Cuối thu, khi những chiếc búp trên các cây mai rải rác, bóc vỏ lụa, xòe nụ trên những cành cây khúc khuỷu và trước sân các nhà trong xóm, hoa vạn thọ nở rộ trong nắng vàng, ấy là lúc những buổi chợ Tết ở quê tôi bắt đầu.

Cái chợ nhỏ thường ngày chỉ đông đến nửa buổi sáng, nhưng vào dịp này, từ sáng tới chiều, chợ trở nên đông đúc, náo nhiệt lạ thường và chỉ kết thúc đúng vào trưa ba mươi Tết. Bao nhiêu thứ hàng hóa mà ngày thường không thấy ở chợ thì giờ đây được người ta đưa từ thành phố về, bày đầy ở các sạp. Quần áo con trẻ, bánh, mứt và bao nhiêu thứ không thể kể hết tên được giăng ra với đủ màu, đủ sắc rực rỡ. Những bà mẹ quê dù quanh năm chân lấm tay bùn, bận rộn với công việc ruộng vườn, phải chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, giờ đây cũng tỏ ra rộng rãi hơn, hào phóng hơn trong việc mua sắm. Vì Tết mà, Tết thì dù nghèo đến mấy, dù khó khăn thiếu thốn đến mấy, ai cũng muốn trong nhà có cái gì đó khác hơn, mới hơn, với mong ước ba bữa xuân đầm ấm thì cả năm vạn sự sẽ được tốt lành.
Từ đầu này đến đầu kia của cái chợ quê bé nhỏ, mấy ngày cuối năm, dường như chỗ nào cũng râm ran tiếng chào mời, hỏi giá. Bác thợ rèn ở cuối chợ lúc này dường như cũng bận rộn hơn vì ai cũng muốn có dao mới để chặt, để thái. Mấy cái quán hớt tóc nằm dưới gốc mấy cây sầu đông trơ trụi lá giờ cũng đông khách hơn. Bọn trẻ con trong thôn, trong xã cũng theo mẹ đến chợ nhiều hơn. Đứa đi xem những món đồ chơi vừa được bày bán, đứa lăng xăng tìm giấy màu cắt hoa trang trí trong nhà hoặc chỉ đến chợ để được đón nhận không khí đông vui mà ở làng quê cả năm không tìm thấy.
Tôi không còn nhớ nổi trong thời thơ ấu xa lắc, xa lơ, mình đã bao nhiêu lần theo mẹ ra chợ mua đồ Tết. Mặc dù đã quá lâu nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên cái cảm giác mình vừa sung sướng vừa ngại ngùng khi phải đứng giữa chợ mặc thử chiếc áo mới tinh, còn thơm lừng mùi hồ vải mà mẹ vừa chọn và hỏi cô bán hàng về giá cả.
Hàng hóa từ cái chợ nhỏ đã làm cho những ngôi nhà ở xóm trên, làng dưới sáng sủa hẳn. Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, không có lịch tờ, lịch lốc hay tranh ảnh… nhiều như bây giờ, nên Tết đến, ở quê tôi nhà nào cũng chỉ mua vài tờ giấy có in hình mai, lan, cúc, trúc để treo trên vách, thế là sang lắm rồi. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, khi cha mẹ mua sắm được món gì mới cho ngày Tết là chạy ngay đi khoe với bạn bè, coi đó như một niềm kiêu hãnh.
Thú vị nhất là vào sáng mùng Một. Giống như bao đứa trẻ khác trong làng, chẳng chờ ai đánh thức, tôi dậy sớm, mặc quần áo mới, chúc mừng ông bà, cha mẹ rồi cầm chú gà trống đất, lon ton ra đường, nhập vào cuộc vui cùng đám bạn bè ngang tuổi. Cái chợ nhỏ đầy hàng hóa của ngày hôm trước giờ đây trở thành nơi rực rỡ cờ hoa và rộn rã bởi tiếng cười nói, chúc tụng, tiếng trống và tiếng hô vang vang, có vần, có vè của người cầm trò chơi bài chòi và một số trò chơi khác.

Nắng xuân vàng óng. Bọn nhỏ chúng tôi đùa nghịch, lăng xăng từ đám đông này đến đám đông khác, và những con tò he được chúng tôi mua từ mấy hôm trước, giờ đây, chốc chốc lại cất lên những âm điệu du dương lúc ngắn, lúc dài…
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…
Tuổi thơ đi qua, tóc bây giờ đã bạc. Chiều nay xem truyền hình, thấy người ta đang bình bài thơ “Chợ Tết” của Nguyễn Văn Cừ, bất chợt nhớ chuyện ngày xưa lon ton theo mẹ đi chợ Tết. Rồi chợt giật mình: Ô hay, ngoài quê chắc mai cũng bắt đầu xòe nụ và hoa vạn thọ chắc cũng đã rộ giữa nắng vàng…
Thu Hương