điểm nhấn của du lịch Sóc Trăng. Hiện nay, Sóc Trăng có trên 50 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích của đồng bào dân tộc Khmer. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích luôn được các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm bảo quản và phục hồi, gìn giữ và phát huy, lan tỏa giá trị. Mỗi năm trung bình có trên 3,6 triệu lượt khách tham quan, du lịch đến các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer như: Lễ hội đua ghe ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong (múa lâm thôn), nghệ thuật sân khấu rô băm... Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng đồng bào Khmer mà là niềm vui gắn với ý thức trân trọng, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam Tông. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer.
Ngoài việc bảo tồn, trùng tu các ngôi chùa Khmer, các địa phương đã có nhiều đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Trong đó, các tỉnh, thành đã xây dựng đội văn nghệ quần chúng, đoàn nghệ thuật Khmer làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và chọn một số lễ hội tiêu biểu để tổ chức, quảng bá, vừa thiết thực bảo tồn, vừa từng bước đưa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần lan tỏa hình ảnh quê hương, con người vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến bạn bè trong và ngoài nước.
Ban Nghiên cứu văn hóa - xã hội