banner 728x90

Chợ Tết cuối năm

19/01/2025 Lượt xem: 3432

Ngày cuối cùng của năm, những ngả đường dẫn đến các chợ tấp nập người và xe cộ. Phiên chợ ngày 30 Tết không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là cái “cớ” để mỗi người dân tận hưởng không khí Tết nhất đang cận kề. Và ở đó, dòng người cứ trôi đi trong rộn rã sắc màu của mùa Xuân.

Ảnh minh họa

Ai có thói quen đi chợ ngày 30 Tết đều có thể cảm nhận được bầu không khí “vui như Tết” ngập tràn khắp mọi nơi, biểu hiện trên từng khuôn mặt của người đi chợ. Những hình ảnh vừa vội vã, vừa thong dong. Một bên tay xách nách mang, một bên thảnh thơi dạo chợ. Cách bày biện hàng hóa của phiên chợ 30 Tết không cầu kỳ, hình thức, tất cả đều được trưng ra đất, ra nia, hoặc “sang” hơn thì lót tấm bạt rồi trải nông sản, vật dụng tràn ra.

Đâu đó trên các ngã đường vào chợ, có thể nhìn thấy hình ảnh những con gà bị nhốt trong lồng, những cặp vịt cột chung, trái cây, hoa cúc, hoa lay ơn chất thành đống, thấp thoáng chùm bóng bay đủ kích cỡ, màu sắc in bóng tuổi thơ mỗi người.

Ngày Tết thật sự là ngày ba mươi. Mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào... Và, cũng trong cái ngày ba mươi đó, lũ trẻ thường theo chân mẹ đi chợ Tết, đon đả chào hỏi người quen, tíu tít chạy theo xách giỏ để mẹ rảnh tay lựa chọn những món đồ còn thiếu.

Cuộc sống hiện đại làm cho chợ Tết ngày nay tiện lợi, văn minh hơn trước nhưng không vì thế mà mất đi không khí đón Xuân bởi chợ luôn nhộn nhịp và đầy ắp các mặt hàng.

Ảnh minh họa

Có người đi chợ ngày 30 Tết, chỉ để xem “thiên hạ mua bán” ra sao và cũng để thưởng thức cái không khí náo nức của phiên chợ cuối cùng năm cũ. Đi chợ Tết, với nhiều người, khoái nhất vẫn là cảnh được thong dong nhìn ngắm chợ hoa và nếu may mắn anh có thể mua được vài chậu hoa giá rẻ mang về chưng Tết.

Một trong những gian hàng thu hút khách ghé mua ngày 30 Tết là các sạp hoa quả bày trên bàn thờ gia tiên hoặc cúng giao thừa. Trong ngày này, dù cây trái cây bày biện trong hàng đã vơi đi quá nửa nhưng chủ sạp vẫn đon đả mời chào khách ghé mua. Khắp các lối đi thơm nức mùi chuối chín. Những quả bưởi Năm Roi căng tròn nép dưới lá xanh; những trái mãng cầu to tròn, vuông vức; nhiều nải chuối xanh vẫn giữ được chiếc tua đầu trái; dưa hấu xanh, vàng, đỏ… mang lại cảm giác tươi non, mỡ màng.

Chủ một sạp trái cây cho biết: Tiền nào của nấy. Thời điểm ngày 30, trừ số ít người mua còn kỳ kèo bớt một thêm hai thì đa số bà nội trợ thường chỉ đưa ra yêu cầu chọn trái to, tròn, đều và quan trọng nhất là vẫn giữ được chiếc cuống với lá xanh, còn giá cả không quan trọng.

Mấy năm trở lại đây, thay vì mua đủ 5 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm, để gọi thành tên: “cầu vừa đủ xài thơm” thì người mua bắt đầu chọn quả sung để “cầu vừa đủ xài sung”. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào, thì trên bàn thờ gia tiên mọi người vẫn ưu tiên hai loại, đó là nải chuối xanh tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng và quả bưởi, hoặc dưa hấu căng tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, sung túc.

Cũng theo chủ sạp trái cây này, một số hàng buôn trái cây lớn như chị, dù đắt khách thế nào vẫn trữ lại một lượng trái cây tươi ngon cho ngày 30 Tết. Bởi đây là thời điểm các bà nội trợ có tiền, nhưng bận kinh doanh, nay mạnh tay mua sắm.

Ảnh minh họa

Trong năm, khách đến hàng chủ yếu mua các loại trái cây như xoài, nho, cam, quýt, nên nếu lấy hàng đắt tiền về cũng rất khó bán vì sức mua không cao, lời lãi ít. Tuy nhiên, trong mấy ngày Tết, chị mạnh dạn đặt hàng trăm ký táo Mỹ, nho đen, mãng cầu, bưởi Năm Roi loại lớn phục vụ những khách hàng có điều kiện.

Giữa buổi chợ ngày cuối năm, đôi bàn tay của những người bán hàng lúc nào cũng lem luốc, tất bật. Những ngón tay đen bởi quanh năm suốt tháng dấp dính mủ các loại trái cây như đu đủ, vú sữa, xoài, bơ. Ngày 29, 30, tranh thủ được nghỉ học sớm, các cô con gái đang học cấp 2 xoắn quần ra chợ phụ mẹ bán trái cây, đôi bàn tay cứ chộn rộn bày biện, chuyền túi ni-lông cho khách.

 Thông thường, các chợ chỉ đông khách đến tầm 8, 9 giờ sáng nhưng trong ngày 30, khách vào ra mua sắm từ sáng sớm đến tối mịt nên không khí lúc nào cũng ồn ào, tấp nập. Chợ bày bán đầy đủ các mặt hàng từ trái ớt, củ hành, đến tất tần tật các loại nông sản, lá thơm. Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, ngày cuối năm, lượng hàng tập trung về chợ khoảng 3 tấn/ngày.

