banner 728x90

Truyện ngắn: Mẹ tôi

16/11/2024 Lượt xem: 2763

Quê tôi nằm sát biển. Nơi ấy có những cánh đồng muối bát ngát tận chân trời. Nhưng mấy chục năm trước đây, người dân quê quanh năm nghèo đói, cuộc sống vất vả, cùng cực.

Cảnh nhà nghèo khó đã khiến ba tôi ra đi với người phụ nữ khác, bỏ mẹ với hai bàn tay trắng cùng 5 đứa con thơ dại. Sau những ngày tuyệt vọng vì nỗi đau phụ bạc, mẹ quyết định đứng lên, bằng mọi giá phải sống tốt và nuôi con. Từ đó, mẹ bắt đầu những chuỗi ngày lam lũ, tảo tần. Ngày nào cũng vậy, khi gà vừa gáy sáng, mẹ gọi tôi dậy, dặn dò mọi công việc ở nhà rồi xốc quang gánh lên vai, ra đồng muối. Tôi chưa tròn 9 tuổi đã phải thay mẹ gánh vác việc nhà và trông nom các em thơ. Có lẽ vì vậy mà tôi thấu hiểu hơn cuộc đời gian nan của mẹ, tình thương tôi dành cho mẹ sâu sắc hơn, nhiều hơn các em.

Không có tiền, mẹ nói khó với diêm dân, mua chịu một gánh muối đầy. Với gánh muối ấy trên vai, bà gánh bộ hơn 20 cây số, đến tận các vùng quê xa xôi để đổi muối lấy gạo. Thỉnh thoảng, hình ảnh những gánh muối nặng trĩu trên đôi vai gầy của mẹ ngày ấy hiện ra trước mắt tôi. Khi muối ế, mẹ quay sang mua chịu các thứ mắm miền biển như: mắm ruốc, mắm nước, mắm nêm… gánh lên tận các bản làng hẻo lánh bán cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi còn nhớ những đêm khuya vắng lạnh tối om, mẹ ra khỏi nhà, với những can mắm nước, lọ mắm nêm, thẩu mắm ruốc… lầm lũi từng bước, gánh qua những cánh đồng hoang vắng, những con dốc dài hun hút… đến những miền đất xa xôi, cách nhà vài chục cây số. Với vài đồng tiền lời ít ỏi, mẹ mua khoai lang khô. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những buổi hoàng hôn dắt đàn em ra ngõ đón mẹ và triền miên những nồi khoai lang khô nấu muối ăn thay cơm.

Hết mùa cá, không còn mắm, mẹ xoay sang học cách làm bún, làm chả cá rồi nấu bún cá gánh ra chợ bán. Rất nhiều đêm mẹ oằn người bên cối đá, xay từng cân gạo, cong lưng ngồi vắt từng nắm bún… Thức dậy nửa đêm, tôi đến bên cạnh, nói “mẹ để con giúp”. Mẹ gạt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, cương quyết xua tay: “Con ngủ đi! Mai còn đi học sớm!”.

Tuy bún cá của mẹ ngon nổi tiếng, nhưng những ngày biển động, mưa lũ… vẫn ế hàng. Nhờ vậy, tôi và các em được ăn bún ế chan với nước mắm, ngon hơn nhiều so với khoai lang khô nấu muối. Mãi đến tận bây giờ, được đi nhiều nơi, thưởng thức không ít món ngon, ăn không biết bao nhiêu tô bún cá… nhưng với tôi, không có món ăn nào, chẳng có tô bún cá nào ngon như những bữa bún ế của mẹ ngày xưa ấy…

