Nếu như chúng ta có phần nào ngần ngại khi nói tới một “hiện tượng văn học tín ngưỡng thờ Mẫu”, thì hoàn toàn yên tâm và tự tin khi nói về “Diễn xướng tín ngưỡng thờ Mẫu”. Tín ngưỡng thờ Mẫu quả đã sản sinh ra những hình thức diễn xướng riêng cho nó, bắt nguồn từ dân gian, mang sắc thái dân tộc độc đáo, nhưng không trộn lẫn với bất cứ hình thức diễn xướng tâm linh hay đời thường nào khác. Đó là âm nhạc và hát chầu văn, múa hầu bóng, múa và hát bóng rối ở Nam Bộ…
Chầu văn "Cô bé" được diễn xưỡng bởi NGƯT Xuân Hinh
Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.
Nói đây là hình thức diễn xướng tổng hợp vì nó sử dụng một cách tổng hợp các yếu tố âm nhạc, hát, múa, động tác trong quá trình diễn hầu bóng. Còn gọi đây là một loại hình sân khấu tâm linh, bởi vì từ môi trường, không gian, tình huống và diễn xướng mang đầy đủ những đặc trưng của sân khấu, chỉ khác sân khấu đời thường ở chỗ nó diễn ra trước điện thờ thần linh, và bao trùm lên một không khí thiêng liêng.
Để tạo nên hình thức diễn xướng tổng hợp này thì không thể thiếu âm nhạc và hát văn. Thực ra, âm nhạc và hát văn chầu không chỉ diễn ra trong lễ thức hầu bóng, mà còn trong ca hát văn thờ, thậm chí âm nhạc và làn điệu hát văn còn được tách ra khỏi âm nhạc tín ngưỡng, trở thành một làn điệu dân ca với nội dung khá phong phú, đa dạng của đời sống thường ngày. Chưa ai đề cập tới nguồn gốc ra đời của âm nhạc và làn điệu hát văn, song có lẽ nguyên thủy của nó là hình thức nhạc và hát thờ, hát cửa đền, hát nghi lễ, sau mới tích hợp và nâng cao, phát triển hoàn thiện hơn trong hình thức diễn xướng hầu bóng, với những làn điệu phong phú, thích hợp với từng tình huống, tính cách điệu bộ của từng Thánh giáng đồng.
Hát văn đã hình thành và phát triển trong môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, đã cho mình một phong cách ngôn ngữ âm nhạc riêng, không lẫn với bất cứ loại ca hát dân gian hay tín ngưỡng nào. Một hình thức âm nhạc như vậy nhưng nó hoàn toàn không đóng kín mà với những mức độ khác nhau người ta đều thấy ở trong nó khá nhiều ảnh hưởng của các loại hình dân ca của các miền, các dân tộc khác nhau. Đó là những làn điệu của dân ca đồng bằng Bắc Bộ, như các làn điệu sa mạc, bống mạc, cò lả; ảnh hưởng của một số làn điệu ca nhạc thính phòng như hành vân, ngũ đối, kim tiền, lưu thủy, bình bán; của âm nhạc ca trù, như phú chênh, phú xuân, phú tỳ bà, phú cửu đình, phú hạ; ảnh hưởng của ca chèo như phú dầu, lới lơ, của quan họ như đường trường chim thước, của cải lương như xá quảng, của dân ca Huế như lời Huế, của tuồng như kiểu dương thượng; các ảnh hưởng của dân ca Mường, Thái (các điệu xá), của dân ca Tây Nguyên (điệu Xê Đăng)… Khả năng “chầu văn hóa” các loại hình dân ca khác tạo cho hát văn mang nhiều màu sắc địa phương, có thể phổ biến rộng rãi từ bắc tới nam, từ miền xuôi ngược lên vùng núi.
