Hưởng dặn tôi đi ăn với nó bữa cơm cuối cùng trước khi đi Úc, học bổng du học 2 năm bổ sung cho luận án cao học đề tài gì đó về kinh tế. Thật ra đó chỉ là một chuyến rong chơi không mất tiền. Còn trong sâu thẳm lòng Hưởng, đây có thể là một cách để trốn chạy tình yêu.
Nhà hàng có tên Lồng Đèn Đỏ nằm trên con đường nhỏ. Trên tầng 1 của nhà hàng được chủ nhân thiết kế khá độc đáo với ánh sáng màu nhạt chìm, hai chiếc lồng đèn màu đỏ treo một góc tạo nền. Hưởng đã cắt mái tóc dài của mình mà có lần Tú nói đùa rằng Tú sẵn sàng mua mái tóc đó với bất cứ giá nào. Nhưng Hưởng đã cắt mái tóc ấy rồi, có thể Hưởng muốn giãi bày một tâm sự, giã từ quá khứ để trở thành một con người khác.
Hưởng hôm nay với Hưởng năm năm trước, khi nó đáp chuyến xe đò muộn từ Phú Yên vào đây, là hai con người khác nhau. Nó vào Nha Trang để quyết tâm lấy cho được tấm bằng đại học. Lần gặp đầu tiên, tôi chẳng thể hình dung Hưởng sẽ làm gì để lấy tấm bằng đại học giữa một miền đất mà mình không có một người thân, ngoại trừ chiếc túi xách chỉ toàn là những chiếc áo sơ mi đủ màu sắc.
Tôi quen Hưởng trước đó ở Tuy Hòa. Một cuộc gặp tình cờ đã kéo chúng tôi trở thành bạn thân với nhau. Ngày đó, tôi được xí nghiệp gửi đi dự lớp tập huấn về tiếp thị. Lúc ấy, Hưởng nhỏ xíu xiu như con còng gió trên bãi cát biển mênh mông. Thực ra, tôi cũng chỉ lớn hơn Hưởng ba tuổi, sau khi lấy bằng trung cấp kinh tế, tôi đã tìm được việc làm ở một xí nghiệp sản xuất hàng đông lạnh. Nhà Hưởng mở một quán nước nhỏ bên bờ biển Tuy Hòa, đối diện với Nhà nghỉ Công đoàn. Tôi đã thuê căn phòng nhỏ ở với Kiều, sau này có thêm Hưởng nữa. Điều bất ngờ là tôi tưởng Hưởng chỉ đi Nha Trang để du lịch. Vì dù thế nào thì thành phố này luôn luôn hấp dẫn mọi người bởi bãi biển xinh đẹp, thời tiết dễ chịu và cuộc sống không đến nỗi khó khăn đối với những người chịu khó bươn chải kiếm sống. Hưởng đã nói với tôi giống như nó đã tính toán rồi:
- Em đã đậu vào Đại học Nha Trang. Chị cho em ở chung với.
Đúng là điều ngoài dự đoán của tôi. Còn Hưởng thì lại chẳng hề giải thích. Nó sửa soạn quần áo và đi tắm. Điều bất ngờ hơn nữa là Hưởng đã kiếm được việc làm khá nhanh chóng nhờ vốn tiếng Anh tự học của mình với nghề hướng dẫn viên cho một đơn vị du lịch. Chưa hết, khi không có khách đi tour, quán bún cá bình dân của Hưởng luôn được khách ăn khen ngon.
* * *
Tú đến tham dự buổi tiệc đúng giờ. Anh chàng tương đối bảnh trai, hàm râu con kiến cố tình tỉa tót nhằm tạo cho gương mặt già hơn so với tuổi tác. Lẵng hoa hồng tặng cho ngày ly biệt có đóa hoa hồng vàng ở giữa những đóa hồng nhung. Mối tình mệt mỏi không được đáp trả đã khiến Tú phải có một sự chọn lựa bằng cách cài thêm một đóa hoa hồng vàng trong bó hoa trao tặng của mình.
Hưởng hát với tiếng đàn của Tú. Tiếng ghi-ta bập bùng, bập bùng. Không gian trên lầu 1 của nhà hàng Đèn Lồng Đỏ này là không gian riêng của một cuộc chia tay, của một cuộc trốn chạy!
Hưởng thường nói với tôi:
- Tú là một người bạn tốt, nhưng để trở thành người yêu thì lại là một chuyện khác.
Rồi nhà Tú mở một quán cà phê nhỏ. Quán cà phê khá xinh đẹp được chăm chút khá cẩn thận với từng giò phong lan treo rũ, một hòn giả sơn ngay giữa quán, những đóa cẩm chướng - loại hoa Hưởng thích được cắm trong những chiếc bình pha lê trên mỗi chiếc bàn. Tú gợi ý: “Em về đứng quầy thu tiền bán cà phê ở nhà anh đi”. Đó là một cái cớ.
Cho đến một ngày, một người đàn ông khác xuất hiện. Hiển là hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở Hà Nội, đưa một đoàn khách Pháp đi chinh phục đỉnh núi Hòn Bà. Hiển có phong cách của một người đàn ông lịch lãm. Tôi thấy trong ánh mắt của Hưởng có tia lửa nhỏ khi nhìn Hiển, tia lửa đó không bao giờ có đối với Tú. Liên tiếp hai ngày Hưởng đi chơi với Hiển, quên bẵng Tú vẫn kiên trì đợi chờ. Thực ra thì Tú chẳng có quyền ngăn cản Hưởng đi chơi với ai - bởi lẽ đơn giản giữa Tú và Hưởng vẫn có một khoảng cách rõ ràng.
Nhưng Tú đã ghen. Hôm đó, Hưởng đi chơi về khuya. Tú đã kiên nhẫn chờ đợi Hưởng dưới gốc xoài bên kia đường. Đến lúc tôi đang chập chờn giấc ngủ, nghe tiếng hét của Hưởng: “Anh Tú, Tú”, “Tú ơi, đừng làm vậy”. Tôi chạy ra, hai người đang giằng xé nhau dưới tán cây xoài. Sau đó thì một khoảng thời gian dài không thấy Tú tới nhà.
* * *
Giờ thì Hưởng đã ra đi. Đó là một cách trốn chạy tình yêu theo cách của Hưởng. Hưởng có thể chọn một phương cách nào đó, nhưng hơn ai hết tôi hiểu rằng nếu Hưởng không ra đi, liệu mối tình si của Tú nếu không đánh đổ được Hưởng thì hậu quả sẽ ra sao?
Tú không có mặt trong giờ phút tiễn Hưởng ra sân ga, chỉ có một mình tôi. Khi tàu chạy đi rồi, bỗng tôi thấy khuất cuối sân ga có một căn nhà lá nhỏ, trong đó hắt ra ánh đèn vàng mờ giống như ai đang chong ngọn đèn để cho người tìm nhà khỏi lạc lối. Tôi vu vơ nghĩ trong trí tưởng tượng của mình: Tú có để ngọn đèn bên cửa sổ đợi Hưởng về không?
Lan Phương