banner 728x90

Khai bút, một phong tục người Việt xưa

17/03/2025 Lượt xem: 2525

Mẹ chồng tôi đã ngót 80 tuổi. Từ khi về làm dâu, năm nào tôi cũng thấy bà khai bút đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong lúc con cháu xúng xính rủ nhau ra phố đón giao thừa, xem bắn pháo hoa thì bà nâng niu quyển sổ lưu niên sẵn sàng khai bút đầu năm. Lần giở những trang ký ức, tôi luôn thấy bà gửi gắm ước vọng một năm mới suôn sẻ, thành công, khỏe mạnh: Đầu xuân khai bút mấy lời/Ta thêm một tuổi của trời ban cho/Tiền vàng cũng chẳng ước mơ/Chỉ mong sức khỏe bao giờ cũng xuân/Bảy nhăm bảy bảy cũng cần/Tám mươi chín chục càng xuân cho đời/Giàu sang phú quý phần người/Còn ta thêm một tuổi đời là vui...

Theo quan niệm dân gian, nội dung khai bút đầu xuân phải do người viết tự nghĩ ra, không sao chép của người khác. Đó có thể là những chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút, một vài vần thơ sáng tác ngẫu hứng... Đôi khi, đơn giản là những xúc cảm hay những kỳ vọng tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử... Trẻ em thì được cha mẹ khuyến khích viết những dòng chữ nắn nót với mong ước ăn học thành tài, kính trên nhường dưới.

Do có ý nghĩa đề cao sự học nên tục khai bút đầu xuân vẫn được nhiều gia đình duy trì hàng năm. Nó không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng răn dạy con cháu về đức tính hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện việc khai bút thường diễn ra sau thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người còn trân trọng chọn ngày giờ tốt để khai bút với hy vọng viên mãn trong năm mới.

Gắn với khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua… Đây là một nét đẹp truyền thống bao đời nay, cũng là một cách thể hiện việc tôn sư trọng đạo và cầu mong sự tốt lành. Tục truyền, không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người xin chữ thường chọn giờ lành, chọn những thầy đồ, nho sĩ hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp mong cho những chữ đã xin cũng thấm đẫm cốt cách người viết. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân, lấy chữ răn mình. Chữ thường được xin là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn, Tín, Tài, Danh... Đôi khi, các thầy đồ không cho chữ người ta muốn, mà lại viết lên con chữ bột phát nơi đầu cây bút lông. Những chữ này có thể ứng với tính cách hoặc là một hành động nên thực hành với hi vọng sẽ có nhiều điều may mắn trong năm mới.

Đã thành lệ, Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy, mọi người thường rủ nhau xin chữ từ ngày mùng ba. Ngày xưa, chữ được cho trên giấy dó. Loại giấy dó lụa mỏng mượt chuyên dùng cho các thầy đồ, thầy khóa chép kinh thơ, cho chữ thư pháp vừa đẹp - bền lại đậm đà bản sắc dân tộc. Chú bé giúp việc hăng say mài mực, còn ông đồ già khăn đóng áo dài, chòm râu bạc chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay, phượng múa. Sắc đỏ, sắc vàng của giấy viết như tô điểm thêm nét rực rỡ cho ngày xuân.

Ngày nay, việc xin chữ đầu năm cũng là một trong những trào lưu của giới trẻ. Nhiều người thực sự trân trọng văn hóa cổ truyền đi xin chữ với niềm tự hào, phần đông chỉ là sở thích với những chữ, những câu thơ mới, đi xin chữ huyên náo như đi hội. Ông đồ thời nay cũng khác. Bên cạnh những bậc cao niên về học vấn, thư pháp, còn có rất nhiều “ông đồ trẻ”. Ngoài chữ Hán, chữ Nôm, người ta xin chữ Quốc ngữ cũng nhiều. Chất liệu cũng đa dạng hơn với thư pháp trên giấy, vải, đá, gỗ, sứ, trái dưa hấu... Một vài tỉnh thành còn phục dựng phố ông đồ ngày Tết, để các “thầy đồ hiện đại” lại áo the, khăn xếp nghiêm trang cho chữ mỗi độ xuân về.

Hương Lan

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.
Top