banner 728x90

Các nghi lễ trong thờ cúng tổ tiên của người Việt

04/01/2025 Lượt xem: 3327

Thờ cúng tổ tiên là một trong những phong tục truyền thống quan trọng trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là một cách thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính và nhớ về cội nguồn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các nghi thức, nghi lễ trong thờ cúng tổ tiên thường được thực hiện trong các dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán, ngày giỗ tổ, lễ cúng ông Công ông Táo, và nhiều dịp quan trọng khác. Dưới đây là một số nghi thức và nghi lễ phổ biến trong thờ cúng tổ tiên:

Cầu cúng lễ bái tại các gia đình: Quan niệm người Việt vong hồn gia tiên luôn ở gần mình, người sống cảm thấy như tiếp xúc với thế giới vô hình qua mọi việc cầu cúng lễ bái: mỗi tuần hoặc mỗi tiết hoặc ngày kỵ đều có làm lễ cáo gia tiên qua hàng loạt hành vi thực hành tín ngưỡng.

Mỗi một biến cố vui, buồn xảy ra trong gia đình, gia chủ đều khấn vái gia tiên, trước là để trình bày sự kiện, sau là để xin sự phù hộ. Những biến cố được coi là quan trọng: vợ sinh con; con đầy cữ, đầy tháng, đầy năm; con cái bắt đầu đi học, sửa soạn đi thi, đã thi đỗ; gả chồng cho con gái, dựng vợ cho con trai; lập được công danh (được thăng chức); …cùng những biến cố buồn: có người qua đời, lúc bắt đầu đưa ma người thân; trong nhà có người ốm đau; gặp những chuyện không may… đều có thực hành nghi lễ thờ cúng trước bàn thờ tổ tiên.

Thờ cúng tổ tiên: nét văn hoá truyền thống của người Việt

Nghi lễ đốt hương: Trong việc tế lễ bao giờ cũng có đốt hương. Gốc tích sự đốt hương là từ Tây Vực. Có lẽ tục đốt hương truyền sang nước ta từ thời Nho giáo du nhập. Hương đốt để cầu linh hồn tiên tổ đã thiêng liêng hóa như thần thánh giáng lâm. Đốt hương thường đốt số lẻ (1, 3, 5, …) vì nén lẻ thuộc dương vì cầu cho người đang sống ở dương thế.

Nghi lễ tại từ đường dòng họ:  Từ đường có thể lớn hay nhỏ, quy mô hay chỉ là một căn nhà có thiết trí bàn thờ ghi tên tuổi những người trong dòng họ đã khuất theo dòng họ ấy đông đúc, giàu có hay chức vị. Tuy nhiên, từ đường cũng có thể là một gian phòng dành riêng ở nhà người trưởng tộc tùy theo điều kiện của dòng tộc.

Bài trí và lễ vật thờ cúng: Nhà thờ Thủy tổ tức từ đường chung cho cả dòng họ không phân biệt chi phái thì có thần chủ thờ cúng mãi mãi, riêng từ đường của từng gia tộc thì chỉ có thần chủ bốn đời Cao, Tằng, Tổ, Khảo.

Thần chủ thường được làm bằng gỗ quý, dài khoảng một thước, giữa có khắc họ tên, chức tước, hai bên đề ngày sinh và ngày mất của tổ tiên. Thần chủ lại được đặt trong một hộp gỗ và để trong khám thờ, phía ngoài có vải đỏ che kín, khi nào có tế tự mới mở ra và quét dọn sạch sẽ. Mỗi khi đến đời thứ năm thì đem thần chủ Cao tổ đi chôn (mai) và tăng Tằng, Tổ, Khảo lên thêm bậc nữa mới đêm bài vị thần của người mới mất vào thế chỗ và là thần chủ bậc Khảo. Tục lệ này được ghi chép trong cổ lễ và gọi là phép “Ngũ đại mai thần chủ” để từ đường luôn chỉ thờ bốn đời tổ tiên mà thôi.

Ngoài thần chủ bốn đời ra, các vật dùng để tế lễ bao gồm có đèn nến, lư hương, bình hoa, đài rượu, đài nước, mâm rượu mâm trầu,... đều phải thanh khiết và làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng hay bằng đồng thau. Cỗ bàn nấu xong, phải cúng tổ gia tiên trước – con cháu mới được ăn sau. Trên các vách thường treo các tấm hoành và vài ba đôi liễn, nhắc nhở đến sự nghiệp và công đức của các vị tổ tiên.

Trong việc cúng tổ lễ tổ tiên, sự thành kính, tín tưởng phải đặt hàng đầu. Tâm động quỷ thần tri, trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần thấy rõ. Việc cúng bái tổ tiên thiếu thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo được thể hiện qua nghi lễ.

Nghi thức cáo gia tiên: Gia trưởng bao giờ cũng lo mọi lễ nghi cúng bái trong gia đình. Mỗi lần cúng lễ đều có đồ lễ, thường bao gồm trầu rượu hoa quả, vàng hương và nước lạnh, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, đồ lễ có thể giảm xuống mức tối thiểu, chỉ cần một chén nước lạnh, một nén hương thắp lên bàn thờ là đủ. Ngoài ra, tùy theo các gia chủ giàu nghèo và tùy theo những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm nhiều thứ khác như xôi chè, oản, chuối hoặc cỗ mặn, có khi thêm đồ mã.

