banner 728x90

Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

19/02/2025 Lượt xem: 2522

Việc bảo vệ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phải là sự phối kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, với sự tham gia của nhiều bên, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng, cụ thể là của đồng thầy và bản hội, là một trong những biện pháp quan trọng nhất.

Ảnh minh họa

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho đồng thầy và bản hội về giá trị, bản chất của các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây có thể coi là một trong những biện pháp quan trọng nhất bởi mọi thứ đều bắt nguồn từ nhận thức. Nhận thức không đúng về giá trị của các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ dẫn tới những hành động sai lầm làm biến tướng tín ngưỡng. Trong đó, nên đặt trọng tâm nâng cao nhận thức trước hết cho đồng thầy và từ đồng thầy những nhận thức đó sẽ được truyền xuống cho các tín đồ trong bản hội. Đồng thầy là thủ lĩnh tâm linh, là chủ bản hội, do đó nếu đồng thầy nhận thức đúng đắn về giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì cả bản hội sẽ nhận thức đúng. Một số thanh đồng trong bản hội đó sau này cũng sẽ trở thành đồng thầy và họ lại tiếp tục trao truyền những nhận thức đó cho các tín đồ của mình. Đồng thầy nhận thức sai kéo theo cả một bản hội sai và những thế hệ tiếp theo của bản hội đó sai. Để nâng cao nhận thức của đồng thầy và bản hội thì những việc cần thiết nên làm là: Tổ chức các tọa đàm, các hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu có sự tham gia của đồng thầy, cộng đồng bản hội cùng các nhà khoa học. Bên cạnh đó, rất cần tăng cường truyền thông bằng báo đài, Internet về giá trị, bản chất của các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và sự cần thiết phải bảo vệ thực hành tín ngưỡng này để giữ gìn bản sắc dân tộc và để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời cũng tăng cường tuyên truyền về sự cần thiết cần có sự chung tay của các đồng thầy và bản hội trong việc bảo vệ các thực hành đó. Trong thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị của nó trước đây ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống, trên truyền hình của Nhà nước bởi trong quá khứ nó bị khoác “chiếc áo” mê tín dị đoan và do vậy những thông điệp về cái hay cái đẹp của tín ngưỡng này không được lan truyền sâu rộng trong xã hội. Truyền thông cũng chưa thực sự nhận thức đúng và đề cao vai trò của đồng thầy, bản hội trong việc bảo vệ các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thậm chí truyền thông còn có cái nhìn định kiến về các ông đồng, bà đồng. Thiết nghĩ việc truyền thông và xã hội đề cao      vai trò của đồng thầy và bản hội trong việc bảo vệ các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ khiến họ cảm thấy tự hào và có trách nhiệm với di sản. Cần tiếp tục có các nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất bản các ấn phẩm để tuyên truyền chân giá trị của tín ngưỡng này cho cộng đồng thực hành nó, cụ thể là cho đồng thầy và bản hội.

Thứ hai, mỗi địa phương nên thành lập câu lạc bộ, hội nhóm hoặc tổ chức của các đồng thầy. Thông qua các hội nhóm, tổ chức này để tăng cường vai trò của họ trong việc “lãnh đạo” bản hội và bảo vệ, phát huy các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Cũng thông qua các hội nhóm, câu lạc bộ này để tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn và trang bị cho họ những kiến thức về: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Luật Di sản; Công ước về bảo vệ di sản văn hóa thế giới năm 2003. Có thể nói, phần lớn các đồng thầy hiện nay ít hiểu hoặc chưa hiểu rõ những kiến thức này. Vì vậy, việc trang bị kiến thức về các luật liên quan sẽ giúp đồng thầy thực hành tự do tín ngưỡng theo đúng khuôn khổ pháp luật cho phép và cùng với các thành viên bản hội nhận thức trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ bản sắc và bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Nên chăng xây dựng một nhóm đồng thầy nòng cốt đi tiên phong trong việc bảo vệ các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và từ nhóm nòng cốt này trở thành tấm gương để các đồng thầy khác noi theo.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Thứ ba, tăng cường sự kết nối giữa đồng thầy, bản hội với các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong việc nghiên cứu, sưu tầm,… các tư liệu về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ tư, có những hình thức để khuyến khích việc truyền dạy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của đồng thầy và các thành viên bản hội. Song cần nhận thức rõ một điều, truyền dạy thực hành tín ngưỡng khác với truyền dạy của các nghề thủ công truyền thống hay các hình thức nghệ thuật trình diễn (hát quan họ, ví dặm,…). Đối với các nghề thủ công truyền thống hay các hình thức nghệ thuật trình diễn, nếu một người nào đó có niềm đam mê và thích thú thì có thể học nghề và được truyền nghề. Song thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không phải là một nghề mà bất kỳ ai cũng có thể học được và cũng không phải có thể truyền nó cho bất kỳ ai. Phải là người được cho là có căn cốt và thậm chí được cho là phải có những năng lực đặc biệt thì mới có thể trở thành người đứng trong hàng ngũ những đệ tử được đồng thầy truyền dạy. Vì thế, truyền dạy các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nên được khai thác mạnh ở khía cạnh trao truyền những hiểu biết về nguồn gốc, lịch sử, các nhân vật được phụng thờ, giá trị của tín ngưỡng; cách thực hành tín ngưỡng và nhận thức về việc bảo vệ tín ngưỡng đó. Tất nhiên, có những thực hành trong tín ngưỡng thờ Mẫu có thể truyền dạy được phổ biến hơn, ví dụ: hát chầu văn hầu thánh. Vì vậy, nên hình thành các câu lạc bộ chầu văn với sự tham gia của các ban cung văn để trao truyền, học tập lẫn nhau và gìn giữ những lời ca và làn điệu cổ.

Tóm lại, đồng thầy và bản hội có vai trò to lớn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Với tư cách là người dựng nên bản hội, sở hữu bản hội, đồng thầy đóng vai trò như là một “thủ lĩnh” dẫn dắt các đệ tử thực hành nghi lễ, trao truyền các thực hành cho họ, đồng thời đi đầu trong việc “hoằng dương” tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn bản hội đóng vai trò là cộng đồng thực hành, bảo tồn, nuôi dưỡng và trao truyền các thực hành đó. Những bằng chứng về vai trò của đồng thầy và bản hội nói trên cho chúng ta những bài học mang tính lý thuyết trong việc bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung: cần tôn trọng vai trò của cộng đồng - chủ thể di sản và coi họ là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản./.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

Tags:

Bài viết khác

Đền thờ Mẫu - Chốn linh thiêng ở kỳ quan Đèo Ngang

Nằm trên hành trình thiên lý Bắc – Nam, Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành điểm đến tâm linh đầy huyền bí. Qua bao cuộc biến thiên, tích xưa “Công chúa Quỳnh Hoa giáng trần giúp dân bản tránh khỏi nạn dịch, xua đuổi thú dữ, dạy người trồng lúa…” vẫn trường tồn ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Cúng, khấn, vái và lạy trong nghi lễ thờ cúng

Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Bản sắc văn hóa của người Việt Nam

Việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ các vua Hùng được người Việt tôn vinh và thờ tự.

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.
Top