Để chuẩn bị tốt cho việc buôn bán, nhiều tiểu thương thức dậy từ 3 giờ sáng ngày hôm trước, đi xe ôm ra chợ sắp xếp, bày biện hàng hóa. Càng cận Tết, khách đông, có khi phải gọi thêm người thân trợ giúp để việc bán buôn diễn ra suôn sẻ.

Chợ ngày cuối năm người bán thường dễ tính và chiều chuộng khách hàng hơn. Lúc này, người mua thoải mái lựa chọn, trả giá bởi ai cũng muốn nhanh chóng bán hết hàng để về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Chợ 30 không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là cái “cớ” để mỗi người dân tận hưởng không khí Tết nhất đang cận kề. Và ở đó, dòng người cứ trôi đi trong rộn rã sắc màu, của mùa Xuân.

Quốc Thịnh

 

 

Tags:

Bài viết khác

Cốm làng Vòng – Mùa thu Hà Nội

Không biết tự bao giờ, cái tên cốm làng Vòng đã trở thành nỗi nhớ xanh non của đất Kinh kỳ. Người Hà Nội đi xa, mỗi độ thu về, lại bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới hương cốm phảng phất trên những con phố xưa, như một lời nhắc nhở dịu dàng về tuổi thơ đã qua và quê nhà còn đó.

Tản văn: Chia tay mùa hè

Mùa hè năm ấy, mặt trời như treo mãi trên đỉnh cao xanh biếc, rắc xuống trần gian thứ ánh sáng vàng ươm ngọt lịm. Con đường dẫn lối về khu vườn nhỏ bỗng bừng lên rực rỡ, từng phiến lá xanh thẫm lấp lánh như vẫy chào người qua. Ta vẫn nhớ rõ hương hoa nhài thoang thoảng, tiếng ve ngân dài như khúc dạo đầu cho một cuộc chia tay lặng lẽ, mà cũng vô cùng tha thiết.

Bài học không thể quên

Cha tôi vội vàng chạy ra sân đỡ lấy gánh cỏ nặng trĩu trên vai tôi xuống, ánh mắt người đầy ái ngại và thương cảm: Ham cắt chi nhiều dữ vậy con! Còn nhỏ, gánh nặng vậy vẹo xương còn gì? Tôi, một cậu bé hơn mười tuổi cảm thấy người nhẹ hẳn đi khi đôi vai nóng ran không còn phải gồng lên khổ sở, dưới chiếc đòn gánh cong oằn kia, lòng hân hoan hãnh diện lắm. Cũng như bao đứa trẻ nghèo khác, tôi phải đỡ đần cha mẹ từ khi còn rất nhỏ tuổi.

Truyện ngắn: Ngọn nến

Tôi hớn hở trở về ngôi trường cũ, nơi tôi đã từng gắn bó suốt 3 năm trung học phổ thông. Cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay, tôi biết điều tôi mong đợi ngày xưa giờ đây đã thành hiện thực. Có lẽ thầy tôi sẽ hài lòng vì tôi đi đúng con đường mà thầy tôi đã từng mong muốn.

Tản văn: Lại một ngày nữa đi qua

Có tiếng đàn ai vẳng đưa trong đêm trăng. Trăng trên đồi cát trắng. Liêu trai và mộng mị. Lại có lời ca rằng: Ngày xưa có anh Trương Chi Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay… Không gian như rung lên muôn trùng sợi tơ. Trên dòng Tiêu Tương, con thuyền Trương Chi chở đầy trăng và giọng hát, nặng trĩu tâm tình. Tây hiên, Mỵ Nương nghe dòng sông tương tư thanh âm dìu dặt. Sông thu ru êm một khúc tình ca.

Tản văn: Vườn hoa trước sân nhà

Trước nhà tôi có một ô sân nhỏ, nơi đó tôi trồng cây. Đó là ước mơ của tôi trong khoảng thời gian dài khi còn ở nhà thuê, tôi chỉ mơ có một mảnh đất của riêng mình, chừa một cái sân để cho cây cỏ vươn mình. Và sau này, khi đã có một mảnh đất nhỏ, tôi đã dành một góc riêng cho cây cỏ.

Truyện ngắn: Tình yêu không đơn giản

Một buổi sáng, đang ngồi trên giảng đường, nàng bất ngờ nhận được tin nhắn của anh chàng ở trọ gần nhà: “Em ơi, em có muốn làm con của má anh, làm má của con anh không?”. Nàng cười bẽn lẽn, đôi má ửng hồng. Bữa đó, nàng không thể tập trung học được vì nghĩ anh này hay thiệt, gặp nhau hoài không nói, tự nhiên nhắn một cái tin lạ hoắc. Nghĩ vậy, nàng nhắn lại: “Em đồng ý!”. Nhắn thì nhắn, nhưng nàng coi đó là lời lẽ trêu trọc nhau, đùa chút cho vui.

Tản văn: Xuân trong mắt người thi sĩ

Trong bốn mùa của thiên nhiên, mùa xuân làm cho chúng ta vui nhất và cũng thoáng một chút buồn nhất. Mùa xuân như một cô gái đẹp ghé đến chơi nhà chàng trai, làm cho chủ nhà rộn vui (Tết) và khi nàng bước đi (xuân sang - tháng Giêng) để lại thềm lá ngẩn ngơ. Vì thế, mỗi khi nắng xuân vàng chan chứa trong veo với trời xanh thì tâm hồn người đa cảm đều có cảm giác xao xuyến về những điều đã qua.
Top