banner 728x90

Nét đẹp kiến trúc cổ Đà Lạt

27/07/2024 Lượt xem: 2426

Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng, quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Đà Lạt đang lưu giữ hơn 2.000 biệt thự cổ, ẩn mình giữa đại ngàn thông xanh, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.

Phố núi Đà Lạt có hàng ngàn ngôi biệt thử cổ- Ảnh Hà Hữu Nết

Tôi yêu Đà Lạt qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc từ nhỏ. Đà Lạt “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” đẹp và thơ mộng đến nao lòng. Đà Lạt như “Mảnh châu Âu” mà tạo hóa ban tặng cho Việt Nam. Vì vậy, năm 1984, tôi chuyển hẳn vào Đà Lạt sinh sống và lập nghiệp. Được ở một phần biệt thự 12 Nguyễn Du, thật hạnh phúc và tiện ích. Biệt thự hai tầng này, tường xây gạch rất dày, bốn mái lợp ngói, có ba lò sưởi, sàn và trần nhà làm bằng gỗ, ba cửa chính và tám cửa sổ (trong kính ngoài chớp) tạo sự mát mẻ khi trời nắng, ấm áp khi trời lạnh, có ban công nhìn ra rừng thông tuyệt đẹp. Dọc hai bên đường Nguyễn Du, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai... còn có hàng ngàn biệt thự cổ khác, tuyệt mỹ hơn nhiều.

Trường Cao đẳng Đà Lạt- Ảnh Hà Hữu Nết

Ban đầu, tôi ngỡ rằng Đà Lạt được xây dựng từ một “Cuộc thi kiến trúc châu Âu”. Bởi, hơn 2.000 biệt thự cổ (không thấy hai biệt thự giống hệt nhau) như 2.000 bông hoa khác nhau nở giữa rừng thông Đà Lạt. Tìm hiểu kỹ hơn mới biết, khi người Pháp sang Việt Nam, họ mang theo “Bản vẽ nhà mình” xây trên đất Đà Lạt để đỡ nhớ quê hương. Đây là sự hoài niệm thật đáng yêu. Theo giới chuyên môn, kiến trúc Đà Lạt ảnh hưởng đậm nét kiến trúc châu Âu thế kỷ XIX. Hệ thống biệt thự Đà Lạt được xem là linh hồn làm nên nhan sắc Đà Lạt. Với khí hậu ôn đới, từng biệt thự thường cải tiến chút ít về diện tích, mái nhà, ống khói, ban công cho phù hợp với Đà Lạt sáu tháng mưa, sáu tháng nắng. Loạt biệt thự đầu tiên (đầu thế kỷ XX) chủ yếu là nhà gỗ lợp ngói hoặc tôn, thường giữ nguyên kiến trúc nơi cố quốc. Nếu có thay đổi, chỉ là số ít khung sườn bằng gỗ tốt xây chèn gạch, sàn và trần nhà bằng gỗ ghép rất khéo, đó là kiến trúc Bắc Pháp. Phổ biến là các biệt thự quanh đường Trần Hưng Đạo, Pasteur, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai...

Nữ sinh và kiến trúc cổ Đà Lạt

Thời gian đầu, xi măng chưa được mang lên Đà Lạt, nên việc xây nhà toàn bằng gạch với vôi tôi, trộn nhớt từ lá cây giã ra. Tường gạch xây chèn khung gỗ vẫn tốt, không nứt nẻ, mặc dù đã gần 100 năm. Ở độ cao 1.500m, Đà Lạt ít có mối mọt, nếu thanh gỗ nào mục thì thay thanh đó, mà tường không nứt đổ. Giai đoạn 1900 - 1954, ở Đà Lạt gỗ nhiều, thép ít (thép phải nhập từ Pháp sang và đưa từ Sài Gòn lên), nên ít dùng thép trong xây cất nhà cửa. Người Pháp quy hoạch Đà Lạt thành Trung tâm Nghỉ dưỡng châu Á, nên cần xây dựng thật đẹp, thơ mộng, thân thiện với môi trường. Do vậy, mật độ xây dựng các biệt thự phải xa nhau từ 50 đến 100m (thậm chí xa hơn), mỗi biệt thự đều có vườn hoa, tầm nhìn đẹp và thông thoáng.

