- Về thôi, Kha ơi...
Có tiếng gọi văng vẳng bên tai khiến ông choàng thức, nheo mắt nhìn ra bên ngoài. Nơi khung cửa, nắng chiều đang le lói chiếu sáng qua tấm màn che màu vàng nhạt hắt ánh sáng vào chỗ ông nằm. Ông ngồi dậy tựa tay vào thành giường rồi lê bước đến cửa đẩy nhẹ quai nắm để cảm nhận luồng gió mát, nhìn phía ban công dưới ấy là lòng đường có những sợi dây điện giăng ngang chằng chịt. Ông biết, bên dưới phố xá đang ồn ào, hàng hiệu đã dần mở điện sáng. Chỉ trên tầng ba nơi ông đứng còn chút ửng hồng của buổi hoàng hôn dần tắt. Có tiếng cười nói vòng vọng như tiếng gọi xa xăm nào đó để ông nhìn ra xa nơi có những đồi núi chập chùng tím sẫm màu chiều. Phía ấy, rất xa và xa hơn nữa sẽ có một dòng sông. Phải, dòng sông... ông lẩm bẩm rồi quay lưng đến chiếc ghế mây gần cửa và hình như bên dưới lại có tiếng gọi: “Về thôi, chiều rồi...”.
Từng có những buổi chiều ở quãng đồi với các trảng sim trải dài cành lá vươn ra phủ lấy và đan xen như một tấm thảm. Ông và lũ bạn mải mê với cánh diều căng gió. Chợt tiếng gọi lanh lảnh: “Về thôi, chiều rồi, Kha ơi...” của cô bạn gái. Ông vội gom dây tất tả xua bò đang tản mát trong những bụi chà rang, dủ dẻ. Cô bạn gái giúp ông dồn bầy dọc theo triền dốc đi về trảng cát với giọng trách móc, hờn hờn: “Nói hoài chẳng nghe, ham chơi đến nỗi chiều sập tối”. Bò vượt sông, ban đầu là từng doi cát nhỏ vướng víu bước chân. Đến giữa dòng nước sâu, xanh thẳm, tiếng rào rào đạp nước, tiếng thở phì phì và lần lượt ghìm hơi gối sừng lên nhau chầm chậm qua sông. Trong không gian êm ả và mênh mông ấy, ông lẳng lặng khỏa nước bơi nhẹ tay níu đuôi bò, mặt ngước nhìn ra xa. Tiếng nói thoảng bên: “Kha nghĩ gì đó?”. Ông bảo: “Sau này mình phải rời nơi này đi thật xa...”. Giọng cô bạn lại hờn hờn: “Sẽ quên hết à?”. Ông gật: “Ừ, quên hết”. Lúc chân vừa chạm cát, lộ dần từng phần cơ thể, ông quay nhìn cô bạn tóc búi gọn, khuôn ngực nho nhỏ phập phồng đang nheo mắt nhìn ông định nói việc gì đấy thì tiếng cười của lũ con trai đang tóe nước, gọi ông nhập cuộc rồi rượt đuổi nhau trên bãi cát hướng về làng.
- Kìa ba, sao lại ra ngoài này?
Ông giật mình mở mắt nhìn. Thằng con trai cả đứng trong bóng đêm mờ mờ khẽ bảo: “Tối rồi, ba vào ăn cơm kẻo nguội”. Nó dìu ông vào căn phòng ngập tràn ánh điện, mâm cơm để sẵn từ lúc nào phía đầu giường. Nó quay người bước vội xuống cầu thang sau khi buông giọng: “Tụi con bận lắm, hàng về nhiều nên không ai chăm sóc nếu ba bệnh”.
“Ăn một mình thì buồn thiệt...”, cô bạn gái của ông chìa nửa trái bắp nướng khi cả hai ngồi nơi trảng sim vắng có gió hây hây thổi. “Chừng nào Kha đi?”. Ông vân vê cánh hoa sim tím: “Vài ngày nữa”. Có tiếng thoảng nhẹ: “Khi nào trở lại?”. Ông đứng lên: “Chẳng biết, về thôi...”, rồi một mình đi xuống dốc cát, lại nghe tiếng gọi văng vẳng sau lưng: “Kha, Kha ơi!”, nhưng ông vẫn im lặng cúi đầu vượt qua triền cỏ lúc trời dần nhập nhoạng tối với sao trời lấp lánh.
Một thời gian dài ông đã không trở lại bởi việc học, bươn bả kiếm sống trong ngôi nhà rách nát của người chú họ cho ở nhờ. Đôi lúc nhìn lũ con người chú đứa đánh giày, đứa đạp xe ba gác, đứa bỏ ngang việc học đi đàn đúm cùng nhóm trẻ nơi sân ga thì ông lại càng lao vào việc học đến quên ăn, thiếu ngủ để hy vọng thoát khỏi cảnh cơ cực hàng ngày diễn ra trước mắt. Khi ông đã là một sinh viên trường thuốc thì chiến tranh lan tỏa, nơi quê nhà với dòng sông và cô bạn gái năm nào đã dần vào quên lãng. Rồi ông lấy vợ đất phố, cũng cùng khóa sinh viên với ông. Một gia đình khá giả với công việc làm ăn phát đạt, một đất phố chỉ vẳng tiếng súng từ phía xa. Mãi khi người vợ mất thì tóc đã bạc cùng nỗi trống vắng nên ông lần quay về quãng sông cũ tìm lại cô bạn gái một thời.
