banner 728x90

Lẫm An Nghiệp (Phú Yên) - công trình kiến trúc cổ trên 100 năm

21/09/2024 Lượt xem: 2653

Tọa lạc tại khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), lẫm An Nghiệp từ lâu được biết đến là một công trình kiến trúc cổ có niên đại trên 100 năm, đến nay vẫn giữ được nét cổ kính của một di tích văn hóa lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Lẫm An Nghiệp (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

An Nghiệp là một làng cổ nằm bên bờ tả ngạn sông Ba, hiện tọa lạc tại khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong quá trình lập làng, cộng đồng cư dân xây dựng lẫm An Nghiệp.

Lúc đầu lẫm được xây dựng với vật liệu bằng tre, gỗ, vách đất, mái lợp tranh, có chức năng là nơi chứa lúa của làng. Đến đầu thế kỷ XX, lẫm được trùng tu, xây dựng lại bằng vật liệu xi măng, mái lợp ngói âm dương, bên trong là hệ thống cột, kèo bằng gỗ tốt. Mặt tiền của lẫm được trang trí tỉ mỉ họa tiết hoa lá và các câu đối Hán Nôm.

Phần trên mặt tiền có đính các mảnh sành sứ với 4 chữ Hán “An Nghiệp tự lẫm” (lẫm làng An Nghiệp), trên mái là 2 cặp lân. Lúc này lẫm An Nghiệp đã chuyển đổi chức năng không còn là nơi chứa lúa mà thờ phụng Thành hoàng, các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Trong gian điện thờ của lẫm chia làm 3 ban thờ: Chính giữa là thờ thần Thành hoàng, bên phải thờ tiền hiền, bên trái thờ hậu hiền. Trước 3 ban thờ là 3 tấm nghi thêu rồng phụng làm gia tăng sự linh thiêng của gian thờ.

Gian điện thờ của lẫm chia làm 3 ban thờ: Chính giữa là thờ thần Thành hoàng, bên phải thờ tiền hiền, bên trái thờ hậu hiền

Năm 1949, cơn bão lớn làm cho lẫm An Nghiệp bị sập. Sau đó người dân góp tiền và công sức tu sửa, thay mái ngói. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lẫm An Nghiệp bị ảnh hưởng nên hư hỏng, xuống cấp. Năm 2003, lẫm An Nghiệp được trùng tu, tôn tạo khang trang như ngày nay bằng nguồn kinh phí quyên góp trong Nhân dân. Mặt tiền của lẫm được giữ nguyên như lúc đầu xây dựng cách đây trên 100 năm, nên vẫn giữ được nét cổ kính của một di tích văn hóa lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Diện tích của điện thờ lẫm An Nghiệp có chiều dài và rộng đều 9m, người dân địa phương thường gọi là lẫm vuông. Mỗi khi tế lễ tại lẫm, người dân thường truyền tụng nhau về công đức của các bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp cho làng được đưa vào thờ phụng tại lẫm, nên lẫm An Nghiệp còn được gọi là nhà tiền hiền.

Với lịch sử trên 100 năm, lẫm An Nghiệp là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân đồng bằng Tuy Hòa. Lẫm An Nghiệp là công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân địa phương. Trước năm 1945, việc tế lễ diễn ra 2 lần trong năm gọi là xuân kỳ thu tế. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, việc tế lễ bị gián đoạn.

Thiện tục khả phong - Bảng khen tặng làng An Nghiệp của vua Tự Đức năm 1854.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lẫm An Nghiệp được trưng dụng làm trường học giảng dạy học sinh cấp tiểu học của địa phương. Khi lẫm được trùng tu cho đến nay, việc cúng tế được khôi phục theo nghi thức truyền thống, có đọc chúc văn và tấu nhã nhạc với sự tham gia đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Lễ tế diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Lễ vật để dâng cúng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền là hương đăng, hoa quả và thịt gà, thịt heo. Việc tế lễ tại lẫm An Nghiệp được Ban quản lý lẫm tổ chức, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi việc làm ăn của cư dân trong làng đều thuận lợi, may mắn. Đây cũng là dịp để bà con trong làng gia tăng sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều người đi làm ăn nơi xa nhớ ngày tế lễ cũng về tham dự, thắp nén hương tạ ơn Thành hoàng và các bậc tiền, hậu hiền của làng.

Với lịch sử trên 100 năm, lẫm An Nghiệp là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân đồng bằng Tuy Hòa. Dù trải qua bao biến đổi của thời gian, lẫm An Nghiệp vẫn là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước vào vị thần phò trợ cho làng, ghi ơn các bậc tiền nhân có công tạo lập làng qua các thời kỳ. Việc cộng đồng cư dân địa phương gìn giữ, tu tạo kiến trúc lẫm An Nghiệp và duy trì các phong tục, tín ngưỡng của làng, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nhà thờ Cái Bè – Di sản kiến trúc độc đáo và tráng lệ của miền Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những dòng sông hiền hòa, cảnh vật yên bình và nền văn hóa đặc sắc. Trong bức tranh sông nước đó, những công trình kiến trúc cổ kính như nhà thờ Cái Bè không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Chùa Mèo và sự tích ‘miêu thần' cứu thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn

Chùa Mèo ở huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) có lịch sử lâu đời với sự tích “miêu thần cứu chúa” đầy ý nghĩa.

Dinh Cô Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) – Dấu ấn kiến trúc và tín ngưỡng dân gian vùng biển

Nằm nép mình dưới chân núi Thùy Vân, hướng mặt ra biển khơi, Dinh Cô không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng của ngư dân Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) mà còn là công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Linh Sơn Cổ Tự – Trầm mặc lịch sử và tinh thần Phật giáo giữa lòng Vũng Tàu

Linh Sơn Cổ Tự, tọa lạc tại số 104 Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu, không chỉ là ngôi chùa cổ nhất của vùng đất này mà còn là biểu tượng văn hóa – tâm linh mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời. Với gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Linh Sơn Cổ Tự ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết tinh tinh thần Phật pháp cùng kiến trúc truyền thống độc đáo.

Những ngôi chùa đặc biệt ở Trường Sa

Trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa của quần đảo Trường Sa đều có màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng trong những tán cây xanh.

Hành trình tâm linh qua ba ngôi chùa cổ trăm tuổi tại Cần Thơ

Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc sông nước hữu tình mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc qua các ngôi chùa cổ.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TP.Hồ Chí Minh

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.Hồ Chí Minh, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Ngôi chùa hơn 300 tuổi ở Bình Định

Thập Tháp Di Đà là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính.
Top