Mẫu Cửu
Tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam tôn thờ nhiều vị thần, cả nam thần và nữ thần, nhưng Thánh Mẫu là thần chủ. Trong tâm thức dân gian Thánh Mẫu là hiện thân của vũ trụ và là lực lượng cai quản vũ trụ. Ngài là duy nhất, nhưng có thể hóa thân thành các Thánh Mẫu (tam, tứ vị Thánh Mẫu), cai quản các vùng miền khác nhau của vũ trụ: Thánh Mẫu Tiên Thiên (biểu tượng màu đỏ) cai quản vùng trời, Địa Tiên Thánh Mẫu (màu vàng) cai quản mặt đất, Thủy Tiên Thánh Mẫu (màu trắng) cai quản vùng sông biển, Thượng ngàn Thánh Mẫu (màu xanh) cai quản núi rừng. Xét về bản chất, việc đồng nhất Thánh Mẫu với tự nhiên như vậy chính là kết quả của quá trình con người nhân hóa tự nhiên, hơn thế nữa trong bối cảnh xã hội nông nghiệp mang đậm tính mẫu hệ thì tự nhiên ở đây lại mang nữ tính.
Người Việt Nam tôn thờ Thánh Mẫu là để cầu mong sức khỏe, tiền tài, quan lộc (Phúc, Lộc, Thọ), tức cầu mong những điều thiết yếu của con người ở thế giới trần thế, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác tồn tại trên cơ sở quan niệm có thế giới linh hồn (linh hồn của các vị thần linh), tuy nhiên là thần linh phù hộ, độ trì cho những nhu cầu trần tục của con người trên cõi trần, sao cho sống mạnh khỏe, có nhiều tiền bạc, thăng tiến trong xã hội, không quan tâm nhiều đến linh hồn con người sau khi chết. Đặc điểm này của tín ngưỡng thờ Mẫu khiến cho nó khác biệt với nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác, nó mang tính thiết thực, “hiện sinh”, phù hợp với nhu cầu của con người ở mọi thời đại.
Bàn thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên ngoài trời tại Ba Vì
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một niềm tin tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, nó bắt nguồn từ tục thờ nữ thần của cư dân nông nghiệp, cầu mong sự phồn thực, sinh sôi nảy nở do sự kết hợp hài hòa âm – dương. Trong bối cảnh của xã hội phong kiến quân chủ, nhiều vị nữ thần có nguồn gốc vương triều (Vương Mẫu, Quốc Mẫu) được phong thần, được nhà nước quân chủ tế tự, khoác chiếc áo lịch sử hóa. Từ thời nhà Lê (thế kỷ XV), khi nhà nước lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống, Đạo giáo và Phật giáo mất đi vai trò ở chốn cung đình đã đi vào đời sống dân gian và được dân gian hóa, kết hợp với tục thờ Mẫu bản địa, hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của không chỉ tầng lớp nông dân và nông thôn mà cả tầng lớp tiểu thương, thị dân, lan rộng trên phạm vi cả nước không chỉ trong xã hội truyền thống mà cả xã hội đương đại nữa.
Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là niềm tin tín ngưỡng, mà trong quá trình hình thành và phát triển của nó đã tích hợp nhiều hiện tượng văn hóa đặc sắc – văn hóa thờ Mẫu, thông qua những huyền thoại, truyền thuyết, những bài văn chầu kể sự tích các vị Thánh Mẫu và các thần linh, các bài thơ giáng bút của các vị Thánh mang tính chất như các bài kinh (Kinh Đạo Nam), tạo nên cả một kho tàng “văn học tín ngưỡng thờ Mẫu”. Đó là diễn xướng nghi lễ thờ Mẫu, trong đó nghi lễ Lên đồng, một thứ “sân khấu tâm linh” kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc chầu văn, múa thiêng của các thanh đồng. Đó còn là tranh tượng, trang trí với những hình khối và màu sắc mang tính biểu tượng (ngũ sắc), các kiến trúc đền phủ tạo nên không gian thiêng của các lễ hội “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”… Văn hóa thờ Mẫu đã thực sự góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm tinh thần của xã hội Việt Nam truyền thống tuy nhiên do tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến những ước vọng mang tính trần tục, vĩnh hằng (Phúc, Lộc, Thọ), nên nó luôn tìm được những sinh khí mới trong xã hội hiện đại, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, xã hội đô thị hóa. Điều đó lý giải vì sao tín ngưỡng thờ Mẫu luôn “trẻ hóa” và bùng phát trong điều kiện xã hội Việt Nam đương đại./.
Ban nghiên cứu VHTN phía Nam