Cô bạn vẫn còn và cũng như ông, tóc đã chớm bạc, nhưng giọng nói vẫn như ngày nào: “Canh bồ ngót ngày xưa Kha vẫn thích”. Ông ngước nhìn bà rồi gật. Ừ, canh bồ ngót nấu cua đồng ngọt lịm thuở hai người rủ nhau ra đồng vắng, ông nghĩ khi nhìn bà đang loay hoay xới cơm ra bát. Ông lẩm bẩm một câu chẳng rõ rồi nhìn mâm cơm trước mặt do người làm mang lên. Vẫn giò chả, thịt hầm, canh khoai tây váng mỡ. Lũ con chăm sóc cha đầy đủ với cơ ngơi mỗi đứa một phần đang ăn nên làm ra trong việc buôn bán ngày mỗi phát đạt. Thằng Cả mở đại lý xe gắn máy, khách ra vô tấp nập. Thằng Hai mở cửa hàng thuốc tây gần bệnh viện, rồi thằng Ba, con Bốn... Ông định cầm đũa thì chợt nhớ lúc chia tay cô bạn gái, bà tiễn ông tận ngõ: “Có dịp lại về nhé Kha”, ông hứa: “Tôi sẽ về”. Bà cười: “Hứa như lúc trước chứ gì?”. Ông đưa tay quầy quậy: “Về, về chứ, bà nhớ nấu canh bồ ngót cua đồng nhé!”. Nhưng mãi đến lúc này ông vẫn không thực hiện được.
“Kha ơi, về thôi...”, tiếng kêu đầy da diết khiến ông mở vội mắt. Đêm khuya lắm, thằng con đã lên phòng tắt đèn, mở quạt tạo độ gió nhè nhẹ để ông thiếp dần vào giấc ngủ. “Về thôi, Kha ơi!”. Ông cảm thấy như có người đứng bên thì thầm, lay lay góc mùng và ông đã ngồi dậy bước sang phía cửa sổ, ánh trăng muộn bên ngoài soi nghiêng chênh chếch bàng bạc một màu vàng óng ả cùng tiếng gọi mơ hồ bên tai như thôi thúc: “Kha ơi, về thôi!”. Ông mỉm cười, đưa tay ra trước dò dẫm bước: “Ừ về, về chứ!”. Thềm gạch hoa mát lạnh như đi trên cát mịn, vòng cung cầu thang có dáng cong cong hình doi cát bên cầu gỗ giống vành nón lá nàng tiễn sang sông. Ông cảm thấy như đang đi xuống đồi, và kìa, cả bầy bò chen chúc nhau chuẩn bị vượt sông. Nhiều, nhiều lắm, bò của nàng, của Kha, của Huy, của Thắng đứng đều tăm tắp. Ông bước đến nhìn từng con rồi kêu lên: “Đủ rồi, về thôi!”.
- Trời ơi ba, sao ba thế này? Tụi nhỏ điện thoại báo cho mấy chú qua gấp!
Gian hàng bật sáng, cả nhà thấy ông nửa quỳ nửa nằm trên nệm chiếc xe Win màu đen phía ngoài cùng trong dãy xe đủ màu sáng lấp lóa, bàn tay ông vươn ra nắm chặt tay lái. Đứa con trai cả dìu ông đến bộ salon nệm mút, vừa lúc những đứa khác vào đến. Ông mở mắt nhìn chúng, thều thào: “Về thôi, dòng sông....”.
- Em đã bảo với bác rồi, cho cụ về quê ít hôm, bệnh già đấy mà - Tiếng chú Ba cằn nhằn anh Cả.
- Vâng, ba khỏe, tụi con đưa về liền - Tiếng con Bốn nói với ông.
Ông mỉm cười, mắt long lanh sáng rồi đưa tay khẽ bảo chúng đi. Ông muốn ngủ, hình như ông đã sang sông và đang nằm dài trên thảm cỏ xanh mịn với chút bềnh bồng êm dịu. Có tiếng cười trong vắt của cô bạn gái và những người bạn cũ một thời trên vạt sim chín, tiếng réo gọi của mấy đứa bạn đang chụm đầu vào hang dế cộ lẫn trong tiếng cười lanh lảnh phía đầu dốc nơi những cánh diều căng gió bay chấp chới. Và ông cũng không nghe được đứa con Cả đang nói với hai người em đứng tần ngần phía góc phòng:
- Các chú đâu biết, bà ấy đã mất hơn sáu tháng nay rồi...
Phúc Nguyên