Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành. Có lần lùa bò đi chăn, gặp nhóm bạn cùng lớp cũng vào núi nhưng bọn nó vào sâu trong núi để vui chơi, tôi lơ đi nhưng vẫn bị tụi nó nhìn thấy và gọi tên, tôi quê lắm.
Tôi đậu tú tài, là á quân của trường đấy. Tôi chỉ thích thi vào Trường Đại học Báo chí. Tôi xin má nộp đơn thi trường đó, má bảo:
- Thi trường Sư phạm ở tỉnh ấy, học phí được miễn, con gái làm cô giáo là hay nhất.
Chán chưa? Dù không muốn nhưng tôi cũng phải miễn cưỡng học Cao đẳng Sư phạm theo ý má. Còn nhớ ngày tôi ra thành phố, đường đường chính chính là một sinh viên sư phạm nhưng bạn bè hay trêu: “Dân gốc rạ…!”. Tôi nghe và chỉ biết cười trừ, không buồn, không giận vì bản thân cũng cảm nhận được sự quê mùa của mình. Một cô nàng gầy gò, làn da rám nắng từ đầu đến chân. Tôi không biết dùng khẩu trang, mỹ phẩm, chưa một lần cầm cây son đưa lên môi. Nhìn mình trước gương, tôi cũng không dám tin mình là một sinh viên năm nhất. Đây là kết quả của những ngày chăn bò tắm sông và cũng là kết quả câu nói của má: “Học giỏi người ta khen, đẹp gái cũng khen nhưng không “nể” bằng học giỏi”.
Mấy đứa bạn cùng phòng chép lưỡi tiếc: “Mày có duyên ngầm, chỉ tại không biết sửa soạn nên chưa đẹp ra đấy thôi!”. Rồi chúng quyết tâm biến tôi thành… quý cô. Cuối tuần về quê thăm má, về tới đầu thôn, ai cũng tấm tắc khen tôi sáng sủa, xinh đẹp hẳn ra. Về tới nhà, má liếc từ đầu đến chân, lắc đầu ca cẩm:
- Má cho đi học chứ không biểu đi đua đòi…!
Tôi phụng phịu:
- Con xinh ra, không khen, không hãnh diện mà lại càm ràm, chán má ghê.
Hàng tuần, má cho đúng tiền ăn, tôi lĩnh học bổng về đưa má mà ấm ức:
- Con nhận học bổng loại giỏi, một tháng 180 ngàn, mỗi tuần má cho con có 30 ngàn.
Má im lặng mặc kệ tôi nói gì. Muốn làm thẻ đi thư viện đọc sách, tôi phải ăn mì tôm và bánh tráng cả tháng liền, giấu má một tháng học bổng để thi Tin và tiếng Anh bằng A. Tôi hay khóc vì tủi thân:
- Con đã là thiếu nữ rồi, muốn có một bộ đồ đẹp cũng không có, cứ quần xanh áo trắng hoài, chán quá. Bọn bạn con đi siêu thị, đi ăn nhà hàng liên tục, con thì một ly chè cũng không dám ăn.
- Hồi bà cố nuôi má, má làm mướn từ nhỏ, chỉ có hai bộ đồ, thay bộ này mặc bộ nọ, má vẫn sống tốt nè.
- Ôi! Hồi xưa khác giờ khác chứ má.
Tôi đi dạy, tháng lương đầu tiên trích mua nồi cơm điện, nằng nặc đòi mua bếp ga nhưng má nhất quyết không chịu, cứ gom rơm rác xung quanh vườn mà nhen bếp, khói mắt cay xè. Có lần, tôi than:
- Không năm nào nhà mình có một chậu hoa tươi, năm nay má nhất định mua nha.
Má im lặng cười cười, đi chợ và đem về một sợi dây chuyền, một đôi hoa tai:
- Con gái nhất định phải có mấy thứ này.
- Má không chịu mua đồ ngon mà ăn, cứ sắm vàng hoài.
Tôi đòi mua xe máy đi dạy, má không cho. Tháng lương nào tôi cũng giữ lại một ít, khi cần thì dùng, còn lại đưa hết cho má. Má lấy tiền đi sắm vàng. Tôi “giận” má lắm:
- Má hãy sắm sửa cho nhà cửa tươm tất, mua cho má mấy bộ đồ mới mà mặc. Cứ sắm vàng làm gì, con không cần vàng.
- Phải để dành, lúc bệnh đau có chỗ mà ngó chừng.
Một đồng để dành, hai đồng để dành. Má suốt đời vẫn vậy, làm không dám ăn, chắt chiu từng đồng. Cứ dành dụm, đủ một phân má cũng sắm vàng. Tôi đi dạy được một năm, má đưa tiền và kêu mua chiếc xe máy mà đi dạy. Tôi ngạc nhiên:
- Tiền má trúng số à?
- Tiền lương của con má sắm vàng, nay vàng lên giá, má bán đó.
Má già rồi nên hay bệnh, chân tay đau nhức. Những đêm trở trời, má ngồi đấm vào chân thùm thụp, phe phẩy cái quạt mo cành cạch. Tôi kêu má đi khám bệnh nhưng má cứ gạt phắt:
- Già cả nên đau nhức đó mà. Bệnh lặt vặt chứ có bệnh gì nghiêm trọng mà vào viện.
* * *
Tôi đăng ký đi học tại chức. Nhiều lúc giận má, trách thầm: “Giá mà ngày xưa má cho con đi học đại học thì giờ này đâu phải đi học tại chức”.
Vừa nhập học được mấy hôm thì má bệnh nặng. Tôi vừa học vừa chăm má. Mùa thi học phần, tôi ôm đống sách vào bệnh viện học. Má lo lắng:
- Về trường học đi, má không sao cả.
- Con không yên tâm.
Sáng hôm sau, tôi về trường thi. Nộp bài xong, tôi hộc tốc lao vào viện. Đến nơi không thấy má đâu, hỏi ra mới biết má đã xuất viện.
Lòng tôi chợt ngùi ngùi. Má lúc nào cũng vậy, chỉ biết lo cho con chứ chẳng lo cho thân mình…
Hoàng Long