Kéo xoẹt tấm ri-đô chắn cửa, Quyên luýnh quýnh nghiêng đầu ra ngó nắng và cả miền xanh ngằn ngặt phía trước. Xe đang lao xuống dốc. Hết con dốc này là Quyên đã chạm đến gió, đến sương, đến núi. Quẳng những bộn bề ra khỏi lòng mình, nàng quyết định ngược nắng để đến với miền cao. Cái miền nắng dữ kia cho Quyên được gì chứ? Một cánh đồng ruộm vàng lúa chín, thơm thơm? Một khoảng vườn bé tẹo, cằn cỗi để Quyên vun lên một vườn hoa biếc? Một đứa con kháu khỉnh? Một người chồng hiền như cỏ? Tháng ngày làm bạn với mùi ẩm mục, hăng hắc của từng thớ đất, thớ gỗ. Chán ngắt. Vùng mơ của Quyên bất tận lắm. Quyên ví mình như chú ngựa đi hoang, cứ đi trong vô định. Hang cùng ngõ hẻm, nơi nào cũng hóa thành bến đỗ. Hai sáu năm, Quyên không còn nhớ nổi những mảnh đất xa lạ mình đã từng đặt chân lên. Chỉ vài ba cung đường trở thành miền nhớ ghim trong ký ức thăm thẳm của nàng. Nhưng nhớ, với Quyên, không đồng nghĩa với khao khát trở về, huống gì là làng Mật, nàng chẳng nhớ, chẳng thương. Như đinh ninh về sự ra đi của Quyên, đêm nào hắn cũng thầm thì: “Ngôi nhà này sẽ luôn là bến đỗ của em. Và anh cũng sẽ chờ em”. Giọng hắn chùng xuống. Hắn nói như một sự van nài, ngay cả khi nàng đang gối đầu mình trên bờ vai rắn chắc của hắn. Quyên ghét nhìn thấy giọt nước mắt yếu đuối của hắn nên đi trong lặng lẽ, không cho hắn nổi một lời hứa hẹn hay tạm biệt. Bước ra khỏi làng Mật, Quyên thấy lòng mình nhẹ bẫng. Quyên bỏ lại sau lưng tất cả. Tình yêu, tổ ấm có nghĩa gì đâu khi trái tim Quyên đang hừng hực khao khát chạm đến những cung đường cỏ lạ, hoa thơm. Quyên bỏ cả phố hoa đèn rực rỡ để đi, thì mảnh đất cằn cỗi, bụi ngầu này có gì níu giữ bước chân nàng chứ? Quyên leo lên một chuyến xe. Nàng không biết điểm dừng của nó ở đâu, chỉ biết nó đến một vùng cao hun hút.
Quyên xuống xe, leo con dốc loằng ngoằng tìm đường lên núi. Thiên nhiên của nàng đây! Vùng mơ của nàng đây! Hơn hai năm đằng đẵng, chú ngựa bị cột chặt, quẩn quanh, thì giây phút vùng vẫy này đủ biết sung sướng đến chừng nào. Cỏ mọc bùng nhùng, lênh láng dưới mặt đất. Quyên ngả lưng xuống một gốc cây lớn, ngủ một giấc say.
Khi Quyên tỉnh giấc, chiều đã bảng lảng, mây kết thành vòm, bồng bềnh lưng chừng đỉnh núi phía bên kia. Nàng men theo một con đường bé bằng gang tay để xuống núi. Đi hết vạt ngô xanh thẳm, trời cũng đổ bóng tối nhờ nhờ xuống mặt đường. Lác đác một vài ánh đèn nhú lên, không đủ xua đi bóng tối thăm thẳm ngập dần. Tần ngần một lúc, nàng cũng bước vào ngôi nhà lợp kè nâu xám với vài cột gỗ trước nhà làm trụ. Người đàn bà nhìn thấy bóng Quyên với chiếc ba lô trên vai, đoán biết là muốn tá túc đêm nay, liền hồ hởi đón nàng vào như đón đứa con xa lâu ngày trở về quê cũ. Ngôi nhà này lạnh lẽo quá, có lẽ vì thiếu hơi người. Nhà thấp tè, bị nuốt chửng trong những ngọn cây cau cao vút, cây nhãn, cây xoài sum suê lá. Cảnh nhà gợi sự lay lắt, khốn đốn nhưng gương mặt người đàn bà có nét thanh thoát, bình yên lắm.
