Với đặc điểm riêng về tôn giáo, Việt Nam đã có những điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp luật liên quan đến tôn giáo, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018. Đây chính là kết quả của quá trình nhìn lại và đổi mới về nhận thức về tôn giáo nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện cho những chuyển biến của các tổ chức tôn giáo, cùng đồng hành với sự phát triển của đất nước.

Nghi thức tế lễ thần linh
Ở Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với hàng nghìn cơ sở thờ tự. Một đặc điểm của tôn giáo là đức tin đối với thế giới linh thiêng. Đức tin này cần được biểu đạt bằng thực hành tôn giáo. Đây là sợi dây kết nối tín đồ với tôn giáo mà họ tin theo, cũng là một kênh để tăng uy tín, ảnh hưởng của tôn giáo đó đối với tín đồ của mình. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới tác động của toàn cầu hóa, niềm tin tôn giáo của người dân có sự thay đổi được thể hiện thông qua sự chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo với sự đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt tôn giáo.
Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam có đặc điểm riêng, đặc biệt là có mối liên hệ sâu sắc với tín ngưỡng dân gian/tín ngưỡng văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, niềm tin tôn giáo của tín đồ Việt Nam có sự chuyển biến. Niềm tin tôn giáo của tín đồ Việt Nam mang tính chất phân tán, có thể đặt niềm tin vào nhiều đối tượng. Một phần lý do là vì sự đa dạng tôn giáo và hình thức tín ngưỡng truyền thống gắn với sự đa dạng về thành phần dân tộc, tộc người, đã tạo nên sự đa dạng trong nhu cầu tôn giáo, kéo theo là sự đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt tôn giáo.
Trước đây, tín đồ chỉ sinh hoạt tôn giáo với việc thực hiện các giáo lý, luật lệ, lễ nghi tôn giáo trong cơ sở tôn giáo, chưa có sự mở rộng kết hợp với văn hóa truyền thống; thì nay tín đồ có thể thể hiện niềm tin tôn giáo ở ngoài cơ sở thờ tự, có sự kết hợp giữa tôn giáo với văn hóa truyền thống. Việc mở rộng các hình thức sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước bảo đảm thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam gia tăng, hiện nay khoảng gần 90.000 người, phần lớn đều có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện sinh hoạt tôn giáo. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nước ngoài cư trú hợp pháp bằng việc hoàn thiện những quy định phù hợp với hoàn cảnh mới, được thể hiện rõ trong Mục 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo từ Điều 47 đến Điều 53; trong đó nổi bật là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc, chức việc là người Việt Nam hay nước ngoài đến giảng đạo, mang theo các sản phẩm tôn giáo…
Hiện nay, đang diễn ra nhiều xu thế phát triển tôn giáo trên thế giới, nhưng xu thế chủ đạo của các tôn giáo trên thế giới cũng như ở Việt Nam là xu thế nhập thế (tăng cường tham gia các hoạt động xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện,…); chuyển hướng từ siêu trần thế sang kết hợp với nhập thế. Thông qua hoạt động nhập thế, vai trò xã hội của các tổ chức tôn giáo được nâng cao, tạo sự gắn kết và đoàn kết dân tộc và khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo Việt Nam đối với sự phát triển đất nước.Các tổ chức tôn giáo khác ở Việt Nam đã đóng góp hiệu quả trong hoạt động xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Thông qua tổng hợp của Ban Từ thiện xã hội Trung ương cho thấy, kinh phí sử dụng trong công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng dần theo từng năm.
Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã nhận được sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước thông qua hệ thống quan điểm, chính sách kết hợp với đường hướng hoạt động đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo. Tại Mục 3, Điểu 54 và 55 trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nhấn mạnh, các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động xã hội như y tế, từ thiện nhân đạo,…
Đối với một tôn giáo, cơ sở tôn giáo có vai trò quan trọng, vì đó là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, theo chiều dài lịch sử còn chứa đựng những giá trị văn hóa. Chính vì vậy, việc bảo trì, cải tạo, xây mới cơ sở thờ tự luôn được đặt ra. Đảng ta luôn xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và nhận thức về sự chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo, mở rộng hoạt động tôn giáo là xu thế chung trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đi chùa cầu may
Tại Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định, “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”; “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cùng với việc tin tưởng, coi trọng vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Ban Nghiên cứu văn hóa