banner 728x90

Tượng Bồ Tát Di Lặc trên núi Bà Đen – kỳ quan từ đá sa thạch

27/03/2024 Lượt xem: 2520

Sử dụng chất liệu đá lần đầu tiên ứng dụng dựng tượng tại Việt Nam, biện pháp ghép đá từng làm nên kỳ quan kim tự tháp Ai Cập - đó là vài trong rất nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” làm nên kỳ tích mang tên Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh.

Mỗi viên đá là một …tác phẩm điêu khắc

Có rất nhiều tôn tượng trên thế giới được đúc bằng bê tông, được tạc trên núi đá, thậm chí được đúc bằng vàng nguyên khối, nhưng một bức đại tượng được ghép bởi hàng ngàn viên đá sa thạch với đủ loại kích cỡ khác nhau như tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên núi Bà Đen thì đây là lần đầu tiên có tại Việt Nam, và cũng vô cùng hiếm hoi trên thế giới. 

Theo KTS Phạm Thanh Quang – Ban Quản lý Thiết kế Tập đoàn Sun Group, đơn vị đã cân nhắc rất nhiều về vật liệu, nhưng cuối cùng đá sa thạch xanh đã được lựa chọn với mong muốn tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật trường tồn, dù chi phí cao hơn và khó thi công hơn rất nhiều so với các chất liệu thông thường.

Từng viên đá sa thạch được đánh số chính xác để ghép tôn tượng Di Lặc. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Anh Nguyễn Văn Chung, một nhà thầu cung cấp đá cho công trình cho biết đây là lần đầu tiên tại Việt Nam dùng đá sa thạch để xây dựng tượng Phật. Đá sa thạch hình thành từ những hạt cát, trong đó có silic, một phần của đá vôi. Khi chế tác đá sa thạch, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và tay nghề rất cao và con mắt rất lành nghề mới có thể dùng búa, dùng đục để cắt bỏ những phần cần cắt bỏ, giữ lại những đường nét đẹp nhất và thổi hồn vào từng viên đá. 

Chỉ riêng việc đảm bảo nguồn đá sa thạch cho bức tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch khổng lồ cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng lên đến 4.651m2, với tổng trọng lượng lên đến 5.112 tấn đã là một là thách thức chưa từng có. 

Đơn vị thi công đã ròng rã nhiều tháng trời để đi …tìm đá khắp đất nước ở tất cả các mỏ đá lớn nhỏ nhằm tìm ra được những viên đảm bảo chất lượng cho một công trình để đời. Mỗi viên đá đều được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế với chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm.

Đá sa thạch được tìm kiếm khắp đất nước trong nhiều tháng trời. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Thêm vào đó, để tạo hình cho tôn tượng, từng viên đá được xếp chồng lên nhau kiến tạo những đường cong uốn lượn mềm mại tựa các thửa ruộng bậc thang vùng cao, nên khi gia công đòi hỏi từng đường phẳng, đường viền phải cực kỳ ăn khớp và chính xác. 

“Với từng viên đá, mỗi chúng tôi đều đục đẽo thủ công một cách tỷ mẩn như thể đang tạo nên một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vậy” – Anh Chung chia sẻ. 

Tìm đá, điêu khắc đá đã kỳ công, nhưng quá trình ghép đá mới thật sự là thách thức. KTS Phạm Thanh Quang cho biết: “Kiến trúc sư và kỹ sư của chúng tôi đã phải vừa học hỏi vừa áp dụng công nghệ thiết kế BIM mô hình hóa công trình hiện đại hàng đầu để triển khai phương án thi công. Tất cả các hạng mục kết cấu và những phiến đá đều được mô hình hóa 3D, sau đó được đánh dấu thứ tự cẩn thận rồi chế tác một cách chính xác trước khi được ghép thành một khối hoàn chỉnh”.

Từ Ai Cập cổ đến nóc nhà Nam bộ

Cách thức tạo tác tôn tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi Bà Đen dễ khiến ta liên tưởng đến cách người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim tự tháp với các khối đá vôi, đá granite xếp chồng lên nhau một cách đối xứng gần như hoàn hảo về mặt hình học, mà cho đến ngày nay, cách thức vận chuyển hàng triệu tấn đá và xây dựng nên kỳ quan này vẫn là một bí ẩn. Với tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, việc ghép 6.688 viên đá sa thạch chính xác đến từng centimet theo kiểu kim tự tháp không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. 

