Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay còn thường được gọi là đạo Mẫu), một tín ngưỡng dân gian Việt tiêu biểu nhất vẫn còn tồn tại và phát triển, cho tới nay đã được nghiên cứu tương đối đa dạng trên nhiều phương diện, cách tiếp cận, cả địa bàn nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn gợi ra rất nhiều chiều để cùng khám phá, suy ngẫm và minh giải. Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng với những nét đặc thù trong hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở mỗi địa phương, đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng này, đặc biệt là trong tuyên truyền các giá trị văn hóa của nó.
Việt Nam là một nước theo chế độ phụ hệ, tức là người đàn ông làm chủ gia đình. Tuy nhiên, vị trí người phụ nữ không vì thế mà bị hạ thấp. Tín ngưỡng thờ cúng các nữ thần đã xuất hiện từ nghìn năm trước đây. Các vị Nữ Thần nổi tiếng, được thờ phụng nhiều như Liễu Hạnh, Chúa Kho, Quan Âm Thị Kính,… Người Việt còn tiếp thu thần của các cư dân Khmer, Chăm, Hoa… làm cho việc thờ cúng phổ biến và phong phú hơn: Bà chúa Xứ, Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thiên Hậu, Thất Tinh nương nương, 12 bà Mụ, Ngũ Hành… Người Việt quan niệm rằng Thiên nhiên như Đức mẹ, con người chính là con của thiên nhiên. Vậy nên, người ta thờ cúng các nữ Thần để được Ngài che chở, bảo bọc, mang tới cuộc sống bình an.

Tiết mục biểu diễn hầu đồng
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian, tạo thành nét đặc sắc trong nền văn hóa dân tộc. Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu, loại hình tín ngưỡng dân gian gắn với sự tôn sùng, thờ cúng những nữ thần, có vị trí hết sức đặc biệt. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, cùng với những tác động của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành lớp tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ tương đối thống nhất và hệ thống, đồng thời, có nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc (như nghi lễ hát văn - hầu đồng, các lễ hội tín ngưỡng,…), thu hút đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy một kho tàng văn học dân gian đa dạng, phong phú, với những loại hình như văn chầu, truyền thuyết, thơ, câu đối,… Cho đến nay, mặc dù số lượng và chất lượng của mảng văn học này vẫn chưa được khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng giá trị tâm linh và giá trị văn học của nó là không thể phủ nhận. Tín ngưỡng này còn hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật cổ và nghệ thuật dân gian. Chúng ta có thể thấy bóng dáng của nghệ thuật kiến trúc cổ thông qua các công trình đền, điện, phủ với lối bài trí, các hoa văn, những bức tượng được chạm, khắc tinh tế; nghệ thuật sân khấu dân gian cổ qua nghi lễ hát văn - hầu đồng, một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc, được tổng hợp từ rất nhiều yếu tố: âm nhạc, ca từ, vũ đạo mô phỏng,… Ngoài ra, có thể thấy được nhiều nét đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, tính cộng đồng, tình đoàn kết,… Và đặc biệt, còn thấy được mong ước về cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân ta từ bao đời. Do đó, việc tuyên truyền những giá trị văn hóa của tín ngưỡng này là một việc làm cần thiết và quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, trong công tác quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, việc tuyên truyền chủ yếu góp phần thực hiện và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; Bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng tuân thủ các quy định của pháp luật; Phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong các hoạt động tín ngưỡng; Góp phần tăng cường vai trò của Nhà nước trong điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung…

Nghi thức thờ mẫu
Có thể thấy, việc tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa thật sự được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong bản thân tín ngưỡng này.
Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng nói chung, hoạt động tuyên truyền trên lĩnh vực này nói riêng, chủ yếu thuộc về ngành văn hóa các cấp. Trong quá trình triển khai, ngành văn hóa đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, như cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, lực lượng an ninh văn hóa; bên cạnh đó, còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn ở các địa phương. Ngày 28-10-2013, Ban Tôn giáo Chính phủ chính thức có Công văn số 995/TGCP-TGK, về hoạt động thờ Mẫu, trong đó nêu rõ: Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm một số vấn đề sau: Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn và quản lý các hoạt động nghiên cứu về thờ Mẫu, nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của thờ Mẫu.
Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam