Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.
Có thể hiểu “văn hóa tôn giáo” đó là toàn bộ những hiện tượng và những giá trị văn hóa mang tính hệ thống được hình thành tích hợp và phát triển trên nền tảng một ý niệm, một giáo lý, một hệ thống tổ chức tôn giáo nào đó, chúng tạo ra các giá trị đích thực và thỏa mãn những nhu cầu về nhận thức, lối sống thẩm mỹ của con người, chúng trở thành hiện tượng phái sinh gắn bó hữu cơ với tôn giáo ấy.
Có lẽ hiếm thấy một hình thức tôn giáo tín ngưỡng dân gian nào như tín ngưỡng thờ mẫu mà ở đó thể hiện khá tiêu biểu quá trình nảy sinh và tích hợp các hiện tượng và giá trị văn hóa mang sắc thái dân tộc độc đáo, như nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng và tạo hình dân gian, các hình thức sinh hoạt cộng đồng,…
Văn hóa diễn xướng độc đáo là nét đặc sắc trong hò dân gian (Ảnh: Công an nhân dân)
Từ kho tàng văn hóa, đặc biệt là văn học dân gian nước ta, có một mảng riêng, đã được sưu tầm hay còn đang lưu truyền trong dân gian, đã ghi chép thành văn hay còn đang truyền miệng gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, như văn chầu, thần tích, thần phả, các huyền thoại, truyền thuyết, các bài thờ giáng bút và ứng khẩu, các câu đối trên văn bia… Trữ lượng của mảng văn học này là bao nhiêu, các giá trị nhân văn và nghệ thuật mà nó biểu đạt là thế nào thì đều chưa được chúng ta lưu tâm đầy đủ. Có lẽ một bài viết của Phan Đăng Nhật về giá trị văn chương của các bài chầu hay việc xây dựng hình tượng Mẫu Liễu Hạnh (Địa Tiên Thánh Mẫu) qua các áng văn là cố gắng bước đầu trong việc nhìn nhận một các nghiêm túc và khách quan kho vốn văn học của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Để tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu và nguồn gốc, tính cách từng vị Thánh thì các bài chầu là nguồn tư liệu vô giá. Hơn thế nữa, thông qua các bài văn chầu ta cũng có thể nhận biết được những ngưỡng vọng, tâm tư, tình cảm của nhân dân, con đường và phương thức sáng tạo nghệ thuật của dân gian trước kia cũng như hiện nay, bởi vì các bài chầu văn hàng ngày được các nghệ nhân hát chầu văn lưu truyền và sáng tác.
Hiện tại chưa có ai nói được số lượng các bài văn chầu, số lượng các câu trong mỗi bài chầu của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ. M.Durand trong công trình của mình đã cho in một phụ lục gồm một số bài văn chầu và giới thiệu vắn tắt 24 bài văn chầu viết bằng chữ nôm, in thành một tuyển tập “Chư vị chầu” lưu trữ ở thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ, nay là viện của Viện thông tin KHXH tại Hà Nội. Hai tác giả người Pháp là Pierre J.Simon và Ida Simon Barough trong tác phẩm “Hầu bóng, một thứ lễ thức nhập hồn của người Việt Nam được mang sang Pháp”, xuất bản năm 1973 cũng đã công bố danh sách một số bài hát văn chầu, có sự so sánh giữa sách “Sách dạy văn chầu chư vị Thánh Mẫu” xuất bản ở Hà Nội 1935, mà ở một ngôi đền tại Pháp còn có bản sao với sách “Văn chầu chư vị” mà M.Durand giới thiệu. Trong công trình “hát văn” xuất bản gần đây, phụ lục một số bài văn chầu (33 bài) đã được in, tuy lúc đó chưa có điều kiện để đối chiếu với các bài văn chầu của M.Durand đã công bố. Bài viết của Phan Đăng Nhật về “hát văn, giá trị văn chương” cũng chỉ dựa trên 54 bài văn chầu bước đầu sưu tầm được ở một số địa phương. Có thể nói ngay rằng, số lượng các bài văn chầu đã được tác giả kể trên công bố và khảo cứu chỉ là một phần nhỏ các bài văn hiện đã được sưu tầm hay chưa được sưu tầm.
