Bất ngờ, nàng gặp lại anh. Anh có vẻ mập hơn, tuy vậy nước da trắng xanh và những cử động chậm chạp như người bị phù, lưng khom khom như đang gánh nặng. Không còn nữa vẻ rắn rỏi ngày nào. Gương mặt anh bừng sáng khi nhìn thấy nàng. Nhưng trong khoảnh khắc, ánh mắt trở lại lờ đờ và một cái nhếch mép ngượng nghịu: “Chào em !”.
Anh là người yêu cũ của nàng, với biết bao kỷ niệm say đắm của mối tình đầu. Hai người đã tính chuyện làm đám cưới sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định. Nhưng rồi, khi ra trường, chỉ có nàng xin được việc làm tại một công ty liên doanh. Khi đi làm, nàng mặc đồng phục váy áo xanh, sơ mi trắng, thêm chút son phấn, trông đẹp hẳn ra. Trong khi đó, anh phải lang thang hết trung tâm hỗ trợ sinh viên này đến các cơ sở dịch vụ giới thiệu việc làm khác mà chỉ nhận được những lời từ chối vì ngành Ngôn ngữ học của anh rất khó xin việc. Để có tiền trang trải chi phí hàng ngày, anh phải làm đủ thứ việc lặt vặt như bán báo, giao bánh mì, đưa cơm, phụ hồ... Những đồng tiền anh kiếm được thật nhỏ nhoi trong lúc vật giá leo thang.
Tuy nàng vẫn yêu anh, luôn động viên, khích lệ, sẵn sàng “trợ cấp” khi anh túng thiếu, nhưng sĩ diện đàn ông khiến anh luôn từ chối. Nửa đùa nửa thật, nàng nói, hãy coi như đây là món nợ, khi nào anh giàu có sẽ trả lại cho nàng. Nhưng anh vẫn cương quyết lắc đầu, nhắc lại cái triết lý anh đọc đâu đó: “Nợ nần còn tệ hại hơn nghèo đói!”.
Dạo ấy, thỉnh thoảng anh hay chờ nàng ở cổng công ty lúc tan sở. Sự khác biệt giữa họ quá rõ rệt. Trong khi anh nhếch nhác với bộ quần áo cũ mua ở vỉa hè thì nàng váy áo sang trọng. Những ánh mắt ngạc nhiên, dò hỏi, đôi khi kèm theo chế giễu của những người xung quanh khiến anh xấu hổ và mặc cảm. Còn nàng thì ngược lại, không thèm quan tâm, luôn vui vẻ bước vội về phía anh với nụ cười tươi rói trên môi: “Anh đợi em lâu chưa?”, rồi kéo tay anh: “Chúng mình đi nào!”. Anh đáp lại nụ cười của nàng trong sự ngượng nghịu không thể che giấu. Nỗi mặc cảm trong anh lớn dần, trở thành những lời hậm hực, dằn dỗi vô cớ... Các cuộc gặp gỡ vì thế dần trở nên gượng ép, nặng nề.
Một thời gian sau, anh tìm được việc làm gia sư cho một cô học trò lớp 12 tên Hà Trang. Được ba mẹ chiều chuộng nên Hà Trang ham chơi, lười biếng, kiêu kỳ... Nhưng bù lại, đồng lương khá hấp dẫn đã khiến anh cố gắng chịu đựng. Ngay từ những ngày đầu, Hà Trang không giấu diếm tình cảm của mình với chàng gia sư đẹp trai, dù biết anh đã có người yêu. Thời gian đầu, anh cương quyết khước từ sự săn đuổi quyết liệt của cô học trò trẻ. Nhưng Hà Trang đã dùng những chiêu thức mà một chàng trai chân chất như anh không thể ngờ. Mỗi khi anh đến nhà, cô đón anh trong bộ dạng một cô bé ngoan ngoãn, lễ phép và dịu dàng. Tiếp đó là sự chăm sóc tỉ mỉ dành cho thầy giáo trẻ. Ngay khi anh vừa đạp xe tới nhà, cô bé đưa thầy một cái khăn lạnh ướp nước hoa thơm phức, với nụ cười dễ thương: “Thầy lau mặt cho mát!”. Rồi một ly nước lạnh, khi thì táo ép, lúc cam vắt... đặt sẵn trên bàn. Giờ giải lao, chị giúp việc đưa lên đĩa trái cây tươi rói. Lúc đầu, anh còn ngượng ngập, nhưng dần thấy thích. Vậy là quen.
