banner 728x90

Truyện ngắn: Gặp lại anh người con trai đất Quảng

04/11/2024 Lượt xem: 2349

Mùa hè năm ấy, lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng. Tôi nhận nhiệm vụ mẹ giao, đưa đứa em họ trở về nhà chú thím. Tôi vẫn nhớ như in cái nắng chang chang của Đà Nẵng khi tôi đến. Lẽ ra tôi trở về Vũng Tàu ngay, nhưng thím tôi một mực giữ tôi ở lại chơi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu ngày đó Đà Nẵng có cái gì hấp dẫn mà có thể giữ tôi lại gần một tháng trời. Những ngày cuối tuần, tôi được mấy đứa em họ đưa đi tham quan các danh lam thắng cảnh, còn lại phần lớn thời gian tôi loanh quanh trong nhà và ra cửa hàng bán ngư cụ của thím... Những ngày hè trôi qua thật êm ả và bình lặng đến mức gần như nhàm chán. Cho đến một ngày, trong nhà thím xuất hiện người khách lạ: một chàng trai Quảng Nam.

Nói cho đúng, anh chỉ là người lạ với tôi, vì anh là cháu gọi thím bằng dì. Anh là chỉ huy của một đồn biên phòng nào đó ở Tây Nguyên. Tôi nghe anh nói với thím, anh có 7 ngày phép, anh đã về quê nhà hết 4 ngày, còn 3 ngày cuối anh ra đây thăm dì... Thím tôi rộn rã hẳn lên và tíu tít với anh, quên bẵng cả tôi. Từ hôm anh đến, tôi chỉ giáp mặt anh vào bữa cơm có đông đủ cả nhà. Anh hào hứng kể chuyện Tây Nguyên bằng giọng nói đặc trưng xứ Quảng. Còn tôi thì im lặng không góp lời nào.

Ngày phép cuối cùng của anh đã đến. Trong bữa cơm trưa hôm đó, đột nhiên thím tôi tuyên bố: “Chiều ni thằng Đông có nhiệm vụ đưa con Thy đi lòng vòng Đà Nẵng cho nó biết thành phố. Mai mi lên rừng rồi. Mốt con Thy lại vô Vũng Tàu. Bữa chừ tau không rảnh mà đưa con Thy đi mô”. Tôi định lên tiếng phản ứng thì anh đã tiếp lời thím: “Dạ, xin tuân lệnh!”.

Không hào hứng với hảo ý của thím nhưng tôi không muốn làm bà phiền lòng. Đến khi yên vị đằng sau chiếc xe đạp cọc cạch quanh phố, tôi mới thực sự hối hận. Thật kỳ cục khi tự dưng đi dạo phố với một chàng trai xa lạ ở một thành phố xa lạ. Phố Đà Nẵng ngày ấy không rộng lớn như bây giờ. Đạp xe loanh quanh khoảng nửa giờ, thấm mệt nên anh ghé vào công viên, dựng xe bên bờ hồ nghỉ chân. Cảnh vật nơi đây thật tuyệt vời, những hàng liễu rũ đang trổ hoa nghiêng mình xuống mặt nước, gió hè đong đưa bóng lá lao xao. Tôi lẳng lặng tìm một ghế đá, ngồi bó gối nhìn trời mây, cây cỏ chứ chẳng biết nói chuyện gì. Còn cái giọng Quảng huyên thuyên lúc ở nhà thì đến đây sao cũng tắt ngấm. Chiều xuống thật chậm. Dường như mỗi người đang tự cảm nhận một Đà Nẵng theo cách riêng của mình. Thật đột ngột, anh nói: “Cho anh hôn em, nghen Thy?”. Tôi bị bất ngờ đến nỗi ngớ ra, nhưng rồi như một phản ứng tự nhiên theo bản năng, tôi bật nói: “Để làm gì?”. Anh cười: “Anh biết em sẽ nói như rứa”. Tôi nóng mặt, nhưng nhìn vẻ mặt chất phác của anh, tôi kìm lại. Tôi cúi nhặt viên sỏi ném xuống hồ. Mặt nước bị tôi làm xao động gợn sóng lăn tăn... Suốt quãng đường về nhà, chúng tôi không ai nói với ai lời nào.

