banner 728x90

Dạng thức thờ Mẫu ở Trung Bộ

10/07/2024 Lượt xem: 2383

Dạng thức thờ Mẫu Trung Bộ phân bố chủ yếu từ phía nam Hải Vân cho tới Ninh -Bình Thuận cựa nam Trung Bộ, còn Bắc Trung Bộ tục thờ mẫu cơ bản thuộc dạng thức Bắc Bộ. Đặc trưng cơ bản của dạng thức này là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần.

Tục thờ Mẫu ở Trung Bộ tuy thiếu bóng Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nhưng lại hết sức phức tạp. Tuy nhiên với các tiêu chuẩn trên chúng ta có thể phân thờ Mẫu ở đây thành hai lớp chính, đó là thờ Nữ thần mà tiêu biểu là Tứ vị nương nương, Bà Ngũ Hành… và lớp thờ Mẫu thần mà tiêu biểu hơn cả là thờ Thiên Ya Na, Pô Inư Nưgar.

Tháp PoNagar ở Nha Trang 

Tứ vị nương nương:

Tục thờ Tứ vị nương nương hiện rất phổ biến ở nhiều làng người Việt ven biển từ Bắc và Nam, ngoài ra còn thấy ở các làng ven sông lớn nằm sâu trong đồng bằng, thậm chí thâm nhập vào tận ven Hà Nội. Tuy nhiên tục thờ này phổ biến nhất vẫn là ven biển Trung Bộ, mà trung tâm là Đền Cờn (Nghệ An). Theo nhà nghiên cứu địa phương Ninh Viết Giao, ngoài Đền Cờn còn có 30 làng khác nữa ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) thờ Tứ Vị Thánh Nương. Riêng huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng có 20 làng thờ Tứ Vị Thánh Nương. Nhiều nơi ở ven biển Bắc Bộ thờ Tứ Vị Thánh Nương dưới dạng đồng nhất với thờ Tống Hậu và Thiên Hậu.

Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tục thờ Tứ Vị Thánh Nương rất phổ biến, hầu như làng nào cũng có, tuy nhiên, ít khi có miếu thờ riêng. Trường hợp làng Mỹ Khê có nơi thờ riêng Bà, gọi là Miếu Cá là rất hiếm, còn phần nhiều đền phối thờ với các vị thần khác được gọi với cái tên là Bà Giàng Lạch tức vị thần chủ của sông biển. Theo Nguyễn Xuân Hương, người dân Thanh Nghệ, nơi phát nguồn tục thờ Tứ Vị Thánh Nương đã mang tục thờ này vào trung và nam Trung Bộ và gọi Bà với danh thần mang tính dân gian là Bà Giàng Lạch hay Giàng Lạch Chúa Nương Nương (lạch là tên các nhánh sông ở miền Trung). Trong các sắc phong của bà thường mang tươc hiểu Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương.

Cũng giống như Quảng Nam và Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi cũng không có nơi nào thờ phụng riêng Bà mà thường phối thờ với Thiên Ya Na, Bà Ngũ Hành, Thiên Hậu…

Ở Nam Bộ tục thờ này không chỉ thấy ở cư dân ven biển, mà còn thấy ở các vùng sâu trong nội địa như Đồng Nai, Sông Bé, TP. Hồ Chí Minh… Tại các tỉnh kể trên, nhiều trường hợp là do dân xứ Quảng di cư vào đây mang theo tín ngưỡng từ nơi đất gốc.

Với những tư liệu biết được hiện nay, chúng ta có những dị bản huyền thoại khác nhau giải thích về tục thờ Tứ Vị Thánh Nương, như gắn với Tống hậu thời Nam Tống (Trung Quốc), với một triều đại nào đó thời vua Hùng, gắn với sự tích trôi gỗ thần ở Phương Cần (Hà Tĩnh)… Thậm chí Tạ Chí Đại Trường cho rằng có mối liên hệ xa hơn giữa huyề thoại và tục thờ cúng Tứ Vị Thánh Nương với tín ngưỡng cổ của người Chăm, đó là thần Po Riyak (Po Rayak) là vị thần sông biển.

Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương – Bà Ngũ Hành

Ở miền Trung, Ngũ hành thường thờ ở miếu, gọi là miếu Ngũ hành. Theo hồi cố của các bậc già cả, xưa kia gần như làng nào cũng có miếu Ngũ hành, nay mất đi nhiều chỉ một số nơi còn giữ được, như miếu Ngũ hành Nam Ô (Đà Nẵng), miếu Ngũ hành Cẩm Nam (Hội An), miếu Tân Hiệp (Cù Lam Chàm – Quảng Nam), miếu Ngũ hành ở Tĩnh Thủy (Tam Kỳ)… Còn lại đa phần phối thờ Ngũ hành với Thiên Ya Na, như trường hợp phối thờ Ngũ hành với Thiên Ya Na ở miếu Đại Điền (Núi Chúa), ngoại ô Nha Trang, Cổ Lũy (Quảng Ngãi), Khê Trung (Đà Nẵng)…

Dân gian thường gọi gộp chung là Bà Ngũ Hành hay Ngũ hành Thượng Giới, có nơi thờ tách riêng và có bài vị ghi rõ tướẩc vị từng Bà, như: Kim Đức Thánh Phi Tặng Chiếu Hiến Hiệu Ứng Trung Đẳng Thần, Mộc Đức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trục Trung Đẳng Thần, Thủy Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung, Hỏa Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung Đẳng Thần, Thổ Đức Thánh Phi Tặng Hoằng Đại Hậu Trung Đẳng Thần. Dân gian gọi tắt là: Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ.

Rất ít nơi còn thấy thờ linh tượng Ngũ Hành, như miếu thờ Bà chúa Ngọc ở Đại Điền (Nha Trang) hay miếu Ngũ hành Cẩm Nam (Hội An), Ở Cẩm Nam, có năm tượng Bà Ngũ Hành đặt trong khung kính, màu y phục mỗi Bà tương hợp với sắc màu của năm hành: Đen, đỏ, trắng, vàng, xanh. Ở núi Đại Điền (Nha Trang), tuy phối thờ với Thiên Ya Na – Chúa Ngọc, nhưng có linh tượng năm Bà mặc trang phục mang sắc ngũ hành.

Ngũ hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp khác nhau, như ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán; không kể cư dân sống ở ven biển, dọc sông hay vùng đất bán sơn địa. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng những lăng miếu thờ riêng hay phối thờ Bà Ngũ Hành thường tập trung ở ven biển, ven các lạch, ở cửa sông, vốn là nơi từ xa xưa, dù làm nghề đánh bắt cá hay buôn bán ven đô thị thì cũng đều quy tụ ở những nơi này. Đặc biệt các làng nghề cá ven biển, nghề thủ công (làm muối, làm đường, làm gốm…) người ta thờ Bà Ngũ hành và cầu mong bà phù hộ độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, cầu may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn…

Ở Trung Bộ, ngoài thờ chung bà Ngũ Hành ra, còn có miếu thờ riêng hai Thần nữ đó là Bà Thủy hay Thủy Long thần nữ và Bà Hỏa. Tuy nhiên, giữa hai Bà này thì việc thờ Bà Thủy Long vẫn phổ biến hơn.

Ban Nghiên cứu Tôn giáo

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top