banner 728x90

Truyện ngắn: Dòng tên anh khắc vào đá núi

15/10/2024 Lượt xem: 2415

“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi/Mây ngàn hóa bóng cây che…”.

Cả hội trường lặng phắt. Giọng người ca sĩ trầm ấm, đang thì thầm câu chuyện về những người con của Tổ quốc đã nằm lại ở một góc trời biên giới... Nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Bao giờ cũng vậy, bất cứ khi nào, ở đâu, khi bài hát “Màu hoa đỏ” cất lên, tôi lại không cầm được nước mắt. Bởi vì anh, người yêu đầu tiên của tôi cũng đã ra đi và mãi mãi không trở về...

Năm ấy, khi tôi đang học lớp 12, có đoàn sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Sư phạm về trường tôi thực tập. Hôm đó, tôi đi học trễ. Trong khi cắm cúi chạy lên cầu thang, tôi va phải một người, làm cái cặp trên tay anh rơi xuống đất. Biết mình có lỗi, nhưng vì vội quá nên tôi vẫn chạy tiếp, chỉ kịp nói với lại một câu: “Nhặt giùm lên đi! Bữa khác sẽ xin lỗi sau!”. Người đó mỉm cười hiền lành: “Nhớ bữa khác đó nghen!”. 

Mấy phút sau, tôi tròn mắt khi cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp cùng với anh, người mà tôi va phải trên cầu thang. Cô giới thiệu: “Đây là thầy Hoàng, sẽ chủ nhiệm lớp chúng ta trong thời gian tới!”. Ánh mắt của anh lướt qua cả lớp, hình như dừng lại hơi lâu trên gương mặt tôi. 

Thầy dạy Văn, môn học mà tôi ghét nhất. Song, thật kỳ lạ, chỉ ngay trong buổi đầu tiên, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, thầy đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho cả lớp. Những bài thơ được thầy đọc bằng chất giọng ngân nga, đầy biểu cảm, gieo vào lòng tôi một cảm xúc khác lạ, êm dịu và da diết, khác với cách giảng khô khan của thầy Toàn. Thầy thường đưa ra nhiều ví dụ trích dẫn từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Nhờ vậy, tôi có thể hình dung ngay vẻ đẹp của những câu thơ, bài văn mà trước đó, dù đọc đi đọc lại cả chục lần tôi cũng chẳng thể thuộc. Thầy còn biết cách đưa thêm những tình tiết mới mẻ về cuộc đời tác giả. Tôi còn nhớ, dạo ấy tôi học mãi mà không thuộc được bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Thế mà, chỉ cần vài phút thầy “lạc đề” với bài thơ “Lá diêu bông” của cùng tác giả, ngày hôm sau, tôi đã có thể đọc làu làu bài thơ ấy. 

Thầy đã biến những giờ học buồn tẻ thành những buổi bình văn sôi động và hấp dẫn. Từ đó, tôi luôn ngóng chờ tiết văn. Lần đầu tiên trong nhiều năm học, tôi được điểm 7, rồi điểm 8 môn tập làm văn, với lời phê nắn nót của anh: “Bài viết giàu cảm xúc!”, “Có sáng tạo, súc tích. Chú ý tránh lan man”... Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ đỏ mềm mại, rồi nhìn hai chữ “lan man”, mơ màng: Làm sao mà tôi không lan man được khi trong bài văn ấy của tôi luôn thấp thoáng nụ cười hiền lành và giọng nói ấm áp của anh...

Một buổi chiều Chủ nhật, tôi tranh thủ đến nhà khách thăm thầy. Thầy có vẻ rất vui khi mở cửa: 

- A! Cô bé hay đi trễ! 

- Em... Em muốn xin lỗi... thầy, chuyện bữa trước... - Tôi lúng túng.

- Sao cứ thầy hoài! Em chỉ bằng tuổi em gái tôi ở quê!

- Vậy, em gọi thầy là anh, nghen - Tôi mạnh dạn.

Anh gật đầu, mỉm cười. 

Chúng tôi đã có nhiều buổi chiều thú vị sau đó. Anh hỏi thăm tôi về gia đình, ba má. Anh nói, thật ra, ngay hôm đầu tiên anh đã chú ý đến tôi vì tôi rất giống cô em của anh, cũng trắng trẻo, xinh xắn và... hay đi học trễ... Anh cười cười, nhìn tôi láu lỉnh. 

Song, anh chỉ say sưa với những bài giảng của chúng tôi một thời gian ngắn nữa. Chiến tranh biên giới nổ ra. Nhóm sinh viên của anh được lệnh quay trở lại trường. Ít lâu sau tôi nghe tin, các anh, dù chưa kịp tốt nghiệp, cùng viết đơn tình nguyện xin ra chiến trường. Tôi đã bỏ một buổi học, đạp xe hơn 10 cây số dưới trời mưa lạnh để đến nơi tập kết. Anh nhận ra tôi ngay trong số hàng trăm khuôn mặt chen chúc nhau ở đó. Ánh mắt anh nhìn tôi đăm đắm: “Ráng học giỏi nghen! Và nhớ là đừng đi trễ nữa đó!”. Tôi gật đầu, cả khuôn mặt nhạt nhòa trong mưa và nước mắt... 

Tôi hay nhận được thư anh, những lá thư dạt dào tình cảm của một người đi xa. Thư nào anh cũng nhắc: “Chờ anh nhé! Nhất định anh sẽ trở về!”. Tôi đọc đến thuộc lòng mà lần nào mắt cũng nhòe nước vì hạnh phúc... 

...Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tôi biết điều đó qua những bản tin thời sự mà chiều nào đài phát thanh cũng truyền đi. Trong nỗi chờ mong khắc khoải, tôi vẫn lao đầu vào ôn tập ngày đêm để thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Tôi muốn trở thành đồng nghiệp của anh...

Song, anh đã không trở về như đã hứa. Đồng đội báo tin anh hy sinh trong một đợt pháo kích. Dòng tên anh, bạn bè đã khắc vào đá núi. Ở nơi đó, những buổi chiều, ánh hoàng hôn thường cháy đỏ, loang mãi một khoảng trời bao la của biên giới...

Hương Lan

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.
Top