Buổi sáng anh lên đường, cả nhà thím ai cũng đều có việc, chỉ có tôi rảnh rỗi để đưa anh ra bến xe đi Tây Nguyên. Tôi không còn nhớ mình đã nói những gì trong câu chuyện bâng quơ từ nhà ra bến xe mà anh lại bảo tôi là “một cô gái Huế kiêu kỳ”. Thời gian không còn nhiều để tôi tranh cãi nữa. Trước khi lên xe, anh đặt vào tay tôi một cuốn tập. Tôi chúc anh lên đường bình an và khi chiếc xe Renault cũ kỹ chạy bằng than từ từ chuyển bánh rồi mất hút ở cuối đường, tôi đạp xe về nhà.

Tôi đọc được những dòng này ở trang đầu cuốn tập: “Mến tặng Thy thay cho lời xin lỗi về điều bất nhã của anh đối với em, mong em hiểu và cảm thông cho một người lính”. Đọc tập bút ký, hiện ra trước mắt tôi một cuộc sống gian lao nơi núi rừng heo hút miền biên giới, những nguy hiểm rình rập, những bóng tối, những cô đơn, cả những khát khao đời thường... Tôi chợt nhận ra sự vô tâm của mình: tôi và anh không ai hỏi ai về địa chỉ của nhau để có một chiếc cầu liên lạc. Tôi bặt tin anh từ đó.     

23 năm sau... Tôi trở lại Đà Nẵng lần thứ hai. Dòng sông Hàn cuối thu buồn ảm đạm. Cả bầu trời thành phố mang một màu xám xịt trong buổi chiều mưa đưa tiễn thím tôi. Thím ra đi ở tuổi 63 sau hơn một năm trời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Theo di nguyện của thím, các con đưa thím về với quê nhà Hội An. Đoàn xe đưa linh cữu đi chầm chậm dưới làn mưa lất phất, quãng đường từ Đà Nẵng về khu nghĩa trang của họ tộc bên thím tôi dài hơn 30 cây số, đến nơi cũng đã xế chiều.

Khi mọi nghi thức tang lễ hoàn tất, tôi đốt thêm một nắm hương đi thắp cho các phần mộ chung quanh. Đi qua từng ngôi mộ, hương trên tay tôi vơi dần, còn một nén hương cuối cùng, tôi đứng sững lại, anh hiện ra trước mắt tôi...

Sự nghiệt ngã của vô thường đã xếp đặt cho chúng tôi gặp lại nhau như thế đó. Anh - vẫn khuôn mặt chất phác và nụ cười hiền nhìn tôi, Chắc hẳn anh cũng không ngờ có một ngày tôi lại đến nơi đây, tưởng chừng như nghe cái giọng Quảng của anh vọng đâu đó: “Chào em, cô gái Huế”.

Không biết tôi đã đứng lặng bên mộ anh bao lâu cho đến khi con gái thím tới gọi tôi về. Thắp thêm một nén hương cho anh, nó nói: “Thương anh Đông lắm chị à, anh hy sinh trong một trận truy quét Fulro, anh vẫn chưa kịp lập gia đình”...

Theo năm tháng ghi trên bia mộ, Đông về với đất đã tròn 10 năm.

Phúc Nguyên

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Quán café kết nối

Diệp không ngờ tình yêu lại đến với mình nhẹ nhàng như thế. Khi Lâm phải đi công tác xa 2 tuần, Diệp mới thấy anh ảnh hưởng nhiều với mình đến vậy. Cô nôn nao đếm từng ngày Lâm trở về, nghĩ đến lúc gặp lại anh mà nghe lòng mình ấm áp.

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.
Top