Các bài văn chầu được sáng tác và ghi chép lại bằng chữ Nôm, chữ Hán hay chữ quốc ngữ. Thực chất đây là những bài thánh ca được các cung văn hát múa trong các buổi hầu bóng Thánh Mẫu, cùng với âm nhạc, các nghi thức khác tạo nên không khí linh thiêng và hòa nhập giữa con người và thế giới thần linh. Ngoài chức năng nghi lễ, các bài văn chầu tự thân nó cũng biểu đạt những giá trị nghệ thuật nhất định. Bươc đầu cũng đã có nhà nghiên cứu chú ý phân tích cấu trúc và những đặc trưng thể loại của các bài văn này.
Về cấu trúc của các bài văn chầu phổ biến hơn cả là các dạng sự tích của các vị Thánh: Các vị Thánh hiển linh, chu du khắp nơi và giáng hạ ở các nới cầu cúng, mô tả dung nhan kiều diễm… Dạng truyện thơ, giống như truyện thơ Nôm khuyết danh, thể thơ lục bát hay song thất lục bát, cấu trúc khá ổn định, kể gốc tích các vị Thánh (thiên thần hay nhân thần), trải qua cuộc đời gian truân, éo le, có lúc trắc ẩn mang kịch tính, hiển linh, cứu khổ cứu nạn giúp người trần. Các bài thơ mô tả cảnh đánh cờ, tổ tôm, xóc đĩa, tam cúc, bắn cung… thường hạn hữu hơn. Nói chung cấu trúc của các loại hình văn chầu thuộc các phạm trù văn học dân gian, các mô típ quen thuộc của các truyện dân gian, diễn đạt cũng bằng thể văn vần lục bát hay song thất lục bát. Hình thức phát triển cao hơn của các thể loại này là truyện thơ, giống như truyện thơ Nôm, mang tính tự sự và trữ tình rõ rệt, bước đầu chú ý khắc họa tính cách nhân vật trong những tình huống mang tính kịch… đã tạo hiệu quả tác động thu hút người nghe trong môi trường linh thiêng của thế giới tâm linh.
Phải thừa nhận rằng lời thơ của văn chầu nhiều khi chưa được trau chuốt, thậm chí nhiều lúc khá nôm na, sống xít, tuy nhiên vần điện cùng với nội dung mô tả hình ảnh những vị Thánh, những sự tích thần kì, cảnh sắc thiên nhiên kì thú, cuốn hút người nghe, tạo nên những hiệu quả tâm lý rõ rệt. Các bài văn chầu này cũng là sự tiếp tục của dòng văn học truyền kỳ đi vào mô tả, khêu gợi những truyện quái dị, hoang đường liên quan đến thần linh, ma quỷ mà khởi nguồn của dòng văn học này là Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả,…
Liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là Mẫu Liễu Hạnh ta còn thấy khá nhiều văn bản bằng chữ Nôm và chữ Hán, viết dưới nhiều thể vần khác nhau, trong đó có những tác phẩm của các nhà văn thơ có tên tuổi đương thời, như “Vân Cát thần nữ”, trong “Truyền kì tân phả” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, “Liễu Hạnh công chúa diễn âm” của Nguyễn Công Trứ, “Tiên phả dịch lục” của Kiều Oánh Mậu. Ngoài ra còn có các tác phẩm khuyết danh khác như áng văn “Vân Cát thần nữ cổ lục diễn âm” dài hơn 700 câu. Đặc biệt nhất phải kể đến tác phẩm “Vân Cát thần nữ” của Đoàn Thị Điểm. Bên cạnh những áng văn hay kể lại sự tích công chúa Liễu Hạnh, bà đã dành nhiều dòng, nhiều trang nói về cuộc hội ngộ thơ văn giữa Công chúa Liễu Hạnh với văn sĩ Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), cử nhân họ Ngô, tú tài họ Lý ở Lạng Sơn, sau đó là ở Tây Hồ. Đây thực sự là những áng văn thơ tuyệt tác, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
Có lẽ trong các tác phẩm văn học viết về Liễu Hạnh thì cuốn “Tiên Phả dịch lục”, một chuyện thơ Nôm của Kiều Oánh Mậu là đầy đủ hơn cả. Toàn bộ tác phẩm dài 776 câu, so với tác phẩm khuyết danh “Vân Cát thần nữ cổ lục diễn âm” thì độ dài cũng tương đương (732 câu) nhưng giá trị tư liệu và nghệ thuật của “Tiên Phả dịch lục” cao và phong phú hơn tác phẩm thơ nôm khuyết danh kể trên.
