Các tư tưởng và học thuyết của Nho giáo đã trở thành vũ khí lý luận cho các vương triều phong kiến Việt Nam tổ chức quản lý quốc gia trong giai đoạn độc lập tự chủ. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi tín ngưỡng thờ tổ tiên không chỉ được lễ thức hóa mà còn được các vương triều thừa nhận, thể chế hóa bằng pháp luật. Chẳng hạn, Quốc triều hình luật của nhà Lê đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về luật hương hỏa (điều 399 và 400): Ruộng hương hỏa, dù con cháu nghèo khó, cũng không được đem bán trái pháp luật, có người tố cáo phải ghép vào tội bất hiếu. Nếu người trong họ mua ruộng đất ấy thì mất số tiền mua. Người ngoài mà mua thì phải cho chuộc, người mua không được cố giữ. Đây là nguồn tài sản được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác dành cho việc thờ cúng tổ tiên, không được xâm phạm. Hơn thế các vương triều còn có chế độ khen thưởng bổng lộc cho những bậc “ hiếu tử” – những người mà lúc “cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng”.
Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm tình cũng như một nền tảng kinh tế – xã hội – tư tưởng khá bền vững. Có thể nói, những yếu tố tâm linh có tính bản địa và mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và ủng hộ của các vương triều. Chính vì vậy, tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động.
Bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một phong tục, một tín ngưỡng hay một tôn giáo? Vấn đề này được các nhà nghiên cứu quan niệm khác nhau: người thì coi là một mỹ tục, người lại khẳng định đó đích thực là một tôn giáo bản địa…
Nội hàm của khái niệm “tổ tiên “và “thờ cúng tổ tiên” cần được xác định cụ thể. Có tác giả cho rằng “tổ tiên” bao gồm từ tổ nhà, tổ họ, cho đến tổ làng, tổ nghề, tổ nước – tức là những người có công đầu tiên hoặc trực tiếp tới việc sinh thành, mở làng, mở nghề, dựng nước. Với quan niệm này, khái niệm được mở rộng rất nhiều và không được phân biệt rõ ràng. Trong thực tế, rất nhiều bậc tổ làng (tiền hiền khai ấp, hậu hiền khai cơ) được tôn sùng là Thành hoàng cai quản không gian thiêng liêng của làng. Trong số các thần Thành hoàng cũng có một số nghề. Theo chúng tôi, khái niệm “tổ tiên “được giới hạn trong trục huyết thống, bằng quan hệ thân tộc: tổ nhà, tổ họ. Rộng hơn, với xu hướng mở và quan niệm tâm linh của người Việt, vị thần tổ của nước – vua Hùng – cũng được soi dưới góc độ thân tộc, dù là mối liên hệ xa hơn và mang tính huyền thoại.
Ở đây, cũng cần phân biệt khái niệm “tổ tiên” trong tín ngưỡng ở nước ta khác với “tổ tiên – Tô tem giáo” thường phổ biến ở nhiều tộc người. Tín ngưỡng thờ “tổ tiên – Tô tem giáo” ra đời rất sớm. Các thị tộc mẫu hệ thường tôn sùng một biểu tượng Tô tem như tổ tiên của mình, đó có thể là biểu tượng thực vật, động vật (phần lớn là một loài vật nào đó) hoặc nửa người, nửa vật. Một vài tộc người ở Tây Nguyên vốn có tục “cà răng” như dấu ấn về sự mong muốn có hình dáng gần gũi với đặc trưng của tổ tiên (loài vật nhai lại). Truyền thuyết “cha Rồng – mẹ Chim” (Lạc Long Quân – Âu Cơ) của người Việt đã phản ánh loại tín ngưỡng Tô tem này của người Việt cổ. Cũng không phải không có lý do khi “cha Rồng – mẹ Chim” phải chuyển hóa thành Hùng Vương – một ông vua cụ thể – để làm cơ sở cho nội hàm khái niệm “tổ nước”.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo