banner 728x90

Truyện ngắn: Những người lính trở về từ chiến tranh

26/10/2024 Lượt xem: 2371

Hàng xóm mới chuyển đến cạnh nhà tôi là cặp vợ chồng lớn tuổi. Trông họ rất phúc hậu. Thấy anh chị ra vô, tất bật với việc chăm mấy con gà, xới vài luống rau... tôi nghĩ chắc họ là cán bộ hưu trí, về quê sinh sống.

Ngày Quốc khánh 2-9 vừa rồi, hàng xóm có khách. Đó là những vị lãnh đạo của tỉnh đến thăm và tặng quà rất trịnh trọng. Tôi sang chơi, tò mò hỏi: “Chắc ngày xưa anh chị làm chức gì to lắm?”. Anh lắc đầu: “To tát gì đâu! Bà nhà tôi là bác sĩ! Còn tôi làm lính!”. Chị thì nhỏ nhẹ: “Tại hồi trước, anh chị có tham gia kháng chiến!”. Anh phụ họa: “Hồi đó, kháng chiến gian khổ lắm!”.

Nghe giọng nói nhẹ hều của anh, những người sinh ra khi đất nước đã hòa bình như chúng tôi làm sao tưởng tượng được kháng chiến gian khổ như thế nào. Hiểu ý tôi, chị từ tốn kể...

...Ngày ấy, mới qua tuổi 20, nhận tấm bằng đỏ của Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, chị từ chối công việc tại một bệnh viện lớn ở thủ đô, xung phong vào miền Nam. Sau 3 tháng đi bộ hơn 1.000 km vượt Trường Sơn, băng rừng leo dốc, chị vào đến Khu 5. Ngay sau đó, chị được điều về làm trưởng một bệnh xá của huyện. Lúc đó, ai cũng nghĩ, với sức vóc nhỏ bé và yếu ớt, chị chẳng thể ở lại lâu. Lý do là vì khi ấy, nơi đó địch đánh phá rất ác liệt. Nhiều người trong bệnh xá đã ngã xuống dưới làn đạn của giặc hay hy sinh do bị phục kích. Vậy mà, chị đã trụ lại đó suốt mấy năm liền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Là bệnh xá trưởng, chị phải quán xuyến tất cả mọi việc, từ phân công công việc chuyên môn đến lo ăn ở, hậu cần, trực chiến, chống càn... Đầu tiên, chị đào tạo chuyên môn cho nhân viên mới, những chàng trai, cô gái vốn chỉ quen với cuốc cày. Chị vừa dạy lý thuyết cơ bản của nghề y, vừa kiên nhẫn hướng dẫn các thao tác thực hành. Không ít lần, chị đưa tay mình ra làm “đạo cụ” cho nhân viên học cách tìm ven, tiêm thuốc... Những ngày đầu chưa quen khí hậu, chị bị ngã nước, sốt rét ác tính. Vừa dứt cơn sốt, bệnh tiêu chảy lại hành hạ chị. Nhưng chị không cho phép mình nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.

Bệnh xá thời chiến thiếu thốn đủ bề. Thiếu bông băng, chị phân công anh em giặt sạch bông băng đã qua sử dụng rồi khử trùng bằng cách hấp lại. Không đủ thuốc, chị huy động mọi người vào rừng tìm kiếm thuốc nam. Là bác sĩ duy nhất của bệnh xá, chị trực tiếp cầm dao mổ. Những ngày có chiến dịch, số thương vong lên đến vài trăm người. Chị phải đứng liên tục bên bàn mổ. Nhờ sự tận tâm của chị, hàng trăm chiến sĩ đã lành vết thương, hồi phục sức khỏe, trở về với đồng đội, tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Rồi giọng chị chợt chùng xuống:

- Em biết không? Bữa ăn hàng ngày của chị và các đồng nghiệp chỉ là sắn luộc với vài hạt gạo, chan với canh mắm cái. Vậy mà, gạo, muối và mắm cái, mọi người trong cơ quan phải thay nhau băng qua những ngọn đồi dày đặc trận địa pháo, xuống tận đồng bằng mang về. Không ít lần bị phục kích dọc đường. Những hạt gạo trắng về đến bệnh xá trộn lẫn với máu...

Sau vài phút im lặng như để đè nén nỗi xúc động, chị kể tiếp...

Tuy là thủ trưởng, chị vẫn thực hiện đầy đủ các quy định đơn vị đề ra như kiếm củi theo định mức 5 gánh/người/tháng, xuống suối gùi nước, tham gia canh phòng, trực chiến...

Nghe chị kể mà thương. “Vậy làm sao chị gặp được anh?” - Tôi hỏi.

Chị mỉm cười: “Chị gặp anh ở bệnh xá đó”.

...Tiếng đồn về cô bác sĩ trẻ lan đi khắp chiến trường, đến tai anh, khi đó là một trung đoàn trưởng trẻ tuổi. Thế là nảy sinh mối tình tuyệt đẹp giữa cô bác sĩ trẻ và chàng sĩ quan đẹp trai.

“Hồi đó, cứ cách vài ngày, anh lại băng rừng gần chục km, đến bệnh xá thăm em, nhớ không?!” - Anh chợt xen vào, ánh mắt sáng rỡ, miệng tủm tỉm. Chị nhìn anh, dịu dàng: “Vâng! Em nhớ!”. Quay sang tôi, chị làm bộ nhăn nhó: “Trời ơi! Mỗi khi anh tới, chị cứ ôm anh mà khóc, vì thương mà cũng vì sợ. Đạn pháo của giặc bay như rải trấu trên đầu. Lỡ anh có bề gì, chị sống sao nổi?”.

Bất chấp đạn bom và khói lửa chiến tranh, một đám cưới giản dị mà đông vui đã diễn ra. Song, sống với nhau được vài ngày, anh phải chia tay chị để trở về Quân khu, chuẩn bị cho những trận đánh mở màn chiến dịch mùa xuân năm 1975. Mãi đến sau ngày giải phóng, họ mới gặp lại nhau, để cùng về miền Tây, quê anh.

- Sao anh chị không ở thành phố mà về cái làng nhỏ xíu này? - Tôi hỏi.

Khuôn mặt chị chợt tối: “Do ảnh hưởng từ thời chiến tranh nên sức khỏe của anh chị không tốt lắm, đặc biệt là anh... Về đây khí hậu trong lành, chị hy vọng sức khỏe của anh sẽ tốt hơn”.

Thấy tôi nhìn những vật dụng đơn sơ, mộc mạc trong nhà với ánh mắt cảm thông, chị cười cười:

- Có sao đâu em? Còn sống bên nhau như thế này, với anh chị đã là hạnh phúc lắm! Em biết đấy, trong cuộc chiến giành độc lập cho Tổ quốc, bao người con ưu tú đã ngã xuống. Hơn một nửa số đồng đội của chị đã vĩnh viễn ra đi...Anh chị còn sống được đến ngày hôm nay là may mắn lắm, còn đòi hỏi gì nữa…(?!)

Tôi chợt thấy cay cay nơi khóe mắt.

Phúc Nguyên

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.
Top