Đà Lạt- Thành phố trong rừng- Ảnh Hà Hữu Nết

Hệ thống biệt thự Đà Lạt phân bố theo chuỗi hồ nước, suối lớn và rừng thông. Biệt thự chỉ được xây không quá ba tầng, phải có ít nhất hai mái (nhiều mái càng đẹp), rất hài hòa với dáng thông cao gầy. Không được làm nhà mái bằng (dạng nhà hộp), trừ khu trung tâm do hiếm đất. Vì làm nhà cao tầng, sẽ phá vỡ cảnh quan và che khuất tầm nhìn thắng cảnh. Riêng hướng bắc hồ Xuân Hương không được xây nhà, sẽ che khuất núi mẹ Lang Biang - ngọn núi cao nhất, đẹp nhất, là linh hồn của Đà Lạt. Việc xây cất mọi công trình kiến trúc, đều do Kiến trúc sư thiết kế và phê duyệt của Sở Công chánh. Kiểu biệt thự hai mái, có mái nhô tròn (chặt góc) là của miền Trung và Bắc Pháp. Mái nhọn nhô cao, có cửa kính lớn, đích thị của miền Nam Paris. Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là vùng núi Alpes. Mái dốc, xây đá chẻ là ở vùng biển Normandie. Loại mái lợp ardoise (đá mài miếng mỏng) của miền Trung Pháp.

Ga Đà Lạt- Ảnh Hà Hữu Nết

Lò sưởi và ống khói rất đa dạng. Mái ít dốc ống khói thấp, mái dốc nhiều ống khói cao. Lò sưởi miền Bắc Pháp có từ 1- 3 ống khói tròn, trên đầu có chóp che mưa. Ống khói miền Trung và Nam Pháp cho khói tỏa ra bốn phía, có tấm che mưa phía trên. Lò sưởi trong nhà, vừa để trang trí, vừa để sưởi ấm. Chỉ cần đếm số lượng lò sưởi, cầu thang nhiều hay ít là biết biệt thự ấy sang trọng cỡ nào.

Dinh Bảo Đại- TP Đà Lạt

Những người sống lâu năm ở Đà Lạt đã quen với khí hậu lạnh. Nhưng những ai từ xứ nóng đến thì cái lạnh vô cùng thấm thía. Biệt thự được thiết kế phổ biến là các phòng khách nối liền với phòng ăn. Nơi đây, thường có một lò sưởi, để vài khúc gỗ trang trí và đốt lửa khi trời quá lạnh. Phòng ngủ cũng có lò sưởi, không bị ngợp thở, nhờ ống khói hút khí cacbonic ra ngoài. 

Biệt thự 24 - Đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt

Các biệt thự Đà Lạt, ở cửa lớn vào nhà thường có một khoảng lõm vào, hoặc nhô ra để treo áo mưa, dù, mũ. Vườn cảnh, cổng ra vào, tường rào cũng được thiết kế hợp lý, để tôn thêm vẻ đẹp ngôi nhà. Từ cổng vào nhà thường trồng hoa, nên phòng khách bố trí lùi về sau, để có tầm nhìn đẹp. Các biệt thự ít đất thường có bồn hoa đúc trước các cửa sổ, quanh chân tường nhà, tạo sự lãng mạn, tươi mát. Biệt thự có vườn rộng, có xe ô tô thường làm cổng vào, cổng ra riêng biệt, không cần quay đầu xe. Đặc biệt, kiến trúc các dinh thự, khách sạn lớn, nhà thờ, chùa triền thường xây cất trên đỉnh đồi, ẩn mình giữa rừng thông, càng tăng thêm vẻ uy nghi, sang trọng.

