Điện thờ Liễu Hạnh công chúa ở phủ Tây Hồ
Mô hình tổng quát tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam gồm 3 lớp kế tiếp và có mối liên hệ hữu cơ với nhau, đó là: Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu tam phủ, Tứ phủ.
Vì đây là mô hình tổng quát nên nó chưa chứa đựng được các sắc thái địa phương, do vậy cần có sự bổ sung cần thiết cho các dạng thờ Mẫu ở các vùng miền ít nhất là với Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Có thể nói mô hình tổng quát kể trên là mô hình kinh điển, mô hình đầy đủ nhất mà tục thờ Mẫu ở Bắc Bộ là đại diện. Đây cũng là mô hình có sự phát triển tuần tự và mang tính nội tại. Tất nhiên, ở lớp thờ Nữ thần mang tính nguyên sơ, bản địa và do vậy nó phổ cập rộng rãi trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Lớp thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu hay Thánh Mẫu thường là gắn với quá trình cung đình hóa, lịch sử hóa, như hiện tượng thờ Ỷ Lan Nguyên Phi, bà chúa Kho, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh Nương. Còn lớp thờ Mẫu tam phủ, Tứ phủ là một hệ thống phát triển cao hơn, trên cơ sở thờ Nữ thần, Mẫu thần bản địa, có tiếp nhận những ảnh hưởng vê quan niệm vũ trụ luận và hệ thống thần linh của Đạo giáo Trung Hoa.
Mối quan hệ giữa ba lớp thờ Mẫu kể trên là mối quan hệ hai chiều, một chiều hướng theo hướng phát triển lịch sử, từ thờ Nữ thần, Mẫu thần đến Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tuy nhiên, còn theo chiều ngược lại, khi Mẫu Tam phủ, Tứ phủ định hình và phát triển, thì nó là Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Mẫu thần và Nữ thần theo hướng sắp đặt hệ thống thần linh, nghi thức thờ cúng… Xu hướng này đang rất mạnh mẽ không chỉ đối với việc thờ Nữ thần hay Mẫu thần, mà ngay cả với các tín ngưỡng khác. Ví dụ, trong tục thờ Cá Ông ở Bắc Trung Bộ làng Cảnh Dương) đã bị Mẫu hóa, như Cá Ông, Cá Bà, Cá Quan, Cá Ông Hoàng, Cá Cô, Cá Cậu…như hệ thống điện thần Đạo Mẫu hay đền Tam giáo ở động Nhị Thanh, Lạng Sơn cũng đang bị Mẫu hóa.
Phạm vi phân bố của dạng thức thờ Mẫu này là đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ, mà điểm chót phía nam của nó là Huế. Huế có vị trí rất đặc biệt trong sự giao thoa và chuyển tiếp của tục thờ Mẫu. Xét tổng thể cả về hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tuy nhiên, trong điện thần, nhất là vị thần chủ thì không phải Liễu Hạnh như ở Bắc Bộ, mà là Thiên Ya Na, vị Nữ thần Việt gốc Chăm.
Không biết đã có đủ dữ kiện để có thể đưa ra những phán đoán về thời gian hình thành và định hình các lớp tín ngưỡng trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Tất nhiên, tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời nguyên thủy, một số Nữ thần đã được cung đình hóa và lịch sử hóa để thành các Mẫu thần, thì có lẽ đã xuất hiện sau thời phong kiến tự chủ với việc phong thần của nhà nước phong kiến. Còn lớp Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì cũng phải sau thế kỉ XV, nhất là thế kỉ XVI, XVII mới thực sự định hình và phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là thời kì xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh và thịnh hành Đạo giáo dân gian nước ta.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo