banner 728x90

Truyện ngắn: Vô tâm

02/09/2024 Lượt xem: 2439

Vy về làm dâu phố thị được một năm mới nghiệm ra rằng những người đàn ông vô tâm như anh thật sướng. Vy là phụ nữ, những việc nhỏ nhặt trong gia đình từ chuyện chi tiêu, mua sắm đến cái lườm nguýt của em chồng, tiếng thở dài của mẹ chồng trong bữa cơm chiều cũng khiến cô bận lòng. Còn anh, dĩ nhiên anh luôn nghĩ mình là phái mạnh nên chỉ chú trọng, đảm đương những điều to tát. Khi bước ra ngoài anh lịch lãm, oai phong trước bao người. Khi trở về nhà, anh lúc nào chỉ nói một câu cửa miệng “chuyện nhỏ ấy mà...”. Chỉ có Vy ngậm ngùi nhặt nhạnh, tích cóp từng chuyện nhỏ để góp tháng góp năm thành bão lớn.

Ngay từ khi mới yêu nhau, anh đã không mấy khi hỏi Vy chuyện buồn vui, anh chỉ thích nói những điều xa xôi như đám cưới của hai đứa sẽ tổ chức ở nhà hàng, sẽ ngập tràn màu trắng. Anh mua một căn nhà gần ngoại thành tuy đi làm xa một tí nhưng cuộc sống sẽ thoải mái hơn. À! Em thích một khu vườn rộng để trồng hoa đúng không? Sẽ có một mảnh vườn cho em nhưng nhớ trồng cả rau xanh nữa nhé! Chúng mình sẽ có con, ít nhất là ba đứa. Mà em thích con trai hay con gái? Con gái hử? Con nào cũng tốt, chúng mình sẽ phải nghĩ tên cho con dần từ bây giờ, em nhỉ? Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tô vẽ trước mắt Vy một mái ấm lung linh. Phụ nữ còn mong gì hơn thế? Cô gật đầu theo anh về làm vợ, bỏ lại con đường công danh sự nghiệp mà mình phấn đấu bấy lâu ở tỉnh nhà. Thiên hạ bảo cô sướng. Mấy đứa bạn gái đã bước vào cuộc sống hôn nhân trước cô thì thở dài bảo: “Vy dại lắm!”.

Vy về làm dâu thành phố cái gì cũng bỡ ngỡ. Mẹ chồng luôn miệng bảo “nếp sống ở đây khác ở quê nên con phải để ý mà điều tiết”. Vy hỏi anh khác là khác thế nào, anh bảo chuyện nhỏ ấy mà, cứ sống rồi sẽ biết. Trong bữa cơm gia đình đầu tiên, cô em chồng hồn nhiên bảo:

- May quá có chị dâu, từ hôm bà giúp việc nghỉ làm, nhà cửa bừa bãi quá. Mà dạo này tìm người giúp việc sao khó ghê!

Vy cúi mặt ăn cơm không nói gì, anh vẫn chú tâm bàn tính chuyện lỗ lãi sau đám cưới. Mẹ chồng húp thử một ngụm canh rồi nhăn mặt, xong bữa mới bảo:

- Bố con bị bệnh cao huyết áp phải ăn nhạt, khi nấu nướng con cũng nên chú ý. Mẹ thích ăn đồ xào, bố và chồng con thì thích ăn đồ luộc. Còn Hương khảnh ăn lắm, hơn nữa còn bị dị ứng đồ hải sản. Con đi chợ đừng mua mấy thứ ấy, hoặc có mua cũng nấu riêng ra, chứ mỗi lần nó lên cơn dị ứng là cứ ầm ĩ cả nhà.

Vy thở dài bảo anh:

- Nhà mình ăn uống mỗi người một kiểu anh nhỉ!

Anh ngả lưng xuống giường, nhìn cô bằng ánh mắt thật ấm áp rồi giục:

- Ngủ đi em. Mai anh có cuộc họp quan trọng phải đến sớm chuẩn bị một chút. Mấy chuyện bếp núc, ăn uống em đừng lo lắng quá. Bao nhiêu năm nay mẹ vẫn thu vén ổn đấy thôi, chuyện nhỏ ấy mà.

Anh bận bịu công việc suốt ngày, họa hoằn được chút thời gian rảnh là anh rủ bạn đi câu cá, đánh cầu lông thư giãn. Vy cứ lầm lũi ở nhà, một ngày nhớ vài mốc thời gian, bấm đầu ngón tay tính các công việc cần lo toan cho trọn một ngày. Chẳng biết từ bao giờ Vy không khác gì một người giúp việc trong gia đình chồng mà không có bất cứ một niềm đam mê nào khác. Nhiều lúc tủi thân, cô chỉ còn biết khóc một mình. Nếu anh có thấy những giọt nước mắt cô rơi, chắc anh cũng xếp nó vào kho “chuyện nhỏ”. Mà chuyện nhỏ thì có đáng gì để anh phải bận tâm...

* * *

Trong ngôi nhà này Vy không có tiếng nói, vừa là phận làm dâu lại vừa không có bất cứ nguồn thu nhập nào. Cô nói gì cũng bị mẹ chồng gạt phăng, đi đâu mẹ chồng cũng gặng hỏi, ăn mặc thế nào cũng bị mẹ chồng can thiệp. Cô đích thị là một con búp bê. Búp bê héo hắt. Nhưng anh không nhận ra nụ cười hiu hắt trên môi cô mỗi ngày, càng không thấy ánh mắt cô như van ơn anh hãy từ từ quay lại và nhìn sâu vào mắt cô một lần để biết cô đang cần anh đến nhường nào trong nỗi cô đơn. Anh đã mải nhìn về hướng khác. Nhiều lúc Vy cầm xấp tiền anh đưa, đếm một cách vô hồn và nghĩ thứ này có thể mua được hạnh phúc cho mình hay không? Anh thì bảo tiền đó để lo việc lớn sau này. Lại là việc lớn. Vy chua chát cười và tự hỏi sao cô lại lấy một người chồng mà cả đời toàn là những thứ vĩ mô?

