Cách nhà tôi hai con đường có một quán phở tên Sơn. Quán có một nồi nước dùng luôn sôi sùng sục, mùi hương tỏa ra tận ngoài đường khiến cho ai tình cờ đi ngang đều ghé vào ăn thử một tô cho biết. Chủ quán kiêm người chế biến, nghe nói quê ở tận Nam Định, nơi nổi tiếng về phở. Tôi cũng đã từng dừng chân ở con đường dọc theo bức tường của Nhà máy Dệt Nam Định, ăn tô phở ở cái quán được người ta kháo nhau là ngon nhất Nam Định. Quả thật, tô phở ở quán đó rất ngon.
Quán phở Sơn đã biến tấu cái hồn cốt ban đầu theo thị hiếu của người dân địa phương, nhưng Hiền nói rằng cái cách của ông chủ quán bán phở ở đây vẫn đủ cách thức phục vụ và mùi vị của tô phở Nam Định. Chẳng hạn, ông không để giỏ rác bên dưới bàn, khách cứ vứt giấy ăn, cọng rau xuống nền gạch hoa, vì như thế mới ra… quán phở ngon. Ông chủ quán còn làm động tác băm thịt, đập trên chiếc thớt gỗ rất ồn ào, để thịt lên tô phở rồi đổ nước dùng vào nên cái ăn ngon hơn bởi mắt nhìn người chế biến...
Tôi dông dài câu chuyện quán phở bởi mối tình của tôi và Hiền cũng từ quán phở này. Hiền chỉ mê mỗi món phở ở đây, còn tôi mê em nên mỗi ngày tới đó để ăn.
Chuyện tô phở làm nên duyên chồng vợ là chuyện xưa nay hiếm, bởi Hiền cho rằng những cuộc gặp ngẫu nhiên để nên chồng nên vợ trên thế gian này thường xảy ra trong những buổi tiệc cưới, tiệc sinh nhật hay ở quán cà phê. Còn chuyện quen nhau trong quán phở như chúng tôi chắc chẳng giống ai trên đời này.
Yêu nhau, về chung nhà với nhau, mỗi ngày hai vợ chồng lại ríu rít bên nhau. Có em, tôi càng háo hức trở về nhà sau khi tan việc, tôi từ chối tất cả các cuộc nhậu với bạn bè chỉ để trở về, chở em ra một cánh đồng lúa đang mùa gặt, hai vợ chồng cùng đứng ở giữa mênh mông đó mà hít thở cho no lồng ngực mùi lúa thơm tho. Có em, tôi có cả một thế gian này.
Bốn năm trôi qua, những hăm hở khám phá ban đầu biến mất. Những ngọt ngào ban đầu biến mất. Những vội vã ban đầu cũng đã đi theo những cơn mưa mùa trôi ra những dòng sông. Mỗi khi tới nhà bạn bè, nhìn họ tất bật bên đứa trẻ của họ, đôi mắt em bắt đầu xa vắng. “Có một đứa bé trong nhà thật là kỳ diệu”, em nói. Em không còn quan tâm đến những ngọn đồi đang xanh cỏ. Em chẳng còn rủ rê tôi ra biển, để đôi chân trần chạy theo con sóng mà cười to, át cả tiếng gió trong thênh thang. Em bảo tôi về trước, em ở lại trong căn nhà có đứa trẻ bụ bẫm, nhoẻn miệng cười ngây thơ, đôi mắt to hồn nhiên nhìn em. Em bỏ nấu buổi cơm chiều. Em chỉ gọi điện thoại bảo: “Anh tự mua cái gì về ăn, anh nhé”.
Căn nhà ngập tràn hạnh phúc ấy giờ đây thiếu một tiếng cười con trẻ, nhưng lại thừa những tiếng thở dài. Mỗi lần về thăm nhà, ba mẹ hỏi: “Sao hai đứa không sinh một đứa cháu cho mẹ bồng, cho vui nhà vui cửa”, tự dưng hai vợ chồng cùng cười, nụ cười ấy mênh mông quá.
Mấy lần hai vợ chồng cùng dừng chân ở bệnh viện. Hay mình thử xét nghiệm lỗi thuộc về ai? Trong lòng không nói ra nhưng cả tôi và em đều nghĩ đến điều đó. Để rồi em bảo: “Về thôi anh, em thấy không cần thiết đâu”. Ừ, về thôi, vì mình yêu nhau mà, dẫu lỗi thuộc về anh hay em thì đó cũng là chuyện không cần thiết.
Thói quen ăn phở ở cái quán quen của hai vợ chồng cũng biến mất, dẫu quán phở vẫn nằm trên con đường đó, ông bán phở vẫn mang cái tạp dề bên nồi nước dùng, mỗi lần mở ra bốc khói khiến cho mọi người đều muốn ghé vào ăn. Em bảo: “Tự dưng em không thích ăn phở nữa”. Tôi nói hùa theo em: “Ừ, đầu ngõ nhà mình mới mở tiệm bún bò cũng ngon lắm”.
Cuộc sống luôn có những điều ta không dự đoán trước. Em bắt đầu đi chùa. Có lẽ em tin vào thế giới tâm linh kỳ diệu. Tôi trở thành người ngồi ở quán cà phê trước cổng chùa vào ngày rằm, mùng một để đợi em vào chùa thắp nhang. Nhờ đi chùa, em vui hơn, nói chuyện hồn nhiên hơn và trong nhà vắng tiếng thở dài.
Một ngày chủ nhật, em gọi tôi dậy sớm, nói rất nhỏ mà như có âm thanh gì đó rất lớn vang vọng trong tôi: “Hình như em đã có thai rồi”.
Tôi chạy bộ thật nhanh tới quán phở Sơn. Quán vừa mở cửa, ông chủ vẫn mang tạp dề, nồi nước dùng vẫn sôi sùng sục. Tôi nói: “Ông chủ, bán cho tô tái nạm”. Em bỗng dưng thích ăn phở trở lại, còn tôi thì thích cái cảm giác chạy ra phố mua phở cho em.
Hương Lan