Nhờ sự tần tảo và lam lũ của mẹ, 5 anh em đều được đến trường. Thương mẹ, chúng tôi đều cố gắng học giỏi. Để tạo điều kiện học hành cho các con, mẹ đưa cả nhà về Vũng Tàu sinh sống. Nghe mọi người khuyên, mẹ chọn kế sinh nhai bằng cách ra biển bán bắp nướng. Mua bắp, mẹ về các làng quê lân cận, đến tận vựa, chọn những trái bắp bánh tẻ để khi nướng vừa dẻo vừa ngọt. Mua than, mẹ vào tận các lò đốt than, chọn than tốt mà giá rẻ. Rồi cũng một mình, với đôi quang gánh nặng trĩu vai, mẹ gánh bắp, gánh than về nhà, suốt những chặng đường vài chục cây số… Hỏi mẹ sao không thuê xe chở? Mẹ cười: “Được vài đồng tiền lời mà thuê xe thì lấy gì ăn hả con?”.

Mỗi buổi tối, sau khi tất bật lo chuyện cơm nước, giặt dũ, dọn dẹp… cho cả nhà, mẹ xếp quang gánh ra biển bán hàng. Tôi vẫn còn nhớ những mùa hè hừng hực nóng, oi ả đến nỗi gió từ biển thổi vào mà khi chạm vào da cũng thấy rát, mẹ vẫn miệt mài bên bếp than, bán từng trái bắp nướng.

Bắp hết mùa là lúc trời chuyển sang đông. Mẹ chuyển sang bán chuối chiên, khoai lang chiên, những món ăn dân dã rất được ưa thích trong những ngày lạnh. Cái nghiệp buôn thúng bán bưng không thể tránh những lúc thời tiết không thuận lợi kiểu gió mưa bất chợt, khách vắng, hàng ế… Thấy mẹ buồn xo gánh hàng về, hàng xóm thương tình, vận động nhau mỗi người mua ủng hộ trái bắp nướng, miếng khoai hay chuối chiên… Nhờ vậy mà chúng tôi không phải ăn bắp ế, khoai ế… trừ cơm.

Một ngày bận rộn của mẹ thường kết thúc khi phố phường đã chìm vào giấc ngủ. Một mình mẹ trở về nhà, lầm lũi trong đêm. Mỗi trái bắp nướng, mỗi khoanh chuối, miếng khoai… chỉ lời lãi vài chục đồng, nhưng cứ tảo tần, chắt chiu dành dụm, dè sẻn từng chút suốt nhiều năm trời đằng đẵng, mẹ đã lo cho chúng tôi những bữa cơm đủ no, để 5 đứa con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

 Sau bao nhiêu năm phiêu bạt, ba tôi thành một ông già ốm yếu và bệnh tật, không có ai bên cạnh quan tâm chăm sóc. Với lòng nhân hậu bao la, mẹ đã mở rộng vòng tay đón ba về, chăm sóc ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến những chén thuốc sắc nóng hổi. Ba tôi đã được sống những ngày bình yên và thanh thản cho đến khi ông ra đi vì bệnh cũ tái phát.

Khi chúng tôi trưởng thành, những tưởng mẹ có thể tận hưởng những tháng ngày nhàn hạ êm ả bên con cháu thì mẹ phát bệnh. Những vất vả cơ cực của một thời gian khổ đã quật đổ mẹ. Dù chúng tôi đã dành bao công sức, tiền bạc và cả tình thương yêu vô bờ bến vẫn không sao cứu được mẹ.

Niềm an ủi duy nhất với chúng tôi, đó là mẹ ra đi thanh thản, trong vòng tay yêu thương của các con, với nụ cười mãn nguyện trên môi. Dường như mẹ muốn nói, cả cuộc đời gian nan của mẹ đã được đền đáp xứng đáng…

Nguyễn Kim Phụng

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp một triệu đồng, bây giờ làm sao nói với chị? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào.

Truyện ngắn: Những người lính ngoài biển khơi

Bão tràn vào thành phố. Trời tối đen như mực. Một số khu vực đã mất điện từ mấy ngày qua. Mưa như trút nước. Tiếng người phát thanh viên trên truyền hình thảng thốt “…lũ tràn chưa rút hết thì cơn siêu bão số 7 tiếp tục tràn vào Biển Đông, uy hiếp các tỉnh miền Trung. Chính phủ đang huy động mọi lực lượng để cứu dân, tránh tình trạng cô lập từ các huyện như hiện nay…”.