Lấy nhau được một năm nhưng vẫn chưa có con. Mẹ chồng nhìn mấy đứa trẻ con hàng xóm nô đùa ngoài ngõ đã bắt đầu thở dài. Thi thoảng trong bữa cơm bà nhắc chuyện đi khám chữa, Vy cũng thấy sốt ruột quá mà anh thì vẫn cứ đủng đỉnh. Cô nhắc thì lần nào anh cũng bảo:

- Em chỉ khéo lo thôi, bệnh tình gì đâu chứ. Con cái là của trời cho, trời cho lúc nào được lúc đấy. Có muốn vội cũng chẳng được. Chuyện nhỏ…

Vy lủi thủi đến bệnh viện phụ sản một mình suốt mấy ngày trời. Lúc gọi điện cho anh là khi Vy mất bình tĩnh đến nỗi chỉ biết òa khóc nức nở vì lo sợ. Từ lúc nghe bác sĩ thông báo mình bị rối loạn rụng trứng dẫn đến khó sinh con, thậm chí là có thể vô sinh nếu không chữa trị kịp thời, cô chỉ nghĩ đến anh thôi. Cô quay cuồng nhìn xung quanh tìm kiếm ánh mắt ấm áp của anh để được vỗ về nhưng chỉ thấy những khuôn mặt âu lo xa lạ đang cúi gằm đầy ngột ngạt. Cô gọi điện bảo anh có thể đến đón cô được không? Cô không muốn một mình trở về nhà, sợ những câu hỏi của mẹ chồng sẽ xoáy sâu vào nỗi hoảng sợ và cô đơn của cô. Nhưng anh đã không đến, anh bận một cuộc họp nào đó. Vy ngồi lại rất lâu ở ghế đá trong khuôn viên bệnh viện và tưởng tượng ra mình đang bị bỏ rơi giữa một hòn đảo hoang vu không một tiếng người...

Ngày như dài ra vô tận với sự đợi chờ. Ngày lại ngày như thế đã vắt kiệt chút năng lượng sống cuối cùng của Vy. Trong hộp thuốc đã có thêm vài vỉ thuốc an thần, để cho đêm bớt dài, để cho quầng mắt bớt thâm, để từng tiếng kim đồng hồ bớt đốt cháy nỗi cô đơn trong cô. Để rồi sáng nào tỉnh dậy, cô cũng chờ đợi một phép màu, hãy giải thoát và mang cô đi khỏi thế giới im lặng đáng sợ này hoặc là hãy mang ánh sáng về cho cô. Vy thôi thúc mình thay đổi, cần phải thay đổi nhưng rồi cô vẫn cứ ngồi đấy. Lặng im...

Bố chồng nhìn đống vỏ thuốc trong thùng rác rồi lắc đầu. Lúc Vy đang tỉa cắm những nụ sen mà Hương mới mua về, ông nhìn ánh mắt vô hồn của Vy rồi bảo:

- Con nên kiếm một việc gì đó để làm. Đừng quanh quẩn ở nhà và đừng chỉ sống vì một ai đó mà thôi. Phải biết sống cho những cảm xúc của riêng mình, nếu không con sẽ chết vì buồn chán mất. Bố cũng đã từng như thế, trong suốt một thời gian dài ở nhà dưỡng bệnh.

Bỗng nhiên Vy khóc. Bố chồng nói đúng, có lẽ Vy cần phải thay đổi, hành động và quyết định để thay đổi. Trước kia khi còn có niềm đam mê công việc, Vy đã không sống như thế này. Một ngày với cô khi đó là tràn ngập dự định, là những mối quan hệ bạn bè mang lại nhiều niềm vui, cảm hứng. Là tự thân Vy quyết định mọi việc bằng năng lượng sống luôn tràn ngập mỗi ngày. Mới có hơn một năm bước vào cuộc sống hôn nhân, Vy đã trở thành một người phụ nữ thụ động và mềm yếu, lúc nào cũng chỉ biết chờ đợi anh mang về một nụ cười thật ấm. Trong ước mơ đi tìm một con thuyền để thoát khỏi hòn đảo cô đơn ấy, Vy đã làm gì được cho mình hay chỉ biết loay hoay?

Vy đứng dậy, đẩy bình hoa ra phía vùng sáng và bước ra sau vườn. Có lẽ thay vì ngồi chờ đợi anh, Vy cần đi mua sắm thêm vài bộ váy. Mùa hè năm nay, váy xếp ly đang rất thịnh hành. Rồi Vy tính xa xôi hơn chút nữa, sẽ ngó qua vài cửa hàng váy bà bầu trên phố mà mấy lần đi qua cô vẫn thường liếc vào ao ước. Khi Vy kết thúc những suy nghĩ ở đó thì bàn chân cô đã đặt trên thảm cỏ xanh non có vài tia nắng đang nhảy nhót sau vườn. Vy đứng lặng nhìn bố chồng đang lom khom bắt sâu cho mấy cây hoa cảnh, khuôn mặt ông ánh lên niềm vui bên những sắc hoa rực rỡ. Vy nhắm mắt, ngửa mặt hít một hơi thật sâu để tận hưởng cảm giác bình yên hiếm có đang lan tỏa trong lòng...

Hương Lan

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top