Giông!
Những tia chớp ngoằn ngoèo sáng rực rạch nát bầu trời. Gió rít từng cơn trên những ngọn cây bạch đàn, cây cau cao vút, thổi bạt, xô ngã dậu rào. Cây cành gãy răng rắc... Từ phía Tây, làn không khí mát lạnh hăng mùi đất và tiếng ào ào của cơn mưa đầu mùa đang tràn tới...
Mưa! Mưa dữ dội!
Con Ba quần áo ướt sũng, tay cầm một nhánh tre có cột một túm bao ni lông ở một đầu cố lùa hơn hai mươi con vịt mới trổ lông vào chuồng nhưng đàn vịt cứ lẩn quẩn trước cửa chuồng mà không chịu vào. Đã thế, ánh chớp lóe sáng lên trong giây lát rồi tắt ngấm làm tầm nhìn của con bé với xung quanh càng tối đen hơn. Vừa lo, vừa sợ, con bé khóc, gọi:
- Anh Hai ơi! Vịt không chịu vô chuồng. Hu... hu... tối quá em không thấy. Anh Hai ơi!
Trong bếp sát bên, thằng Hai đang thổi lửa. Thường ngày nó vẫn nấu cơm giúp mẹ, nhưng hôm nay vì gia đình lộn xộn, nó phải đưa em tránh sang hàng xóm, tối mịt mới về. Củi bị nước mưa làm ướt hết nên cháy như hun muỗi, khói làm mắt nó cay xè. Bếp lửa bùng cháy, nó lấy đôi đũa đảo qua nồi cơm đang sôi rồi ra cửa bếp nói với con Ba:
- Em cố giữ chút nữa! Cơm đang sôi. Cơm cạn rồi anh ra lùa vịt cùng!
Gạt lửa vần cơm xong, thằng Hai cầm cây đèn hột vịt ra đặt ngoài hè sát trụ cột để tránh gió lùa rồi lùa vịt với em. Bây giờ có hai anh em chận hai đầu, đàn vịt ngoan ngoãn chen lấn nhau vào chuồng.
- Có mấy con vịt mà cũng khóc. Thôi, vào thay đồ đi! Ướt hết rồi, bệnh thì khổ!
Thằng Hai nói rồi lại vào bếp.
Lên nhà, con Ba thấy cu Tý, em nó, đang ngồi khóc thút thít ở góc nhà. Vì phải đi lùa vịt nên Ba đành phải để em một mình. Tội nghiệp cu Tý, vừa sợ sấm, vừa sợ bóng tối, đành ngồi khóc. Con Ba thay quần áo rồi dắt cu Tý ra sau nhà rửa mặt. Khi đi qua cửa hông thông lên nhà trên, trong ánh sáng của ngọn đèn hột vịt, con Ba thấy cha đang nằm sõng soài trên nền nhà ngủ ngáy ồ ồ. Bên cạnh là chiếc chiếu, lăn lóc trên đó là những cái chai và chén bát lổn ngổn.
* * *
Chị tất tả chạy dưới trời mưa như trút nước. Những hạt mưa nặng như hạt sạn xiên xiên theo từng cơn gió ngược quất vào mặt rát rạt. Chị đã vấp té không biết bao nhiêu lần. Ngón chân cái sau một lần vấp tóe máu nhưng chị không thấy đau mà chỉ thấy tê dại. Đường làng loang loáng nước không một bóng người.
Đêm nay chị đã nghĩ không trở về nhà. Trong cơn uất giận, chị đã bỏ lại tất cả để về nhà mẹ đẻ... Và bây giờ chị lại băng mình trong mưa gió để về với núm ruột của mình, để lại sau lưng người mẹ già lo âu thắc thỏm cho tình cảnh của con gái lớn.
Cuối cùng thì chị cũng về đến nhà.
Bây giờ chị mới thấy thấm lạnh, thấy đau ở ngón chân bị vấp toét móng, thấy thân thể rã rời. Nhìn các con ôm nhau ngủ, chị cảm nhận một nguồn an ủi vô biên. Cảm ơn các con, những thiên thần bé bỏng của mẹ. Mẹ sẽ hy sinh vì các con nhưng mẹ không thể nhịn được những kẻ xâm phạm mái ấm của mình. Khi những kẻ xem gia đình của họ là tạm bợ thì mẹ không thể để cha các con kết thân, ngồi chung chiếu rượu với họ được. Phải! Mẹ đã từng muốn cha các con là người hoàn toàn không sai trái. Nhưng hỡi ơi! Có ai là người hoàn hảo? Nhất là hoàn hảo theo ý muốn của người khác, dù người khác đó là người thân thiết nhất. Và hôm nay mẹ mới biết rằng mẹ cũng đâu có hoàn hảo, mẹ cũng sai trái. Sự sai trái mà mẹ đã cố chấp để cha các con phải gánh chịu, để các con sống một tuổi thơ không trọn vẹn. Đột nhiên chị nhớ lại lời mẹ: “Chỉ những người chồng sống không có trách nhiệm với gia đình mới không màng đến việc bị vợ lấn lướt. Cái sai của cha thằng Hai là uống rượu rồi đánh vợ. Nhưng sống với nhau có ba mặt con, nó chưa từng đánh con một bạt tai, vì sao hôm nay như thế? Con phải tự xét lại mình. Mẹ thấy không phải lỗi hoàn toàn ở nó! Cha say rượu, mẹ bỏ đi, những đứa trẻ sẽ như thế nào trong cơn giông tố?...”.