Dinh 1 Đà Lạt

Theo Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cựu Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam, ở nước ta chỉ có Huế và Đà Lạt được gọi là đô thị di sản. Riêng ở Đà Lạt, bên cạnh các công trình kiến trúc Pháp, kiến trúc Đà Lạt còn trở nên đa dạng hơn nhờ những ngôi chùa, thiền viện, biệt thự đậm nét Á Đông do người Việt thiết kế. Dù chịu ảnh hưởng nhiều phong cách khác nhau, nhưng hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hòa hợp với thiên nhiên, tạo nét kiến trúc độc đáo và ấn tượng.

Biệt thự 16 - Phố Lê Lai, TP Đà Lạt

Trải qua, 131 năm hình thành phát triển (kể từ ngày 21/6/1893 Yersin tìm ra Đà Lạt), thành phố này đang lưu giữ, bảo tồn và làm giàu thêm giá trị kiến trúc Đà Lạt. Từ nhiều năm nay, người Đà Lạt nhận thức rằng, nếu không còn biệt thự cổ, không còn rừng thông, sẽ không còn Đà Lạt. Đà Lạt sẽ biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Cùng với khí hậu, thắng cảnh, hoa và con người, kiến trúc Đà Lạt đã làm nên giá trị và “Thương hiệu Đà Lạt”. Đà Lạt - Top 52 thành phố nổi tiếng thế giới, đang phấn đấu trở thành “Di sản Kiến trúc Quốc gia” và “Di sản Kiến trúc Thế giới”. Hãy chung tay, bảo vệ và tôn vinh kiến trúc Đà Lạt. Đà Lạt vì cả nước, là niềm tự hào của Việt Nam!  

Biệt thự 12 - Phố Lê Lai, TP Đà Lạt

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ hội Đền Trần - Nơi hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử

Vương triều Trần (1225-1400) là triều đại rực rỡ, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII. Trong đó, Vua Trần Nhân Tông sớm nhường ngôi cho con rồi lui về đi tu, trở thành vị Tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lập bao chiến công hiển hách trong cả 3 lần chiến đấu chống quân Nguyên - Mông, khi hóa đã được nhân dân suy tôn là bậc thánh.

Vẻ đẹp của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi trên núi Long Đọi, Hà Nam

Chùa Long Đọi Sơn vừa mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của ngôi cổ tự gần một nghìn năm tuổi, vừa mang đến cho du khách cảm giác bình yên, thanh tịnh.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"- Giúp người là tạo phước

Nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống đem lại bình an và hạnh phúc cho con người là mục đích của đạo Phật. Làm từ thiện để đem niềm vui đến cho mọi người, khi gặp hoạn nạn, cơ hàn, khó khăn, cũng chính là đem niềm vui cho chính mình vậy. Từ lâu, việc bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ được Phật tử chan rải khắp ba miền, nam, trung, bắc, là nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia những nỗi niềm bất hạnh, đem đến hạnh phúc cho con người.

Ngày 7/7 Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau

Ngày lễ Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày này thường có mưa phùn dai dẳng, nên người Việt còn gọi là ngày ông Ngâu bà Ngâu.

Khám phá tháp cổ nghìn năm ở Bạc Liêu

Di tích tháp cổ Vĩnh Hưng được hoàn thiện vào thế kỷ IX, mang đặc trưng kiến trúc - tôn giáo của văn hóa Óc Eo, hiện đón hàng chục nghìn khách đến thăm mỗi năm.

Đến Thung Nham, ngắm hang động kỳ bí, vườn chim lớn nhất miền Bắc

Được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, thung lũng, hang động và rừng nguyên sinh, Thung Nham là điểm đến hấp dẫn khi tham quan Ninh Bình. Các hang động nơi đây đẹp như bức tranh họa đồ.

BR-VT: Gần 400 Phật tử tham gia khóa tu Tổng đạo tràng lần III - năm 2024 tại chùa Bảo Tích

Trong chuỗi hoạt động Phật sự thường niên năm 2024, ngày 28-7, tại chùa Bảo Tích (xã Bàu Lâm, H.Xuyên Mộc), 4 ban chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã khai mạc khóa tu Tổng đạo tràng lần III năm 2024.

Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

13 giờ chiều nay ngày 26 tháng 7 năm 2024 Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Thành phố Hà Nội.
Top