banner 728x90

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

02/11/2024 Lượt xem: 2348

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”. Đại diện nhà trai chỉ có mấy ông bạn công trình, tụi nhỏ phụ hồ và bà chủ quán cơm bụi chỗ Khang hay ăn chịu. Nhà cô dâu thở dài bảo nhau: “Cứ biết vui đi đã, người tính chẳng bằng trời tính. Chuyện về sau phó mặc trời”.

Trầm hôm ấy cũng say. Người ta thấy cô dâu chỉ có duy nhất một nụ cười méo xệch. Hình ảnh chú rể cứ lập lòe, nhập nhoạng lẫn trong khuôn mặt người mà Trầm suýt gọi là chồng. Mà thật ra thì giữa Trầm và người đàn ông đó đã ăn ở như nghĩa vợ chồng. Thế rồi, vợ người đàn ông đó tìm đến. Vở kịch đời ngơ ngác, Trầm bẽ bàng phận vợ hờ. Trầm không biết làm gì hơn là quăng mình vào những chuyến đi vô định. Ông trời đưa đẩy Trầm gặp Khang.

Ngôi nhà hai tầng này Khang thuê cho Trầm quán xuyến. Tầng một là nơi đám thợ ngủ, thỉnh thoảng trở thành nơi hẹn hò chớp nhoáng. Tầng hai ngăn làm đôi, một bên là phòng ngủ của vợ chồng Trầm, một bên là bếp. Trầm thích căn bếp nhỏ tuy chật chội nhưng đủ đầy. Gần chục con người quây quần ngày ba bữa. Trầm chỉ việc đi chợ nấu ăn, coi nhà cửa, vừa làm vợ của Khang vừa làm chị đám thợ hồ tuổi còn nhắng nhít. Hôm nào Trầm nấu, mấy đứa nhỏ cũng khen. Tụi nó chỉ bằng tuổi em út Trầm, cơ cực mưu sinh mà vẫn không mất đi nét hồn nhiên. Bữa cơm nào cũng đẫm mồ hôi, tay chân rửa qua loa còn nồng mùi vôi vữa. Thỉnh thoảng, có đứa bảo “chị Trầm ơi, em thèm ăn xôi sắn với hành phi. Từ hồi mẹ mất, không ai nấu xôi cho em ăn nữa”. Sắn ở thành phố không thiếu, chỉ là đắt mà củ nào cũng sượng, chắc không thể nào ngon bằng món ăn trong ký ức từ bàn tay mẹ. Nhưng thằng nhỏ vừa ăn vừa khóc, nó bảo khi nào làm xong công trình sẽ dẫn Trầm về quê nấu món này cúng mẹ. Em của Khang nhiều lắm, thỉnh thoảng lại thấy anh dẫn về một đứa, cười xòa bảo “lo cho nó giùm anh”. Toàn em rơi em vãi nhưng thật thương. Có đứa xin theo Khang phụ hồ tuổi mới tròn mười bốn, đêm ngủ gặp ác mộng còn vùng dậy khóc...

 

Thỉnh thoảng, đám thợ choai choai ấy cũng bắt nạt nhau. Trầm dọa “tụi bay hư, chị không nấu cơm cho ăn nữa”. Thế là tụi nó im, ngoan ngoãn vào bếp, đứa nhặt rau, đứa đong gạo nấu cơm, đứa nào khéo tay thì tỉa hoa cà rốt. Khang đọc báo thấy hàng hóa bày bán ngoài chợ toàn thuốc trừ sâu độc hại nên kiếm đâu về hơn chục chiếc thùng xốp để trồng rau. Xem ra tụi nhỏ thích khu vườn trên cao hơn cả. Mỗi đứa đăng ký trông nom một thùng xốp. Đứa trồng cà chua, đứa thích rau dền cơm, đứa trồng ớt chỉ thiên. Thằng nhỏ mười bốn tuổi xin đâu đó khóm hoa nhài nhỏ, nói trồng để chị ướp hương cho thơm tóc... Những hạt giống nảy mầm rồi mơn mởn vươn nhanh. Ớt rồi cũng ra quả, nhài rồi cũng đơm hoa. Niềm vui ở nơi này bé nhỏ nhưng đầy ắp. Khang ngồi nghĩ chừng nào đó sẽ thôi không rong ruổi chạy theo công trình. Anh sẽ mua đất làm vườn, tụi nhỏ sẽ tha hồ trồng tất cả những loài cây mà chúng thích. Trầm thì nghĩ cứ sống mãi thế này cũng đã sao. Trầm yêu thương tụi nó như em. Nhưng Khang bảo rồi sẽ có em bé, khi đó không nên sống xê dịch. Trầm ngồi mường tượng vẩn vơ cảnh tụi nhỏ quây quanh một đứa trẻ. Chúng tập làm anh, làm chú, làm bố... Trầm sẽ bận rộn hơn và cũng hạnh phúc hơn.

