Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là một trong những chương trình quan trọng của mỗi quốc gia dân tộc. Việc bảo vệ ấy là nhiệm vụ chung của rất nhiều bên liên quan, trong đó hiện nay mô hình bảo vệ di sản mà UNESCO khuyến khích là sự kết hợp giữa vai trò của chủ thể/cộng đồng + các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và nhà nước. Trong đó cộng đồng - chủ thể thực hành di sản có vai trò mang tính quyết định. Đối với di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cũng vậy, vai trò của đồng thầy và bản hội là vô cùng quan trọng, thậm chí trong bối cảnh mới hiện nay, vai trò ấy cần phải được phát huy và nâng cao hơn bao giờ hết. Vậy bối cảnh mới ấy là gì? Vì sao trong bối cảnh mới lại cần phát huy hơn nữa vai trò của đồng thầy và bản hội trong việc bảo vệ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu? Và các biện pháp để phát huy vai trò ấy như thế nào?

Bối cảnh mới và sự cần thiết phải nâng cao vai trò của đồng thầy, bản hội trong việc bảo vệ và phát huy các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Những thảo luận gần đây về sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng đề cập nhiều đến sự phục hưng của thực hành tôn giáo ở Việt Nam. Oscar Selamink viết: “Sau một giai đoạn trầm lắng của tôn giáo, tín ngưỡng, sự hồi sinh rõ nét ở phạm vi rộng, đa dạng của các thực hành tôn giáo và nghi lễ đang diễn ra ở xã hội Việt Nam hiện nay”. Thảo luận của Oscar Selamink và những tác giả khác đã chỉ rõ sự tăng lên đột ngột của nghi lễ ở Việt Nam không chỉ là sự đền bù cho sự bất an về kinh tế, hoặc là một biểu hiện cho những tự do về văn hóa mới được thiết lập, hoặc là sự giàu có mới được gây dựng mà chính là trong một dạng thức của giao dịch thương mại giữa thần thánh hoặc thần linh ở thế giới khác, hoặc thế giới âm và những người tin theo ở trần thế, hoặc thế giới dương. Nói chung, chính sách đổi mới của Nhà nước từ năm 1986 cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự cởi mở trong chính sách tôn giáo tín ngưỡng và sự bất an không kiểm soát được của đời sống kinh tế, sức khỏe và an ninh tinh thần là ba nguyên nhân quan trọng đưa tới sự phục hồi mạnh mẽ của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Trong bức tranh chung đó thì thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được coi là sự phục hồi mạnh mẽ nhất. Như được “tháo cũi sổ lồng”, chưa bao giờ hầu đồng được diễn ra tự do và công khai đến vậy; chưa bao giờ những người có nhu cầu hầu thánh lại ra trình đồng mở phủ nhiều đến thế; cũng chưa bao giờ số lượng bản hội tăng vọt và quy mô bản hội mở rộng như vậy, v.v… Sự phục hồi của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng thực sự đã đáp ứng nhu cầu tâm linh về cuộc sống hiện sinh của con người trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, thực hành tín ngưỡng này, đặc biệt là hầu đồng, đang ngày càng có những biến tướng, gây nên những dư luận xã hội không tốt. Các nghi lễ như hầu đồng, dâng sao giải hạn đầu năm, đi lễ xa đang dần trở thành một dịch vụ mang tính thương mại. Tính thương mại còn được thể hiện trong hình thức ban phát lộc, trong sự giao dịch mang tính đổi chác giữa con người với thần linh. Hầu đồng xưa kia là tùy tâm biện lễ, quần áo cũng đơn giản nhưng hiện nay một số người đã đưa yếu tố thời trang vào trang phục, pha trộn những yếu tố thời trang đến mức kệch cỡm. Âm nhạc chầu văn cũng được phối với những bài bát mới, hiện đại, lệch xa với những điệu chầu văn cổ. Đạo đức của một số đồng thầy và tín đồ xuống cấp. Một số đồng thầy nhân danh thần linh để hành nghề mê tín dị đoan, dọa nạt tín đồ mua sắm lễ vật đắt tiền, rải nhiều tiền khi hầu đồng để nhận được lộc to,… Một số cung văn trong thời buổi kinh tế thị trường cũng không tránh khỏi cám dỗ của vật chất nên học hát văn một cách cẩu thả, không bài bản, đi hát cho các buổi lễ thánh thì kén người hầu đồng. Thậm chí có một số cung văn có tư tưởng chỉ hát cho đồng giàu không hát cho đồng nghèo. Thực trạng biến tướng này đặt ra một yêu cầu bức thiết về việc phải có những biện pháp để trả về chân giá trị cho những thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và danh dự cho những người hầu đồng.

Hầu đồng, một nghi thức của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày 01/12/2016, trong phiên họp toàn thể Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên HợP Quốc (UNESCO), Ủy ban chính thức ra quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc vinh danh này là sự khẳng định giá trị, nét đặc sắc và vị thế của văn hóa Việt Nam trong một thế giới đa sắc màu và đem đến cho người Việt Nam niềm tự hào sâu sắc. Nhưng đằng sau niềm tự hào là những nỗi lo hậu vinh danh. Các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý văn hóa và cả cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lo ngại rằng, nhiều người sẽ lợi dụng việc vinh danh di sản để “bảo hiểm” cho việc “buôn thần bán thánh”, “thương mại hóa hầu đồng”. Điều này gióng lên hồi chuông về sự biến tướng của hầu đồng nói riêng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, đặt ra vấn đề cần thiết phải có những biện pháp bảo vệ và làm “trong sạch” thực hành nghi lễ thờ Mẫu để thực hành tín ngưỡng Tam phủ xứng đáng là đại diện cho bản sắc Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để loại bỏ những biến tướng trong thực hành nghi lễ và để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu xứng đáng là đại diện cho bản sắc Việt Nam, xứng danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng ta cần phải phát huy vai trò của nhiều lực lượng trong xã hội. Trong đó đồng thầy và bản hội phải là những lực lượng quan trọng nhất bởi đồng thầy và bản hội là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, chính họ là người quyết định làm cho tín ngưỡng của họ trở nên chân - thiện - mĩ hay trở nên xấu đi trong cái nhìn của xã hội./.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam