banner 728x90

Truyện ngắn: Đi lên… bằng tình yêu đích thực

12/11/2024 Lượt xem: 2395

Khi công trường xây dựng về dựng lán trại cạnh làng Khộp để thi công khách sạn Hương Thầm thì cũng là lúc chàng Linh đẹp trai ở phố thị được tuyển về làm bảo vệ. Đêm thức canh vật liệu xi măng, sắt thép, ngày rảnh, cậu ôm điện thoại di động chát chít, phây phiếc hoặc đánh bài tá lả với người rảnh việc.

Làng Khộp nửa miền núi, nửa trung du, kiểu bán sơn địa, chỉ còn một cây khộp già đứng đơn độc cạnh bìa làng. Quanh năm suốt tháng, mấy chục nóc nhà làng này nhìn mặt nhau, ít có khách lạ, thì nay bừng lên mát mẻ như có ngọn gió mới. Con gái của làng hễ ra ngoài là dịp tìm cớ đi qua đi lại đá mắt vào mấy chàng thanh niên áo xanh công nhân công trường đang làm việc. Trong số ấy có cô Giang người nhỏ nhắn, cặp mắt đen láy, nước da bánh mật chiều nào cũng bồng em lượn qua cổng bảo vệ, vì thế được Linh để ý nhất. Một hôm, Linh nói với đám bạn như đinh đóng cột: “Con nhỏ đó của tao, tao chấm xí phần rồi đó, đừng đứa nào đụng vào nha, ba tháng sau tao cưới”. Cả đám tưởng nó nói giỡn, cười giễu, thách “nếu đúng vậy thì bọn tao chung chi hai chục thùng bia Sài Gòn cho ngày vui đó”.

Tưởng chuyện nói đùa, ai dè chưa đầy ba tháng sau, Linh - Giang chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng chạy suốt mấy ngày liền đi gửi thiệp hồng mời dự đám cưới. Dẫu biết rằng cưới vợ phải cưới liền tay, nhưng thấy gấp rút như kiểu đi đánh trận vậy, ai cũng ngạc nhiên.

Linh làm bảo vệ, lương 2,7 triệu đồng/tháng, còn Giang không nghề ngỗng gì, trước đây suốt ngày giữ em cho má đi làm, thu nhập vợ chồng chỉ ba cọc ba đồng vậy nên ai cũng lo cặp vợ chồng trẻ con này làm sao sống được.

Nhà chồng cũng như nhà vợ phản đối kịch liệt, bố chồng ở quê còn bắn tin vào từ mặt thằng Linh. Không cho thì chúng mình vẫn cưới, lỡ “ăn cơm trước kẻng” rồi thì biết làm sao, trời sinh voi thì sinh cỏ, mình còn trẻ, sức dài vai rộng lo gì đói khổ, em cứ tin ở anh, rồi đâu sẽ vào đấy, Linh động viên Giang vậy.

Mấy tháng sau, bà mẹ chồng thương con trốn ông nhà đáp xe đò từ Huế vô xem thử chúng nó ăn ở thế nào. Chỉ thấy nhà cửa tuềnh toàng, tạm bợ, cô con dâu mặt búng ra sữa, mang cái bụng thè lè, hai chân sưng vù, vừa đi vừa nhai nhai bim bim thay bữa sáng. Trưa chỉ nấu một nồi cơm nhỏ, một món mặn, một món canh mà cô vợ trẻ cứ lóng ngóng hỏi đi hỏi lại mẹ chồng cách nấu canh cá, khi dọn canh ra cá liệt tanh muốn nôn, bà lắc đầu thở dài ngao ngán. Ở mấy ngày thì bà cáo bệnh, chủ động mua vé xe đò trở lại quê, không quên để lại trên đầu giường cho đứa cháu nội tương lai 5 triệu đồng. Khi ra đến cửa, bà ngồi thụp xuống đất khóc nức lên: “Linh ơi là Linh ơi, ai đày đọa con mà khổ rứa. Sống không nổi thì bồng bế nhau về Huế với mạ, con ơi”.

Tưởng cặp vợ chồng trẻ con này khổ mãi, rồi hạnh phúc cũng tan ra như bong bóng sau mưa, sống làm sao nổi khi họ chỉ có bốn bàn tay trắng. Thế mà chúng nó sống được đấy, thậm chí sống khỏe. Cưới nhau xong, cô vợ cấp tốc đi học nghề nấu đậu hũ, ngày một buổi quẩy gánh ra ngồi ở công trường dù trời nắng to hay mưa lớn, vèo một cái, công nhân bu tới là bán xong hai thùng đậu hũ, lãi hơn trăm ngàn. Linh thì siêng năng và có trách nhiệm hơn hồi độc thân, tối đi làm bảo vệ kho vật liệu, ban ngày cậu ta không còn đánh bài, uống rượu mà đi làm thêm nghề sửa ống nước, sửa điện, nuôi heo, trồng rau quanh vườn nhà trọ. Công việc tuy vất vả nhưng tiền thuê nhà, mua tivi, tủ lạnh, bếp ga và sắm sửa các thứ khác trong nhà cũng từ đó mà ra.

Một hôm, Linh bàn với Giang: “Hay em bỏ nghề bán đậu hũ, vợ chồng mình chuyển sang làm kinh doanh cây cảnh. Khách sạn và các tòa nhà chung cư cao tầng xây xong thì nhu cầu hoa cảnh để chưng trong nhà sẽ phát triển theo. Cô vợ há hốc miệng, mắt tròn mắt dẹt nhìn chồng, nhưng tin chồng nên cũng gật đầu đồng ý.

Với số vốn hơn ba chục triệu đồng tích cóp lâu nay, cộng với vay thêm mấy chục triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đôi vợ chồng trẻ vừa đi học nghề trồng cây cảnh vừa tập tọe nhân hàng trăm chậu giống họ xương rồng be bé như bát tiên, ngọc bích, quỳnh trắng, thanh long, lan càng cua, chuỗi ngọc bi, sen đá... quanh hiên nhà trọ. Tết đến thì họ đánh hàng hoa, cây cảnh từ Đồng Tháp ra, bán lại kiếm lời.

Thời gian trôi qua, làm ăn tấn tới, bán không kịp ươm cây, họ thuê đất bỏ hoang của làng làm chỗ phát triển thêm cả giống bon sai, mai... Con đường quyết chí xóa nghèo, tiến tới thành tỷ phú của đôi vợ chồng trẻ được sự ngưỡng mộ, nể phục của dân làng Khộp và anh chị em công nhân.

Sáng sáng, cặp vợ chồng trẻ bắc ghế ra vườn ngồi uống cà phê, thỏa thích ngắm cây, ngắm hoa. Nhìn những mầm non nhú lên xanh nõn, ánh nắng ban mai trùm lên vườn cây làm sắc hoa càng rực rỡ, cặp vợ chồng trẻ nhìn nhau cười, hy vọng mùa bội thu sắp tới.

Phúc Nguyên

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top