Như vô tình, những bữa cơm luôn dọn ra đúng lúc giờ học vừa kết thúc. Mùi thức ăn bốc lên ngào ngạt khiến cái dạ dày trống rỗng của anh cồn cào. Cả nhà cùng xúm vào mời chàng gia sư: “Nhân tiện, mời thầy dùng bữa cho vui”. Tất nhiên là anh từ chối. Nhưng những lời mời hết sức tha thiết, nhiệt tình. Hơn thế, những món ăn mà anh chưa từng được nếm qua một lần để biết vị của nó ra sao mà bày lên bàn ăn đẹp thế. Chắc là ngon lắm đây. Thôi thì... Thử nhận lời một lần, rồi hai lần... Riết rồi quen, anh trở thành khách ăn thường xuyên trong gia đình.
Rồi những món quà đắt tiền, mà nói như Hà Trang là phần thưởng của ba cô dành cho gia sư, cùng những buổi đi chơi đột xuất với cả nhà học trò mà anh không thể từ chối...
Dần dần, trong mắt anh, cô học trò khó ưa, bướng bỉnh ngày nào hóa ra cũng dễ thương chứ không đến nỗi. Hóa ra ông Hùng, bố Hà Trang cũng chân thành và thương người. Nói chuyện với ông, anh thấy có nhiều điều thú vị. Hóa ra, không phải cứ nhà giàu là kiêu ngạo, khinh người...
Cứ thế, quan hệ giữa anh và gia đình Hà Trang trở nên thân thiết hơn, gắn bó hơn. Thời gian anh ở nhà học trò dài hơn. Không biết từ khi nào, anh trở thành thành viên trong gia đình Trang. Thỉnh thoảng, ông Hùng nửa đùa nửa thật hỏi anh có muốn làm rể ông không? Nếu như thời gian đầu, anh cương quyết phản đối vì đã có người yêu thì dạo sau này, anh chỉ mỉm cười, kiểu không nhận lời mà cũng không từ chối.
Rời khỏi ngôi biệt thự sang trọng của ông Hùng, lê những bước chân nặng nhọc trở về căn nhà trọ nằm trong con hẻm tăm tối lầy lội, trong anh bắt đầu lởn vởn những ý nghĩ so sánh. Chao ôi, sự cách biệt giữa nơi anh đang sống và ngôi nhà mà anh vừa bước ra quá lớn. Trong khi ranh giới giữa chúng thật mỏng manh. Chỉ cần anh gật đầu, tất cả những gì anh mơ ước sẽ là của anh. Sự cám dỗ quá mạnh mẽ! Lý trí trong anh lại quá yếu đuối. Làm sao anh có thể thắng nổi chính mình?
Anh quyết định đến gặp nàng. Không quanh co rào đón, anh nói, anh rất quý tình yêu giữa anh và nàng. Mãi mãi, anh sẽ nâng niu nó trong trái tim mình. Nhưng anh không thể sống bằng quá khứ. Nàng hãy thông cảm và tha thứ cho anh. Hãy để anh ra đi...
Dù đau đớn, nàng vẫn nhận ra điều anh nói có lý. Anh có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, huống hồ hạnh phúc ấy ở trong tầm tay. Nàng đã không thể giúp anh thì cũng không nên cản trở anh.
Thời gian trôi qua. Khi nỗi đau dần nguôi, khi trái tim nàng không còn đau đớn khi nhớ về anh thì nàng nghe tin anh phải sống một cuộc sống tù túng, không có tự do, không có tình yêu bên một cô vợ ngoa ngoắt... Nhưng nàng đã không thể làm gì cho anh. Nàng cũng không có dịp nào gặp lại anh, dẫu chỉ để nói với anh một lời an ủi...
Mãi đến hôm nay, nàng và anh mới bất ngờ gặp nhau...
Phúc Nguyên