Truyện ngắn: Lầm lỡ

“Công ty phá sản, tôi chạy khắp nơi mà không kiếm được việc làm khác. Cuối cùng, với vốn tiếng Anh kha khá, tôi trở thành nhân viên buồng phòng trong một khách sạn nằm sát bên bờ biển. Tại đây, tôi quen Kha khi anh từ Mỹ đến đây triển khai một dự án về môi trường. Hôm đó, khi trở về phòng lấy bản đề án để quên trên bàn, Kha thấy tôi đang chăm chú đọc những trang bản thảo một cách say mê.

Truyện ngắn: Lỡ hẹn một chuyến bay

Từ khi thành phố bắt đầu thực hiện quy định giao thông một chiều ở một số con đường, hàng ngày lộ trình đi về của anh có thay đổi. Vòng đi vẫn qua đường Ngô Gia Tự, nhưng vòng về buộc anh phải đi đường Nguyễn Trãi. Lâu nay anh hầu như tránh con đường này. Bởi lẽ, đó là con đường ngang qua nhà nàng. Lòng anh không bình lặng mỗi khi nhìn thấy cánh cổng có giàn hoa giấy tím. Đã nhiều năm rồi từ lúc không còn bóng nàng bên khung cửa nhỏ đó.

Truyện ngắn: Lòng vị tha

Nhà Sơn và Thơm cạnh nhau, trong xóm bãi rác. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những túp lều lợp tôn rỉ, tường là những mảnh bìa carton, thùng thiếc, thùng sơn… chắp. Cả 2 đều không có cha, đều lớn lên từ những thứ lượm lặt trong bãi rác. Cũng như mọi người dân nơi này, hai đứa biết theo mẹ bới rác từ khi chập chững biết đi.

Truyện ngắn: Bài học và tình bạn

Vừa hết giờ làm, Hùng vội phóng xe khỏi cơ quan. Chạy rì rì giữa dòng xe cộ đông đúc, lòng Hùng bồn chồn, chỉ muốn tăng ga vọt lên để mau về nhà. May mà cu Tuấn đã được cô giáo ở cùng tổ hứa chở giúp về chứ không lại chờ bố, rồi khóc. Còn vợ anh, mới mổ ruột thừa xuất viện ngày hôm kia, không biết ở nhà có chịu nằm yên hay lại tham công tiếc việc...

Truyện ngắn: Ngày đầu lên lớp

Sáng, trong khu tập thể giáo viên cạnh trường, Lan thức dậy từ lúc nào. Đã thành thói quen, sáng nào cũng vào giờ này, Lan đều ngồi bên chiếc bàn nhựa cạnh cửa sổ, xem lại giáo án cho một ngày lên lớp. Cô chẳng thể lý giải vì sao mình lại yêu nghề giáo viên đến thế, và càng không hiểu vì sao từ khi được nhận về trường này dạy, cô lại tâm huyết, nhiệt tình đến vậy.

Truyện ngắn: Mình đã thuộc về nhau

Trong buổi lễ trao giải cuộc thi viết về môi trường hôm đó, em tưởng tác giả đạt giải nhất là người trong ngành, nhưng hóa ra không phải. Anh tự giới thiệu cái nghề khảo sát của mình là “nghề đi lang thang”. Trước đây, nhiều lần đọc những bài báo rất hay ký tên anh, em tưởng tác giả là một cô gái bởi lối viết sâu sắc mà đằm thắm đến thế. Hóa ra không phải, mà là anh - chàng trai ngăm ngăm cao lớn, chắc đậm, mái tóc đen lòa xòa trước trán, nụ cười luôn nở trên môi.
Top