- Để bác đi đun nước cho con tắm nhé? Đi đường chắc cũng mệt rồi.
Quyên mỉm cười, gật đầu. Không hiểu người đàn bà cho thứ lá gì vào ấm nước mà thơm thơm lạ. Sự im ắng lại khiến lòng Quyên rỗng rễnh, mơ hồ quá. Hình như nàng nhớ nhà… Càng tối, càng tĩnh, nỗi nhớ càng lấn tới, phủ ngập lòng nàng là tiếng hát nghêu ngao của thằng Cún; âm thanh choang choang của tiếng gõ đũa vào mâm bát của Cún trước bữa cơm tối, âm thanh của đàn gà nháo nhác vào chuồng, rồi khuya nữa là tiếng nhộn nhạo của chú ếch ngoài cầu ao vọng vào trong vách… Tất cả cứ ong ong trong tâm trí Quyên. Những âm thanh đã trở đi trở lại như điệp khúc suốt hai năm qua, giờ đây, những tiếng ấy bỗng hóa thành tiếng lòng. Bỗng nhiên Quyên thấy nhồn nhột, rân rân trong da thịt. Người nàng mỏi rạc ra, chẳng còn thiết nghĩ đến vùng mơ nào nữa.
Bữa cơm tối nay có canh lá đắng, bát thịt ba chỉ nấu nghệ và sung muối chát. Lòng Quyên bớt chùng chình bởi sự đạm bạc gần gũi như bữa cơm làng Mật. Quyên tự hỏi không biết giờ này hắn và thằng Cún đã ăn cơm chưa? Thằng Cún nhớ mẹ có khi chẳng buồn gõ đũa xuống mâm. Hắn ít nói, sống nội tâm và giỏi giấu buồn. Nhưng không hiểu sao Quyên lại lo hắn buồn đến thế. Nàng khựng lại, chẳng muốn ăn.
- Nhớ nhà hả con?
Bà thều thào. Hành trang trong những chuyến đi chục năm nay của Quyên làm gì có chữ “nhớ nhà”. Vậy mà lúc này nàng nhớ thật. Chao ôi cái làng Mật cằn cỗi, chân mộc từ đất đến người lại có lúc trở thành miền nhớ trong tâm khảm. Mảnh đất ấy đã hóa thành tâm hồn tự khi nào.
- Dạ không. Cháu xa nhà cũng thành quen.
Người đàn bà thở dài thõng thượt:
- Có lẽ xa rồi cũng quen thật, nên thằng con bác nó biền biệt sáu năm rồi chưa về. Quen rồi cũng hóa thành quên. Chẳng biết nó còn nhớ nổi đường về…
Giọng bà chùng xuống, nước mắt lưng chừng trên khóe mắt. Con ngựa hoang có khi nào cũng quên lối về? Nàng mường tượng ra cảnh hắn ngồi trên manh chiếu sờn, hai tay khoanh trên đầu gối, nghe mưa buồn hiu hắt. Có khi thằng Cún khóc, hắn chẳng buồn dỗ vì mải miết nghĩ về nàng đang rong ruổi phương nao. Gió bỗng dầm dề, thổi vào vách lòng nàng trống huơ trống hoắc. Tình yêu và nỗi nhớ bấy lâu mắc kẹt ở lỗ hút thăm thẳm nào, như chỉ chờ cơn gió ngang qua lại khiến lòng nàng bộn bề đến thế.
- Con là nhà báo hả? Lên chốn này, mà là nữ, thường chỉ có nhà báo thôi. Phải đi thế này, chắc nhớ con cái lắm.
- Dạ…
- Thôi ngồi nghỉ chút đi, bà đi luộc nồi khoai đỏ, bở và rất thơm con ạ.
