banner 728x90

Độc đáo nghi thức hát Quan làng trong đám cưới của người Tày

29/07/2024 Lượt xem: 2409

Trong đám cưới truyền thống của người Tày, nhà trai và nhà gái sẽ giao tiếp, đối đáp với nhau bằng những bài hát Quan làng đầy tinh tế, chứa đựng tri thức văn hóa về cách ứng xử trong đời sống.

Hát Quan làng tại một đám cưới của người Tày ở Tuyên Quang. Ảnh: Báo Dân tộc

Cộng đồng Tày, là dân tộc lớn thứ hai sau người Kinh, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi thấp phía Bắc Việt Nam, có tín ngưỡng đa thần, sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, đặc biệt là âm nhạc.

Di sản âm nhạc truyền thống của người Tày được biết đến nhiều với các làn điệu như hát Then, hát Lượn, hát Sli, hát Ru và hát Quan làng.

Trong số đó, hát Quan làng là điệu hát dành riêng trong các đám cưới của các đôi lứa người Tày. Đó là hệ thống các bài thơ, bài hát dân dã tồn tại trong dân gian từ xa xưa, được diễn xướng theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định trong một bầu không khí lịch thiệp, tao nhã.

Các bài hát Quan làng là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế của con người trong đời sống, hướng con người tới cái chân-thiện-mỹ.

Theo tục lệ của người Tày, trong dịp đám cưới, hai bên nhà trai và nhà gái tổ chức hai đoàn người đại diện cho hai họ. Trong số họ sẽ có những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng), am hiểu phong tục, có kỹ năng giao tiếp, giỏi thơ ca, đặc biệt là tài hát đối đáp.

Hai đoàn này thay mặt cho hai bên nhà trai và nhà gái trong nghi thức đám cưới, và tục hát Quan làng sẽ diễn ra sôi nổi, liên tục trong suốt quá trình. 

Những người hát Quan làng bên nhà trai chủ yếu là đàn ông, đứng tuổi, khéo giao tiếp và hát hay. Họ mang trầu cau đến nhà gái thực hiện các nghi thức dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ và đón dâu về.

Đại diện bên nhà gái là Pả mẻ (dẫn đoàn đưa dâu về nhà chồng), có thể là đàn ông hoặc là người phụ nữ đứng tuổi, cũng là người khéo ăn, khéo nói. Họ sẽ là những người sẽ đưa dâu về bên nhà trai.

Nghi thức hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn gồm Đón (nhà trai đến xin dâu), Nộp (nhà gái nộp dâu), Đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, cách ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái.

Theo phong tục, nhà gái sẽ đưa ra các thử thách khi nhà trai đến làm thủ tục hỏi cưới. Các Pú Quan làng sẽ phải dùng lời hát của mình giao tiếp, đối đáp để nhà gái gỡ bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật từ cổng vào, rồi lên cầu thang, hát khi vào nhà, hát để người trải chiếu, mời nước, mời trầu, xin dâu.

Nhà gái cũng sẽ hát đối đáp lại trong các cung đoạn để tạo không khí vui vẻ. Sau đó, khi đưa dâu về nhà trai, các Pú Quan làng nhà gái sẽ hát bài Slắng lùa (dặn dâu), trước khi chia tay.

Hát Quan làng có hàng trăm bài ca, có thể kéo dài tới hàng nghìn câu, được chia thành các phần cụ thể.

Nội dung của các bài hát Quan làng trong nghi thức thể hiện rõ những quan điểm đạo đức, những quy tắc xử thế tốt đẹp trong mối quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng; răn dạy con cháu sống cho phải đạo dâu hiền rể thảo, và chúc phúc cho lứa đôi hạnh phúc, ấm no, sinh con đàn cháu đống.

Khi hát Quan làng, người Tay không sử dụng nhạc cụ hay đạo cụ kèm theo mà chỉ là những lời hát đối đáp mộc mạc, ý nhị của các Pú Quan làng hai bên.

Hát Quan làng vừa mang tính nghi thức, vừa mang tính nghệ thuật giải trí, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, cũng như nét đẹp trong văn hóa ứng xử của bà con dân tộc Tày, góp phần làm giàu có thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói chung. 

Với giá trị nhân văn tốt đẹp đó, nghi lễ hát Quan làng của dân tộc Tày đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2023./.

(Theo Vietnam+)

 

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ bốc Mó của dân tộc Thổ

Từ xa xưa, trong tâm thức và tín ngưỡng của dân tộc Thổ (Nghệ An), Lễ bốc Mó hay còn gọi là Lễ cúng đền Mó, khai Mó nước đầu năm là lễ tục đặc biệt quan trọng được tổ chức hàng năm. Nghi lễ này mang ý nghĩa khai thông mó nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước dồi dào để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân.

Chiếc địu văn hóa đẹp của đồng bào vùng cao

Chiếc địu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa đẹp của đa số đồng bào các dân tộc vùng cao ở Việt Nam. Phong tục này đặc biệt thể hiện rõ nét ở đồng bào Tày, Thái…

Nét văn hóa trong nông cụ truyền thống của người Tày, Nùng

Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mọi dụng cụ lao động truyền thống phục vụ sản xuất, sinh hoạt được người Tày, Nùng khéo léo làm ra từ những nguyên liệu mộc mạc, có sẵn. Đến nay, nhiều vật dụng vẫn tồn tại và được lưu giữ, tạo nên nét đặc sắc văn hóa của địa phương.

Khám phá Nét Đẹp Về Phong Tục Tập Quán Của Người Khmer

Phong tục tập quán của người Khmer đánh dấu sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa Việt Nam. Làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của quốc gia chúng ta. Từ những nghi lễ lớn như đám cưới và lễ tang, cho đến những hình thức thường ngày. Cùng với đó là việc mặc quần áo truyền thống và ẩm thực đa dạng, mọi thứ đều mang đậm dấu ấn văn hóa riêng của họ. Điều này không chỉ làm cho văn hóa của họ trở nên đặc biệt.

Chuỗi đeo cổ của người Cơ Tu

Cũng như các dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, từ xa xưa người Cơ Tu đã biết tìm tòi những chất liệu sẵn có trong thiên nhiên hay thông qua trao đổi, buôn bán để có nguyên liệu làm đồ trang sức. Đối với người Cơ Tu, trang sức vừa mang nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, phong tục tập quán, tôn giáo…

Độc đáo cây hoa báo hiếu của người Tày Nùng

Cây hoa báo hiếu là một biểu tượng thiêng liêng, ý nghĩa trong cuộc sống tâm linh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Khi trong gia đình có người mất, con cháu sẽ làm cây hoa báo hiếu để tưởng nhớ và thể hiện tình cảm với người đã khuất. Đây là một trong những phong tục độc đáo mà dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng vẫn gìn giữ đến ngày nay.

Chiếc gùi trong đời sống văn hóa đồng bào Tây Nguyên

Gùi - đối với đồng bào Tây Nguyên - không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật như khi đi nương rẫy, đi chợ mua bán, địu con đi chơi…, mà còn là “tác phẩm mỹ thuật” được trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó.

Tục giải hạn "Kẻ Pác cằm" của người Tày, Nùng

Trong đời sống, con người có nhiều mối quan hệ cộng đồng như: gia đình, dòng tộc, hàng xóm... Sống thế nào để hài hòa trong các quan hệ, đó là vấn đề xưa nay nhiều người đề cập đến. Sống khoan dung, độ lượng, chân thật là một trong những nét ứng xử của người Tày, Nùng. Tìm hiểu nét đặc trưng này thông qua tục giải hạn “Kẻ pác cằm” (giải lời nguyền) của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Top