banner 728x90

Truyện ngắn: Mạ ơi

10/09/2024 Lượt xem: 2412

Ba mất sớm, con cháu ở xa, mạ sống một mình ở quê. Khi gia đình anh chị có cái ăn cái mặc tương đối đủ đầy thì mạ đã già yếu. Vợ chồng anh muốn đưa mạ vô thành phố ở cùng, nhưng mạ nói còn vườn tược, mồ mả tổ tiên ai lo, với lại mạ quê mùa, không quen ở thành phố ồn ào, khói bụi, đắt đỏ. Mấy đứa em cũng xúm vào thuyết phục, nói mãi mà mạ không nói lại câu nào nên đành thôi.

Thương mạ, lễ, Tết, bão lụt, mùa lạnh, hoặc thi thoảng có ai về quê thì vợ anh chủ động gửi về cho mạ áo quần, khăn ấm, đường, sữa, bột ngọt... và một ít tiền. Việc này như thành một thông lệ. Anh biết ơn vợ nhưng để trong lòng không nói ra. Khổ nỗi, mạ chi tiêu quá tằn tiện, có mua cá ăn thì cũng chỉ mua cá cơm, cá nục, cây trái trong vườn bòn mót bán được thứ gì cũng lụm cụm gói ghém cẩn thận từng đồng bạc lẻ và cất giấu kỹ tận đáy tủ, không dám tiêu pha như người khác. Nhiều thứ quà của chị gửi về, mạ chỉ đem khoe với họ hàng, láng giềng rồi cất để dành, không hề đụng tới. Anh bảo: “Thôi em đừng gửi nữa, hôm trước đứa cháu họ mới điện vào cho anh nói, chú thím ơi, mấy thứ đó mệ cất mãi trong rương, cháu xem kỹ nó hết hạn rồi”. Chị buông một câu: “Bà thiệt là...” rồi ngồi im không nói nữa, nét mặt chị đượm buồn, có chút phảng phất khó chịu.

Lần về quê mới đây để chạp mả họ, vợ chồng mấy đứa em ở xa cũng về, anh gọi dâu rể lại họp gia đình, nói anh chị ở xa lo tiền, đứa nào sắp xếp được công việc thì sớm đưa mạ vô trong Nam làm cho mạ hai hàm răng giả loại tốt. Mạ cười móm mém hỏi: “Hết bao nhiêu tiền bây?”. Thằng em út nói ước khoảng vài chục triệu đồng cho bộ răng tốt đó mạ. Mạ cười, hai hàm chỉ còn lợi, nói: “Cả đời tau và ba chúng mày nuôi 3 trai, 2 gái, giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, cũng nhà cao cửa rộng mà chưa bao giờ trong nhà mạ có vài triệu, khoai sắn hàng ngày thế mà đứa con nào cũng lớn bằng người, được học hành tử tế. Tau già rồi, sống được bao lâu cần chi răng với cỏ cho tốn tiền, ăn uống trệu trạo cũng qua bữa. Thôi, các con để mấy chục triệu đó nuôi các cháu ăn học cho thành người”. Khuyên mãi không được, cả năm anh chị em ngồi lặng người, thương mạ không nói thành lời. Thế là ý định muốn có một chút báo hiếu cho mạ vào cuối đời của mấy anh em không thành. Ai cũng buồn.

Lần anh nhân tiện đi công tác, ghé qua quê, đưa mạ vào đây chơi với con cháu. Thương mạ một đời khổ, sáng nào anh chị cũng đưa mạ đi ăn quán ngon. Ngày thứ nhất đến nhà hàng, mạ nói ồn ào quá, rồi hỏi đi hỏi lại một ly cà phê bao nhiêu tiền. Ngày thứ hai đến nhà hàng khác mạ nói vô chi chỗ sang trọng cho tốn tiền rồi hỏi có bánh canh không. Vợ anh chọn món ngon, mời mạ ăn, mạ nói ở quê ăn sáng bằng bánh canh là sang rồi. Ngày thứ ba, nhân có cô gái út đang học đại học về, cả nhà ríu rít bàn đến chỗ nào ngon ngon, có món phù hợp với ở quê mình, thì mạ nói các con đi đi, mạ ăn hàng quán lạ bụng lắm, ở nhà ăn chút cơm nguội còn hôm qua kẻo uổng. Cả nhà thất vọng tràn trề, thuyết phục mạ cách chi cũng không được. Con út nói mệ làm cả nhà mất vui, anh lừ mắt, nó ngúc ngoắc bỏ đi, mặt buồn xo. Chị gọi lại dỗ dành con gái rồi khuyên phải học đức tính của mệ luôn luôn tự lập, không lệ thuộc ai, biết tiết kiệm chi tiêu, sống trong sạch và nhân hậu để sau này ra với đời con ạ.

Ngày mạ mất đột ngột, cả nhà vội vàng lên tàu hỏa lúc nửa đêm, gặp mưa to, đường tắc, nằm chờ nhà tàu giải quyết sự cố mãi đến tối mịt ngày hôm sau mới đến quê. Chưa kịp vào ngõ, đứa cháu chạy ra nói chú thím và mấy em vào mau mau, vuốt mắt mấy lần mà mệ chưa chịu nhắm, chắc chờ nhà chú thím và các em về.

Hôm đưa mạ lên đồi, mấy đứa cháu khuân một bao tải áo quần của mạ để hóa lửa. Khi mở ra, đứa cháu gái gọi chị lại nói, đây, những bộ áo quần đẹp của thím may gửi về cho mệ, mệ chỉ mang khi đi ăn giỗ, ăn cưới để khoe của con dâu trong Nam gửi về, rồi lại cất vào rương, dặn khi nào mệ chết mang theo cho mệ. Còn tiền bạc các chú thím gửi về cho, cùng với tiền bán cây trái trong vườn thì bao nhiêu năm nay mệ dành dụm gửi cho mỗi đứa cháu nội, ngoại một cuốn sổ tiết kiệm để thưởng công học hành.

Chị run run lật qua lật lại mấy bộ đồ đẹp mình may cho mẹ chồng bao nhiêu năm rồi mà thấy vẫn còn như mới, rồi lặng lẻ hóa lửa từng thứ một. Làn khói quyện với mùi nhang trầm thơm ngát nhẹ nhàng bay lên cao. Chị ngước nhìn theo, ở trên đó màu trời xanh biếc không một gợn mây, không kìm được nước mắt, chị khóc nức nở gọi: “Mạ ơi...”.

Thanh Mai

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top