Là người trực tiếp điều phối thiết kế và thi công, anh Bùi Nhất Thi - trưởng bộ phận điều phối thiết kế dự án cho biết mỗi viên đá lại có biện pháp lắp đặt khác nhau, trong đó có biện pháp xếp chồng lên theo kiểu kim tự tháp. 3 cột tháp và 5 con robot đã được sử dụng để vận chuyển và lắp đặt từng viên đá, với mỗi viên nặng từ 1,2-1,5 tấn. Các viên đá được đánh số thứ tự theo lớp để quá trình thi công được đúng vị trí. 

Theo anh Thi, phần ghép đá phức tạp nhất nằm ở các vị trí như mũi, môi và hai bàn tay tôn tượng, các kỹ sư đã phải sử dụng đến một biện pháp vô cùng phức tạp, đó là treo ngược đá.

“Biện pháp treo đá ngược có nhiều, nhưng ở tôn tượng Bồ Tát Di Lặc thì tôi chưa thấy bao giờ, bởi không chỉ mỗi viên đá có trọng lượng lên đến cả tấn, mà còn đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối để đảm bảo linh hồn và thần thái an nhiên, hoan hỉ của tôn tượng Di Lặc. Với mỗi viên đá treo ngược ở vị trí khó, có khi chúng tôi phải mất đến 3-4 ngày để hoàn thành”, anh Thi chia sẻ.

Điều dễ gây kinh ngạc hơn cả với công trình này là từ những viên đá sa thạch vô tri, cả một tôn tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ đã hiện hình vô cùng sống động, với nụ cười hoan hỉ, ánh mắt từ ái, dáng ngồi an yên, đẹp và sinh động như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM: “Có thể nói, đây là một kiệt tác không chỉ của Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có tác phẩm tinh tế đến như vậy”.

Tags:

Bài viết khác

Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) – nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Cặp tượng voi đá lớn nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Hai tượng voi đá được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đầu năm 2023, được giới thiệu cùng 12 bảo vật khác của tỉnh Bình Định hôm 21/11 . Hiện vật gồm một đực, một cái, nằm trong không gian lịch sử, văn hóa Champa, di tích thành Đồ Bàn (còn được gọi là Chà Bàn hoặc Vijaya) - kinh đô vương quốc Champa xưa. Cặp tượng có dáng vẻ sống động, được đặt phía trước "tử cấm thành", ở hai bên đường vào cổng lăng Võ Tánh.

Chùa Núi Nổi giữa đồng bằng

Nằm giữa đồng bằng, Phù Sơn tự (chùa Núi Nổi) tọa lạc tại ấp Giồng Trà Dên (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu), là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật của vùng Tây Nam Bộ. Với kiến trúc độc đáo, ngôi chùa thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đến chiêm bái.

Khám phá các di sản văn hoá độc đáo tại núi Bà Đen, Tây Ninh

Tại núi Bà Đen, các di sản văn hoá lâu đời mỗi ngày đều được gìn giữ và phát huy, đưa Tây Ninh thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại Nam bộ.

Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia tại Quần thể Di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Quần thể Di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những Bảo vật Quốc gia quý giá của triều Nguyễn.

Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw tạm dịch là Lễ tế trâu tôn chức ông Kadhar. Trong các chức sắc người Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp và các nghi lễ của dòng tộc, ông Kadhar đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành nghi lễ và hát thánh ca. Từ khi nhập môn, ông Kadhar trải qua các giai đoạn tấn phong rồi mới được phép làm chủ lễ và được mặc tấm chăn có đính hoa văn thổ cẩm. Diễn trình nghi lễ Lang Ndaw có các nghi lễ hiến tế con vật, cúng cơm, hát lễ và múa mừng.

Lễ hội Lam Kinh năm 2024: Di sản văn hóa phi vật thể vô giá

Trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh được ví như một viên ngọc quý với nhiều giá trị vô giá, đặc trưng. Lễ hội không chỉ lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, mà còn là dịp để người dân đất Việt ôn lại và tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân.

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.
Top