Nối tiếp truyền thống các loại truyện thơ viết về Thánh Mẫu, các nhà văn, nhà nghiên cứu cận hiện đại cũng đã có những tác phẩm viết về chủ đề này, ví như “Truyện thần nữ Vân Cát” của Thiên Đình (1930), “Sùng Sơn đại chiến sử” của Lãng Tuyết (1941), “Sự tích của Liễu Hạnh công chúa” của Trọng Nội (1950), “Bà chúa Liễu” của Hoàng Tuấn Phổ (1990), “Liễu Hạnh công chúa” tiểu thuyết của Vũ Ngọc Khánh (1991). Đây là các tác phẩm mang tính chất sử - văn, vừa khảo cứu vừa phóng tác nên cũng ẩn chứa những giá trị tư liệu và giá trị văn học nhất định.
Còn có một hình thức sinh hoạt, một dạng văn học liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là các bài thơ giáng bút, được quan niệm như lời phán truyền của Thánh Mẫu. Thực ra, hình thức giáng bút này có mặt trong khá nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nó có nguồn gốc từ những tín ngưỡng khá nguyên thủy. Thực chất đó chỉ là những điềm báo, những phán truyền của thần linh thông qua các dấu hiệu và ở hình thức cao hơn là văn tự. Tục cầu tiên để chữa bệnh hay cầu cơ cũng là những biến dạng của hình thức này mà thôi. Tuy nhiên, giáng bút trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu thì hình thức này đã phát triển lên trình độ cao, một sinh hoạt mang tính văn học, có lúc người ta còn lợi dụng nó để tuyên truyền các tư tưởng chính trị nữa.
Cho tới nay chưa ai sưu tầm được tương đối đầy đủ các bài giáng bút của Thánh Mẫu, nhất là Mẫu Liễu Hạnh, một Thánh Mẫu có tài thơ văn, đã từng giao du với các văn sĩ. Bởi vậy, ở các ngôi đền thờ Mẫu, nhất là nhưng nơi thờ phụng chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đều có ghi lại hay truyền tụng các bài thơ giáng bút của Chúa Liễu. Trong sách “Vân Cát tiên nữ” của Vũ Ngọc Khánh và Phạm Văn Ty có giới thiệu hai bài giáng bút của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một hình thức giáng bút mới ở Nghệ Tĩnh và Quảng Nam, mang nội dung nhắc nhở tinh thần dân tộc, cổ xúy Duy Tân, củng cố đạo đức nho giáo nhất là đối với phụ nữ. Tác giả cho rằng, đây là hình thức muôn thuở giáng bút của Liễu Hạnh để các nhà nho yêu nước tuyên truyền cho tư tưởng yêu nước của mình thời phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX.
Như vậy là cùng với thần tích, ngọc phá, văn bia, câu đối, các bài văn chầu, các truyện thơ Nôm, những bài thơ giáng bút, các biên khảo và phóng tác cận hiện đại… đã cùng tạo nên một vốn liếng không đến nỗi nghèo nàn về “hiện tượng văn học tín ngưỡng thờ Mẫu”, mà ý nghĩa xã hội, lịch sử và nghệ thuật của nó còn chưa được giới thiệu quan tâm đúng mức. Hy vọng trong tương lai sẽ có các công trình sưu tầm, hệ thống và khảo cứu kỹ càng hơn về hiện tượng văn học dân gian này.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam