Từ giữa tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch) hàng năm, các đình thần đồng loạt tổ chức lễ kỳ yên để gửi gắm niềm tin, mong cầu cuộc sống bình an, no ấm, mùa màng bội thu. Hòa cùng nét văn hóa lâu đời ấy, vào ngày 9 - 11/5 (âm lịch) hàng năm, tại xã cù lao Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) sôi nổi diễn ra các hoạt động mừng lễ kỳ yên, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Di tích đình Bình Thủy là kiến trúc nghệ thuật mang giá trị văn hóa - lịch sử, gắn liền với quá trình khai hoang lập làng trên vùng đất cù lao Năng Gù xưa và là nơi người dân địa phương gửi gắm niềm tin, tín ngưỡng. Quá trình xây dựng đình thần Bình Thủy gắn liền với tên tuổi của ông Dương Văn Hóa - người có công khai phá và quy tụ dân cư trên vùng đất Bình Lâm xưa (tên gọi trước đây của xã Bình Thủy).
Trước kia, đình thần Bình Thủy được xây dựng bằng lá đơn sơ trên một khu đất rộng, cách vàm Rạch Chanh khoảng 200m, nhưng sau đó bị hỏa hoạn. Năm 1850, hương chức và Nhân dân trong làng đứng ra vận động người dân đóng góp, cùng nhau xây dựng lại ngôi đình trên phần đất của ông Dương Văn Thụ (cháu cố của cụ Dương Văn Hóa), cách vị trí ngôi đình cũ khoảng 200m.
Qua quá trình trùng tu, tôn tạo đình Bình Thủy vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, trang nghiêm. Ngôi đình chính có kiến trúc kiểu chữ “Tam”, tam cấp mái, nóc cổ lầu; mái hạ được lợp bằng ngói Phú Hữu, mái trung và mái thượng lợp ngói âm dương. Trên nóc đình có gắn tượng “lưỡng long tranh châu” hàm ý mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.
Cấu trúc mặt tiền đình là sự kết hợp hài hòa trong cùng một tổng thể giữa gạch đá liên kết với gỗ, còn nét trang trí mỹ thuật chính diện ngôi đình thể hiện sự kết hợp 2 yếu tố văn hóa Đông - Tây càng tôn thêm nét kiến trúc, làm cho ngôi đình nổi bật giữa vùng cù lao sông nước. Với giá trị kiến trúc tiêu biểu, nổi bật, đình Bình thủy được UBND tỉnh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000.
Đình Bình Thủy thờ chính là thần Thành hoàng bổn cảnh và vọng tiền hiền Dương Văn Hóa. Hiện nay, đình Bình Thủy đều đặn thực hiện các lễ cúng trong năm, như: Lễ kỵ thần, lễ hội kỳ yên và lễ lạp miếu. Trong đó, lễ kỵ thần của đình Bình Thủy (diễn ra vào ngày 21 - 22 tháng Giêng) có các nghi thức như lễ kỵ thần của những đình khác trong toàn tỉnh, nhưng điểm đặc biệt hơn là ngày lễ kỵ thần của đình Bình Thủy cũng là lễ giỗ của vị tiền hiền Dương Văn Hóa.
Lễ hội kỳ yên (diễn ra từ ngày 9 - 11/5 âm lịch) là dịp để dân làng chiêm bái thần Thành hoàng bổn cảnh, thần nông, thần xã tắc, cầu mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh. Ngày lễ kỳ yên còn có lễ tế tiền hiền, hậu hiền và các bậc tiền bối trong làng xã để giáo dục thế hệ sau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ kỳ yên đình Bình Thủy có các hoạt động lễ và hội đều gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng sông nước. Mỗi kỳ lễ kỳ yên diễn ra sẽ giúp người dân vùng đất cù lao Bình Thủy thấy lại những nghi lễ được truyền từ các thế hệ cha ông.
Đối với lễ lạp miếu (diễn ra vào ngày 19 và 20/12 âm lịch) được tổ chức nhằm đáp tạ thần ân sau 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ thành công, với các nghi thức: Cúng thần nông, thỉnh sanh, túc yết, chánh tế và lễ tất an thần.
Trong 3 lễ cúng lớn của đình Bình Thủy, lễ hội kỳ yên và lễ lạp miếu thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, lễ hội kỳ yên trong nhiều năm qua đã tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, là hoạt động giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Bình Thủy.
Lễ kỳ yên đình Bình Thủy đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương
Cùng với phần lễ trang nghiêm, thành kính, lễ kỳ yên đình Bình Thủy còn có phần hội sôi nổi với các hoạt động thể thao thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khách tham quan đến vui chơi, trải nghiệm lễ hội. Lễ kỳ yên năm nay, bên cạnh giải đua thuyền truyền thống còn có hội thi xe hoa, giải cờ tướng truyền thống và các trò chơi dân gian vui nhộn…
Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng của tính cộng đồng. Thông qua lễ kỳ yên đình Bình Thủy hàng năm là dịp để người dân Bình Thủy xa quê tề tựu tham dự hội làng, gắn kết tình làng nghĩa xóm và tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng Bình Thủy.
Ban Nghiên cứu Văn hóa