Cảm giác đầu tiên hắn cảm nhận được là sự mát lạnh của nền xi măng dưới lưng, vòm miệng và cổ họng khô khốc, đầu nặng như đeo đá và nhức kinh khủng. Hắn nằm yên nghe mưa gió gào rú bên ngoài. Trí óc còn u mơ chưa tỉnh hẳn, hắn nhớ mang máng là ban chiều trời nổi giông, hắn và đám bạn tổ chức ăn mừng trước khi trời mưa xuống. Hắn và đám bạn đã cãi vã rồi đánh nhau và hắn đã... đánh vợ! Hắn rùng mình khi nghĩ đến điều đó.
Hắn hoảng hốt lồm cồm ngồi dậy, nhìn quanh quất. Im vắng. Chỉ có tiếng mưa gió bên ngoài làm tăng thêm cái quạnh quẽ của gian nhà. Chiếu rượu cùng chén bát đã biến đâu? Và vợ? Con?... Nhưng hắn không kịp nghĩ ngợi nhiều hơn. Cơn buồn ngủ ập đến kéo hai mí mắt díp lại. Hắn nằm vật xuống và lập tức chìm vào giấc ngủ say...
Cảm giác nhồn nhột trên mặt, mũi lại làm hắn tỉnh dậy. Thì ra cu Tý đang cầm chiếc lông gà ngoáy vào mũi của hắn. Hắn ngồi bật dậy ôm con, dụi chiếc cằm đầy râu vào bụng thằng bé làm nó cười như nắc nẻ. Cũng vừa lúc vợ hắn đi lên. Hắn bỗng nghe lòng se thắt khi nhìn thấy một bên mắt vợ sưng tím. Cảm xúc ân hận trào dâng, nhưng hắn chưa kịp nói gì thì nghe vợ nói:
- Chưa tỉnh rượu thì uống bát nước đậu xanh tôi giã để trên bàn. Nồi cháo đậu xanh tôi nấu nhừ rồi, bốn cha con ăn đi cho con đi học. Đêm hôm giông tố, thằng Hai không học bài được, vừa khóc đó.
Hắn quá đỗi ngạc nhiên. Chưa bao giờ sau cả trăm lần hắn say rượu, vợ hắn chịu nói chuyện trước. Và bởi chính thái độ im lặng của chị làm hắn căm ghét. Hắn uống và cứ uống. Uống để trêu tức vợ hắn, uống để tỏ rõ cho vợ biết hắn là đàn ông, là chủ gia đình, mặc dù tỉnh dậy sau mỗi lần say, hắn đều ân hận tự sỉ vả cho sự yếu đuối của mình.
Hắn ngồi uống nước trà nhìn các con ăn cháo. Mỗi đứa một nết ăn khác nhau. Nhìn các con mà tình thương dội lên trong lòng người cha. Rồi hắn chợt nghĩ dại: Nếu trong cuộc cãi vã dẫn đến đánh nhau với đám bạn và vợ hắn chiều qua, một hoặc cả hai vợ chồng hắn vĩnh viễn không trở dậy được thì cuộc sống của ba đứa trẻ sẽ như thế nào?... Hắn rùng mình, lạnh buốt sống lưng không dám nghĩ tiếp. Hắn nhìn ra vườn và cảm thấy quý vô ngần những gì hắn đang có được.
Ngoài vườn, sau cơn giông, những cành cây gầy guộc bị gió quật gãy nằm chỏng chơ, những khóm chuối bị quặt tàu, những cây đu đủ bị ngả nghiêng sát đất, trái vung vãi khắp nơi. Nhưng trong cảnh tan tác ấy, những cành, lá còn trụ lại được xanh hơn, mượt mà, bụ bẫm hơn, bóng lên dưới ánh mặt trời của buổi ban mai.
Một ngày nắng đẹp bắt đầu.
Hương Lan