Nàng đặt trước mặt anh ly nước:
- Làm sao anh biết em ở đây?
- Hà cho anh địa chỉ của em. Với lại, Nha Trang bé xíu ấy mà !
Anh cười nhẹ. Còn nàng chỉ nhún vai, im lặng.
… Anh và nàng học cùng trường đại học. Họ yêu nhau khi nàng bước vào năm cuối, còn anh đã tốt nghiệp. Ra trường, anh được cơ quan chọn đi nghiên cứu sinh ở Nga.
Trước ngày anh lên đường, nàng bỏ một buổi học. Chỉ có nàng và anh trong phòng trọ vắng vẻ. Anh vòng tay ôm nàng thật chặt, thì thầm những lời dặn dò chi tiết như dặn một đứa trẻ lên ba. Nàng gật đầu, cắn môi để khỏi bật khóc, nhưng nước mắt vẫn rơi, lặng lẽ. Chậm rãi, từ tốn, anh đặt lên môi nàng một nụ hôn dài, nóng bỏng. Bàn tay anh nhè nhẹ lướt trên vai, trên lưng, trên người khiến nàng rạo rực. Toàn thân nàng mềm nhũn trong cảm giác tê dại, ngây ngất…
Nàng xuất hiện trước Hội đồng bảo vệ luận văn với cái bụng bó chặt. Bản luận văn của nàng được thông qua khiến nàng thở phào. Giờ thì nàng có thể nghỉ ngơi, tránh những cặp mắt nghi ngại của những người xung quanh.
Về quê, hàng xóm nhìn cái bụng lùm lùm của nàng với vẻ ngạc nhiên: “Làm đám cưới lúc nào mà không thấy mời ai?”. Nàng chìa ra những bức thư từ nước ngoài: “Anh ấy đi gấp quá nên chúng cháu chỉ tổ chức đơn giản thôi ạ!”.
Những lời bàn tán, xì xào rồi cũng qua.
Đứa con của nàng sinh thiếu tháng, dặt dẹo như dải khoai héo. May mà nàng có mẹ. Bà dậy sớm, thức khuya, cặm cụi bắt từng con ốc, con cua để đổi gạo, còng lưng hái từng cọng rau, ngọn lá để nuôi nàng, cháu. Không biết nghe ai bày, bà lặn lội đi bắt những con cóc về làm thịt, nấu cháo cho cháu. Thật kỳ diệu. Con trai nàng dần có da có thịt, cứng cáp hẳn lên. Một thời gian sau, nàng nhận quyết định về công tác tại Nha Trang.
Lặng lẽ châm thuốc, rít một hơi dài, anh chậm rãi :
- Anh biết! Anh có lỗi với em! Nhưng… Anh đã không được lựa chọn…
Thời gian đầu sau khi anh đi, nàng hay nhận được thư anh, đầy ắp tình yêu và nỗi nhớ. Nhưng sau đó thì bặt tin, dù nàng đã tìm mọi cách dò hỏi. Ít lâu sau, Hà, cô bạn thân thời đại học của nàng báo tin: Anh đã lấy vợ. Hai năm sau, nàng trở thành vợ Tuân, người đã chấp nhận làm cha con trai nàng; người đã kiên nhẫn chờ cho những vết thương trong trái tim nàng liền sẹo. Song, hạnh phúc chẳng tày gang, Tuân mất trong một tai nạn lao động. Nỗi đau lớn đến độ đứa con chung của nàng và Tuân bị sảy ngay sau đó.
Nàng hỏi: “Anh được mấy cháu?”. Một chút đắn đo, anh chậm rãi: “Thật ra, anh không có con. Đứa con gái đầu là con riêng của vợ anh. Còn thằng con trai, lúc đầu, anh tưởng nó là con anh…”.
Không nhìn nàng, bằng một giọng trầm rất nhẹ, anh bắt đầu kể về anh, về cuộc sống mà anh đã trải qua trên đất nước xa xôi ấy. Lúc mới qua Nga, như những người khác, anh kiếm tiền bằng cách thu hoạch trái cây, giúp việc cho các gia đình neo người… và cả ra chợ bán hàng… Tuy vất vả mà số tiền kiếm được hết sức nhỏ nhoi.
Cuối cùng, anh tìm được một công việc “ngon lành”: Nhận và chuyển tiền cho khách hàng. Tuy tiền thù lao cho mỗi chuyến “công tác” rất lớn, nhưng đó là một công việc vô cùng nguy hiểm: Kẻ cướp, cảnh sát Nga… luôn rình rập.
Khi đã kiếm được một số tiền kha khá, anh quyết định dừng lại. Song, trong chuyến kiếm tiền cuối cùng, anh bị bắt. Một số tiền rất lớn bị cướp sạch. Luật chơi rất nghiêm khắc. Nếu không trả được số tiền bị mất, anh sẽ không giữ được mạng sống. Người phụ nữ sau này là vợ anh đã đứng ra bảo lãnh, dàn xếp.
Anh ngừng lời, tiếp tục rít thuốc. Nàng nhìn theo làm khói cuộn tròn trong không khí, muốn nói một câu gì an ủi anh nhưng cổ họng tắc nghẹn.
Bất ngờ, anh chồm người qua bàn, chộp hai tay nàng lắc mạnh: “Lần ấy… Chúng mình có một đứa con, phải không em?”. Nàng thảng thốt nhìn anh, ngạc nhiên đến độ đờ người ra. Anh nhìn sâu vào mắt nàng: “Bây giờ anh rất giàu! Anh sẽ bù đắp tất cả cho em và con!”. Người nàng chợt nóng bừng. Lớp cơ trên mặt giật giật. Toàn thân run rẩy. Nàng lặng lẽ rút tay lại, quay mặt đi. Hóa ra, anh đến đây chỉ vì tưởng con trai nàng là giọt máu của anh. Nếu anh có con, nếu thằng bé kia đúng là con anh, liệu anh có tìm nàng?
Nàng định thốt lên. Mà không, nàng muốn thét lên, thật to, với tất cả sự căm hận dồn nén từ bao năm: “Đúng! Nó là con anh đấy! Thì sao nào? Bao năm qua, không có anh, mẹ con tôi vẫn sống được. Chúng tôi không cần anh!”. Hay đại loại những câu tương tự. Thật cay! Thật đau! Thật hả hê! Cho bõ những cực nhọc, tủi hờn và đau đớn mà nàng phải gánh chịu.
Nhưng nàng kìm lại được. Như thế là không công bằng. Mọi chuyện xảy ra đâu hoàn toàn là lỗi của anh? Với lại, anh đã bị trả giá! Và quan trọng hơn, dù sao đi chăng nữa, anh cũng là cha của con trai nàng.
Nhưng chừng ấy thời gian và sự cách biệt là một hố sâu ngăn cách giữa anh và nàng. Và cả những nỗi đau mà nàng đã trải qua, giống như những vết thương chưa liền sẹo. Nàng sợ nếu chạm vào, chúng sẽ lại rỉ máu.
Nàng lắc đầu, nhìn anh bằng vẻ thông cảm và áy náy:
- Em rất tiếc! Nó không phải là con anh!
Hương Lan