*  *  *

Trầm mang thai, thời gian đầu chị ốm nghén xanh xao, mệt rũ. Khang đi làm ngày nào cũng tạt về nhà vài ba bận hỏi han. Khang nói ước gì sinh con gái để trong nhà thêm nét dịu dàng, suốt ngày nhìn những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi sẽ cảm thấy cuộc đời này ngột ngạt. Nên những lúc rảnh, Khang thường ngồi một mình trên sân thượng, nắm níu sự bình yên qua màu xanh hiếm hoi của những thùng rau. Trầm biết Khang đang nghĩ gì. Một căn nhà nhỏ bên khu vườn rộng lớn, nơi những khối bê tông, mùi vôi vữa không còn lẩn khuất trong cả những giấc mơ. Khang mồ côi, cả cuộc đời lưu lạc mưu sinh, từng làm đủ thứ nghề, nếm đủ mùi cay đắng. Khang thương Trầm bằng thứ tình thương của tiếng vọng cô đơn. Nghe thấy lời kêu cứu trong tim nhau mà biết mình sẽ thương suốt phần đời còn lại. Khang không muốn mang Trầm theo hành trình rong ruổi. Người phụ nữ nào cũng cần một bến bờ để neo đậu những ước mơ bé nhỏ. Nên từ khi có Trầm thì Khang đã nuôi ước muốn dừng chân.

Công trình đã gần xong, nhưng tụi nhỏ tránh nói về điều đó. Chúng không biết làm cách nào để mang khu vườn nhỏ trên sân thượng đi cùng. Vài đứa theo Khang đã lâu nên chẳng lạ gì những không gian tạm bợ. Thứ hạnh phúc của dân công trình có hạn định ngắn ngủi, vài tháng hoặc vài năm, bởi vậy đâu dám thương một thứ gì dai dẳng. Chỉ có khi nào tình cờ đi qua nơi ấy, nhìn ngôi nhà mình xây giờ đầy ắp tiếng cười thì mới thấy thứ mình còn để lại. Đời Khang vạ vật không biết bao nhiêu quán cơm bụi. Ấy thế mà từ khi Trầm xuất hiện, mọi thứ đã khác dần. Khang đã biết sống chậm lại, thương yêu từ những điều nhỏ nhặt, thèm được nâng niu thứ hạnh phúc bình yên như bao người khác.

Thằng nhỏ mười bốn tuổi có lần ngập ngừng thủ thỉ với Trầm:

- Chị cất giùm em tiền công hàng tháng, chừng nào được kha khá, em gửi về phụ giúp bố, nuôi các em ăn học. Mấy anh em tuy không cùng mẹ đẻ ra nhưng thương nhau. Em không muốn chúng phải bỏ học giữa chừng như em. Tội nghiệp.

- Để chị nói với anh Khang xong công trình này sẽ chọn nơi có trường dạy nghề cho em theo học, ở đó họ cũng dạy bổ túc văn hóa. Em chịu khó vừa học vừa làm để sau này cuộc đời đỡ  cực.

- Thật hả chị?

- Ừ thật. Thật chứ.

Trầm nói mấy câu đó mà lòng muốn khóc vì thương thằng nhỏ, thương luôn cả phần đời cơ cực mà Khang đã từng đơn độc trải qua phận mồ côi. Gặp nhau phận bèo trôi giờ đã thành thương yêu sâu nặng. Đứa con đang lớn dần trong bụng là món quà vô giá mà ông trời nào đâu chỉ ban tặng mình Trầm. Tụi nhỏ cứ đi làm về đến nhà là chạy lại bảo “chị Trầm ơi, cho em chào bé con cái nào”. Chỉ có Khang là bận rộn hơn cả, anh thường trở về muộn khi cơn mệt mỏi đã kéo Trầm chìm vào giấc ngủ. Bao lo toan cứ bấu víu lấy Khang, hết công trình này lo tìm công trình khác; lo sổ sách, giấy tờ, thu chi lỗ lãi. Trầm nghĩ cuộc đời Khang sẽ nhẹ nhàng hơn nếu không bao bọc tụi nhỏ. Nhưng Trầm không trách Khang, người đàn ông như anh ấm áp từ trong ý nghĩ. Giờ Trầm chỉ lo phải chuyển nhà trong lúc sắp sinh đẻ. Đã mấy lần Trầm định nói với Khang chuyện đó nhưng cũng chẳng biết phải nói thế nào. Khang đọc được ý nghĩ của Trầm trong mỗi bữa sáng. Anh cười: “Đừng lo. Đâu vào đó mà em”.

Một tối về muộn, Khang bảo:

- Mai anh dẫn mọi người đi xem đất, tiện thể dựng căn lều thay nhau trông vật liệu.

- Công trình mới ở đâu anh ơi?

- Không xa đây là mấy. Mà cũng không phải xây cho ai mà là nhà của chúng mình.

Câu “nhà của chúng mình” khiến tất cả từng ấy khuôn mặt lặng đi, rồi cùng nhau òa lên sung sướng. Trầm nhớ rõ nét mừng vui trong từng ánh mắt. Khang đưa mắt nhìn Trầm, chẳng cần đến ngôn từ cũng đủ đầy hạnh phúc. Khẽ xoa bụng, Trầm như muốn nói với con về mái ấm. Tất cả đang bắt đầu để chờ ngày đón con gái chào đời...

Phúc Nguyên

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.

Truyện ngắn: Những người lính trở về từ chiến tranh

Hàng xóm mới chuyển đến cạnh nhà tôi là cặp vợ chồng lớn tuổi. Trông họ rất phúc hậu. Thấy anh chị ra vô, tất bật với việc chăm mấy con gà, xới vài luống rau... tôi nghĩ chắc họ là cán bộ hưu trí, về quê sinh sống.
Top