Trong tiềm thức của nàng chưa bao giờ có định nghĩa mang tên “gia đình”, nên nàng sinh con ra, rồi để lại cho hắn. Bấy lâu với nàng, thằng Cún và hắn chẳng khác gì một người bạn nàng gặp đâu đó trên hành trình xê dịch của mình, giống người đàn bà đang lụi cụi nhen lửa kia. Nàng đã quăng quật biết bao xó xỉnh, rồi mới sáng nay, bao vùng mơ thênh thang đã nhảy nhót trong trí tưởng tượng của nàng, sao lúc này nàng chỉ còn nghĩ đến làng Mật ấy. Thôi, chắc chỉ vì thói quen, nàng đã ở làng Mật quá lâu hơn bất cứ nơi nào. Ai bảo thói quen thì không thể quên? Nàng sẽ không nghĩ đến hắn và thằng Cún nữa. Nàng sợ sệt những ý nghĩ ấy sẽ bủa vây khiến hành trang của nàng thêm nặng nhọc.
Nàng bị đánh thức bởi tiếng khóc ré lên của đứa trẻ nhà bên, cách nhà bà năm, bảy hàng dứa gai và một cây mít già nua. Mẹ thằng bé hình như không buồn dỗ, cứ luẩn quẩn ngoài vườn với mấy luống rau. Xót thằng bé khóc khàn cả cổ, nàng bật dậy, tạt qua bế thằng bé vào lòng mà hát. Rồi nàng lại sững người khi biết mình đang hát ru như một thói quen. Thằng bé nín hẳn, ngơ ngác nhìn nàng một hồi rồi ngủ thiếp đi. Lúc mẹ thằng bé từ vườn vào, nàng mới sực nhớ nó chỉ là một thằng bé xa lạ. Hóa ra mẹ nó bị điếc, nên mới chọn lúc tảng sáng, khi thằng bé ngủ say tranh thủ làm chút việc. Nàng nhìn chị nựng con thật khéo, ánh mắt đắm đuối nhìn con. Thằng Cún lúc ngủ trông như thế nào nhỉ? Nàng ru con bao lần mà chưa lần nào nhìn gương mặt con khi ngủ. Có thứ gì đó như mắc nghẹn ở cổ. Nàng ngửa mặt lên, nắng ngọt đã rải lên hàng cọ xanh non đầu cổng.
Hôm nay là ngày thứ tư nàng xa làng Mật. Mưa rả rích cả ngày khiến nàng như con chuồn chuồn chết rũ một góc. Nỗi cô đơn của nàng bị gió mây giăng kín. Mưa ở vùng cao sao khiến nàng buồn đến thế. Hình như càng cô đơn, càng buồn, người ta càng dễ nhớ về một miền nào đó. Giá mà những lúc mưa lạnh thế này, nàng được ôm thằng Cún ngủ một lần. Cái mơ ước đời thường ấy sao có lúc nàng lại thấy diệu vợi quá.
Tiếng đập cửa nửa đêm khiến cả bà và nàng bật giấc. Thằng bé nhà bên lên cơn sốt. Nàng cũng lục đục vén màn chạy sang. Thằng bé nóng ran, thở mạnh. Người đàn bà vội chạy về nhà, lấy ít ngải cứu khô, sắc lấy nước cho thằng bé uống. Người đàn ông vắt khăn, chườm lên trán thằng bé. Bà thở dài:
- Mẹ nó đâu?
- Mẹ cháu đi làm giúp việc dưới huyện từ sáng rồi ạ.
- Rõ khổ, thiếu hơi mẹ là y rằng ốm. Bận nào cũng vậy.
Nàng rùng mình, mồ hôi lạnh như đang trượt dọc sống lưng.
Nàng trở về giường, không tài nào chợp mắt nổi. Thi thoảng nàng lại nhổm người dậy, ngó trời qua ô cửa sổ vuông vuông. Nàng muốn trời mau sáng. Chân tay nàng bủn rủn quá, nàng chỉ muốn rời khỏi nơi đây ngay, không thể chần chừ thêm giây phút nào nữa, thằng Cún vắng hơi nàng cũng sẽ đổ bệnh. Làng Mật cằn cỗi kia, lúc này chẳng khác gì vùng mơ của nàng. Nàng nhớ làng Mật, nhớ thằng Cún và hắn quá.
Đã đến lúc nàng phải trở về. Làng Mật - vùng mơ đang chờ nàng đó…
Ngọc Anh