Sau khi đặt đồ lễ lên bàn thờ, gia trưởng khăn áo chỉnh tề, thắp hương lên bát hương, rồi đứng trước bàn thờ khấn. Trước thi khấn, vái ba vái và khi khấn xong, lễ bốn lễ thêm ba vái, gọi là bốn lễ rưỡi. Bàn thờ lúc đó phải có thắp đèn hoặc nến. Cũng có nhà có đỉnh trầm. Hương thắp trên bàn thờ, bao giờ cũng là số lẻ. Sau khi gia trưởng khấn lễ xong, những người khác trong gia đình, ngoại trừ trẻ nhỏ, cũng lần lượt tới lễ trước bàn thờ bốn lễ rưỡi. Thường thì chỉ trong những ngày giỗ, mọi người trong gia đình mới cần lễ đủ.

Ngày nay, tại các đô thị có sự giản tiện hơn rất nhiều về nghi lễ, người ta lấy vái thay lễ. Trước khi khấn, vái ba vái ngắn, khấn xong, vái thêm bốn vái dài và ba vái ngắn thay cho bốn lễ rưỡi.

 Điều này cũng thể hiện trong các dịp lễ tết. Trong ba ngày Tết Nguyên Đán, con cháu có bổn phận phải đem trầu rượu bánh trái đến nhà thờ để tế lễ tổ tiên, riêng ngày húy nhật Thủy tổ thì gồm đủ mặt con cháu các chi phái và lễ vật cũng long trọng hơn, gồm cả lễ Tam sinh, xôi rượu, trầu cau, … 

Lễ tạ: Sau khi mọi người đã lễ vái xong, người ta chờ cho tàn một tuần hương, gia trưởng tới trước bàn thờ lễ tạ, thắp thêm mấy nén hương nữa. Lễ tạ xong, gia trưởng hạ vàng mã trên bàn thờ đem hóa. Lúc hóa vàng, người ta thường lấy chén rượu cúng đổ vào đống tàn vàng, cho rằng như vậy người khuất mới nhận được số vàng người sống cúng và đồ vật vàng mã trên mới biến thành đồ đạc và tiền thật dưới cõi âm. Lúc này đồ vật mới được hạ xuống.

Lễ tạ là lễ tạ ơn gia tiên đã chứng giám lòng thành của con cháu và đã hưởng những lễ của con cháu dâng lên. Người ta tin rằng, trong lúc tuần hương đang cháy là tổ tiên đang về hưởng lễ con cháu dâng lên. Trong lúc này, y môn trên bàn thờ được buông xuống, khi lễ tạ xong, y môn lại được kéo lên, cũng như người sống khi ăn uống không muốn con cháu nhìn mồm. Y môn thường chỉ buông xuống khi nào trong việc cáo gia có cúng lễ mặn.

Khi cúng bái xong, lễ vật được bày thành cỗ bàn để cả dòng họ cùng nhau ăn uống, phần còn lại chia cho mỗi gia đình một ít mang về. Các tuần lễ khác thì chỉ gia đình tộc trưởng đứng ra lo liệu.

Ở từ đường các chi phái họ cũng có lễ giôc Tổ bản chi và tuần đại tế vào ngày Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng) hay Trung Nguyên (rằm tháng Bảy). Nghi thức tế tự tổ tiên cũng giống như lễ tế thần, chỉ khác khi xướng thì thay hai chữ “tôn thần” bằng “tiên tổ” hay “thần tổ” (nếu đã được sắc phong). Bao giờ người tộc trưởng cũng làm tế chủ nhưng nếu đang có đại tang hay còn nhỏ tuổi thì dòng họ cử một vị lão thành có đạo đức thuộc thế hệ cao nhất làm chủ lễ Đại bái thay thế.

Bài văn khấn gia tiên: Đồ lễ đặt lên bàn thờ, hương đèn đã thắp, gia chủ khán trình bày với gia tiên lý do việc cúng lễ, đồng thời mời gia tiên hưởng lễ; gia trưởng phải mời hết các cụ kỵ từ ngũ đại trở xuống, cùng tất cả các chú bác, cô dì, anh em nội ngoại đã khuất.

Bài văn khấn xưa thường dùng chữ nho, nhưng trong dân gian cũng nhiều người dùng chứ nôm, nhất là trong gia đình người gia trưởng đã mất, người vợ thường đảm nhiệm việc cúng khấn thay các con nhỏ. Văn khấn dùng chữ nôm để tránh sự sai lầm vì không hiểu nghĩa chữ nho. Kể từ khi chữ quốc ngữ được dùng thay thế Hán tự cho đến hiện nay, việc khấn vái người Việt đều dùng hầu hết tiếng Việt.

Những nghi thức này không chỉ là cách thức tôn vinh và nhớ về tổ tiên mà còn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top