Chặng giao duyên của một cuộc diễn xướng Hát xoan
Để hát văn có thể phù hợp với sự xuất hiện của rất nhiều vị thần linh có thứ bậc, xuất xứ, điệu bộ và tính cách khác nhau, nên trong loại hình âm nhạc này có rất nhiều làn điệu. Cũng có thể nói, hiếm thấy một loại dân ca hay nhạc lễ nào lại có nhiều làn điệu đến như vậy. Chỉ kể những làn điệu chính thì cũng đã có tới khoảng 30, thường gọi là điệu hay giọng. Trong mỗi điệu hay giọng như vậy lại bao gồm nhiều loại khác nhau. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Tô Đông Hải đã thống kê các điệu chính của hát văn: Điệu Bỉ, Miễu, Thống, Phú (có 4 loại Phú), điệu Kiều Dương, Dọc, Cờn (có nhiều loại Cờn), điệu Xá (có nhiều loại Xá), điệu Hãm, Nhịp một, Chèo đò, Bỏ bộ, Thỉnh phụ đồng, Vãn, hò, Song thất, Lới Lơ, Cò lả, Hành vân, Điệu Xê Đăng, Ngũ đối, Lưu Thủy, Kim tiền, Bình Bán, điệu Dồn…
Thực ra, một số điệu của hát văn kể trên còn là các làn điệu của các sinh hoạt âm nhạc dân gian khác của người Việt, tuy nhiện, khi bị thu hút vào Hát văn, nó đã bị “hát văn hóa”, đã có những thay đổi và mang phong cách của Hát văn.
Cũng như nhiều loại dân ca khác, âm nhạc hát văn có cấu trúc mở. Thường là trong cấu trúc giai điệu có một vài nét giai điệu đặc trưng, còn các lời hát thì nội dung và độ dài có thể thay đổi tùy ý. Cấu trúc mở này có thể dùng đề tài nhiều lời văn khác nhau, kể cả những lời hát mang tính hiện đại mà chúng ta thường nghe hát trên đài phát thanh.
Ngày nay, hình thức hát văn phân tách ra thành hát chầu văn trong các nghi lễ hầu đồng và hát văn với tư cách là một làn điệu dân ca, tách ra khỏi sinh hoạt tín ngưỡng, được biểu diễn trên sân khấu, trên đài phát thanh, trong các sinh hoạt văn hóa quần chúng. Tuy nhiên, đâu có sự phân tách đó thì âm nhạc hát văn xét về cội nguồn và đặc trưng, nó vẫn là một loại hình âm nhạc và hát của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Các nghệ nhân chơi nhạc và hát trong các buổi hầu đồng là những Cung văn. Họ tham gia vào sinh hoạt hát văn chầu, văn thơ và đặc biệt là trong các buổi hầu đồng của các Ông đồng và Bà đồng. Họ đồng thời vừa chơi nhạc (có 5 loại nhạc cụ chính: nguyệt, cảnh, phát, trống và thanh la) vừa hát. Để có thể vừa chơi nhạc và hát văn trong các buổi hầu đồng thì các cung văn vừa phải giỏi ngón đàn, hay giọng hát, mà còn phải thông hiểu nghi lễ, nắm được lễ luật và trình tự hầu đồng, nhanh nhạy trong phối hợp với các hành động nghi lễ và các điệu múa của người hầu đồng. Bởi thế sự phối hợp giữa lời hát, âm nhạc của cung văn với hành động cúng lễ nhảy máu của người hầu đồng trở thành yêu cầu nghiêm ngặt, không thể tùy tiện. Do yêu cầu đó, cung văn cũng dần phải bài bản chuyên nghiệp hoặc phải được đào tạo từ thầy cung văn nhiều năm trong nghề. Xưa kia người ta còn tổ chức hát văn thi để tuyển lựa các cung văn giỏi. Đó là các nghệ nhân vừa có khả năng trình diễn vừa có khả năng sáng tác các bài văn, các giai điệu hát văn, làm phong phú hơn kho tàng các lời hát văn và âm nhạc chầu văn này.
Thực ra, âm nhạc và lời hát văn đứng tách ra đã có sức truyền cảm và lôi cuốn người nghe, nó cũng giống lời hát chèo, cải lương, quan họ… Tuy nhiên, âm nhạc và lời hát văn phải được đặt trong khung cảnh của diễn xướng hầu bóng, đặt trong sự hòa hợp với các hành động nghi lễ (dâng cúng, phán truyền, phát lộc…) và đặc biệt là với các động tác múa đồng.
Trong diễn xướng của dân gian của người Việt, ta ít thấy hình thức kết hợp cùng một lúc âm nhạc, hát và múa như Hầu đồng. Tuy nhiên, nếu tách riêng từng yếu tố đó ra thì ta vẫn thấy nó có những sắc thái riêng, ví dụ như âm nhạc và hát chầu văn cũng như múa Hầu đồng.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam