Đợi người trong hội chiều nay;
Ngả nghiêng cái nắng cũng say bóng tròn.
“Mình còn son, ta cũng còn son”.
Mà sao chẳng tới; Quả còn hẫng tay...
Người đàn ông đen đúa, mái tóc bờm xờm, khoác chiếc áo bộ đội cũ kĩ, nhàu nhò, vừa đi vừa ngân nga những câu thơ úa màu bụi đất, úa màu nỗi buồn.
Trong đám lễ hội nô nức này, đôi mắt đã có nét mờ đục của ông cứ dõi nhìn về phía con đường đất đầy bụi đỏ, con đường ngoằn ngoèo len lỏi giữa những vạt đất trống hoang vắng đầy cỏ dại. Ông tìm ai, giữa đám đông ồn ào này? Chả biết nữa.
Có hai người đi trước ông. Dòng thác mùa này không ầm ĩ xô chảy, mà chỉ còn róc rách êm êm. Vài đôi bạn dắt nhau đi dọc thác. Đôi trẻ chụp ảnh cho nhau, rồi cười ròn rã. Đôi trung trung thì ngồi bên mé nước, người đàn ông lấy tay khoát nước, rửa mặt và lấy ra chai rượu, trong khi người phụ nữ đi cùng thì bày trên chiếc khăn vải lanh mềm mại vỏn vẹn có một gói xôi, một chai nước và một gói thịt gà luộc... Hai người khẽ khàng chăm sóc cho nhau, trong ánh mắt nồng nàn của người phụ nữ...
Người đàn ông thoắt bỗng ngừng ê a khi nhìn thấy ánh mắt đầy vẻ ân cần, chăm chút ấy. Hình như ánh mắt nồng nàn ấy đốt lòng ông bởi một kỷ niệm nào xa xưa khi mà ông cũng như họ bây giờ…
Ông đi qua đám mổ trâu. Mấy người đàn ông đang xả thịt con trâu mộng. Bếp lửa đỏ rực. Chiếc bàn gỗ có bó tỏi xanh tốt, lá nõn nà. Mùi khói bếp, mùi thịt, mùi rượu cay nồng, như xé lưỡi… Ông đi qua đám quay heo. Những tảng thịt vàng ươm, thơm mùi lá mắc mật. Mấy ông già lao xao kéo ông vào. Nhấp một ngụm to rượu, ăn một miếng thịt, ông lại vơ vẩn đi sâu vào trong đám thi giã bánh dày, bánh chưng. Những bắp tay con trai, những eo thon con gái, những áo chàm xanh thẫm, những má hồng mắt đen lúng liếng hay e thẹn ngập ngừng... Tiếng nói, tiếng cười rộn rã mà sao chưa nghe thấy câu sli, câu lượn ngày nào...
Làn gió ào qua. Bụi đất mờ con đường trước mặt. Mờ con đường sau lưng.
Ngụm rượu mèo của đôi bạn mời khi nhờ ông bấm giùm họ kiểu ảnh dường như đang ngấm. Đầu ông lâng lâng. Ánh mắt nhòe mờ. Và giọng khàn rè trong nỗi niềm thổn thức. Bà ấy - người bạn tình lỡ dở một thời của ông - Sao mãi vẫn chưa đến? Triền đồi phía bên kia, nơi đã từng in cái chấm áo chàm xiêu xiêu của bà ngày nào - sao chiều nay nhiều nắng thế... Loáng những nắng là nắng. Nhưng nhức. Nhoi nhói và cứ lễnh loãng những làn khói bếp của mấy người bán bắp luộc khi chiều.
Hũ măng chua ngâm ớt và mắc mật ông đã tự tay làm, để đem cho bà. Quả còn ngày nào ông ném bà bắt được rồi trao lại cho ông. Bó rau bò khai xanh mởn ông hái ven suối và cả nhánh tỏi non mà ông nhổ nơi góc vườn... Tất cả là để cho cuộc gặp gỡ bà hôm nay. Một năm có mỗi tháng Giêng. Một tháng Giêng có mỗi ngày này có chợ để cho mình gặp nhau... Mà sao bà vẫn chưa đến, bà ơi?
“Nhì à... Nhòi ờ....” (này này, em ơi...)
Câu sli nào cứ bảng lảng trong đầu ông… Ông nhìn ra phía bên kia triền núi, lão bạn khi nãy đứng chờ cùng ông đã gặp được bạn. Họ dắt tay nhau ngược lên trên con dốc, nơi mà giờ bóng núi đã ngả gần hết vạt cỏ vàng xuộm. Nhấp một ngụm rượu, ông lặng ngồi, đăm đắm nhìn sang phía bên kia triền núi.
Ngày ấy, ông và bà ở hai bản cách nhau có một con suối nhỏ. Lớn lên cùng nhau, chăn trâu, kiếm củi… rồi đi học cùng nhau. Cả hai “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Ông không dám nói. Còn bà, cũng không dám mở lời. Cứ thế, cho đến khi Quân, gã bạn thân của ông, đi bộ đội về được một tuần đã nhờ người mối sang hỏi bà về làm dâu. Bà đã nhận lời. Không biết vì tự ái khi thấy ông cứ lẳng lặng, im im, hay vì cái vẻ rạng rỡ và hai chữ “bộ đội” của Quân nữa. Sau đó, ông xin đi thoát ly và rồi cũng lấy vợ - cô bạn cùng cơ quan. Thời gian như nước suối bào mòn viên đá, rồi công việc bề bộn với những lo toan thường nhật… khiến ông dường như quên đi câu chuyện buồn của mình. Chỉ những dịp như thế này, hình ảnh bà với mối cảm tình dở dang lại ùa về, khiến lòng ông bổi hổi. Và thế là tờ mờ sáng ông đã đeo cái tay nải hòa vào dòng người đến phiên chợ này. Vợ ông cũng đã đi. Bà ấy cũng có người của bà ấy. Ông không buồn, vì từ xa xưa, các người già cũng đã như vậy rồi. Mình có bạn, bà ấy cũng có bạn. Bằng nhau mà. Biết là không thay đổi được gì, nhưng tục lệ này giúp ông được nói ra những điều hồi trẻ ông đã không nói được…
- Ông ơi! Về đi! Tối nhiều rồi!
Ông ngửng lên. Vợ ông đang đứng trước mặt. Vai đeo túi vải chàm đã cũ, không nhìn ông cũng biết có chai rượu, mấy cái bánh ngải xanh xanh và cuộn sợi đay tước dở.
- Về đi, đừng đợi nữa. Chắc chị ấy không đến rồi.
Vừa cúi xuống gỡ hoa cỏ bám đầy trên vạt váy, bà nói, giọng nhẹ như gió thoảng:
- Mỗi năm một tuổi. Cái lưng không còn thẳng, cái chân run rồi… Có đi cũng khó. Chả biết hội sau mình còn đi được không…
Ngoảnh nhìn lần nữa khoảng sân trống giờ chỉ còn đôi người đang vội vã ra về, ông lững thững đi sau vợ. Bà quay lại, nắm tay ông. Làn gió núi tràn về đùa rối cả hai mái tóc đã nhuốm bạc của hai người. Bà cất giọng khẽ thủ thỉ câu sli:
Hôm qua em đi chợ về muộn
Giơ tay vẫy ông mặt trời không trở lại”
Thốt nhiên, ông bấu chặt vai bà, rên lên:
- Mình đừng hát câu hát ấy nữa. Buồn lắm. Tôi xin mình hát câu nào vui đi.
- Ừ, tôi nghe mình đây: Mình à… hai chúng mình… Mình à… Tình cảm không bán đâu mình nhé.
Giọng bà nhẹ thênh thênh. Bất giác ông cũng ư ư hát theo.
Bóng núi sẫm tím dịu dàng. Và gió lại lao xao lao xao…
Ngọc Mai