Danh vẫn thường không đúng hẹn trong những lần hẹn hò cùng tôi đi đâu đó. Những lần như thế tôi vẫn kiên nhẫn đợi anh trong căn nhà trọ của mình. Tôi không biết tại sao mình lại có thể chịu đựng những lần trễ hẹn như thế của anh? Cũng đôi khi tôi nhủ với lòng đó là lần cuối, nếu anh vẫn tiếp tục bắt tôi đợi mãi thì tôi sẽ nói lời chia tay. Tuy nhiên, dường như trong sâu thẳm của lòng mình, tôi vẫn mang một hy vọng mỏng manh là anh bận một việc gì đó quan trọng, và anh vẫn nôn nóng để được đến sớm chở tôi.
Hôm nay anh lại bắt tôi đợi.
Ông Hồng là chủ nhà trọ tôi thuê, ông có thêm nghề trồng hoa hồng, hoa cúc để bán trong các chợ. Ông đang tưới cây. Nước từ vòi phun lên, phản chiếu ánh sáng mặt trời tạo ra những tia đầy màu sắc. Tôi ngắm nhìn cảnh ông tưới vườn hồng mà quên đi thời gian đang trôi dần. Tôi bước ra vườn. Tiếng ông Hồng hỏi: “Hôm nay cháu về quê ? Trời tối thế này, đường xá lại xa, sao không để ngày mai hãy đi?”. Tôi lắc đầu: “Không đâu bác ạ. Cháu đi thăm bệnh một người bạn ở bệnh viện”. Rồi tôi loay hoay với những bông hồng trong vườn, tò mò hỏi: “Có khi nào vườn hồng không nở hoa không bác?”. Ông phì cười: “Nở ít hay nở nhiều thôi cháu ạ”. Ông Hồng tưới hết vườn cây, nắng đã không còn nữa mà anh không tới. Ông bảo: “Để bác kêu thằng Việt chở cháu đi cũng được. Chắc thằng Danh bận việc nên tới không được. Cháu cứ đi đi kẻo trễ, nếu Danh tới, bác bảo nó tới bệnh viện đón cháu”.
Hôm đó tôi giận như thể không có lần nào giận anh hơn thế nữa. Vậy mà mấy ngày sau anh xuất hiện chỗ tôi làm: “Hôm đó anh quên mất có hẹn đưa em đi thăm bạn. Anh xin lỗi nhé”. Một lời xin lỗi cho một lần thất hẹn là đủ. Tôi lại hài lòng vì có anh bên cạnh, được anh chở ra phố, đưa đi đâu đó ở ngoại ô vào ngày nghỉ. Tôi bấu víu vào tình yêu của anh mà không hiểu rằng anh có thật lòng yêu tôi không? Thậm chí tôi không hiểu tại sao mình chẳng đủ can đảm bứt lìa khỏi anh. Để lòng tôi thanh thản hơn, để khỏi hồi hộp mỗi lần anh lỗi hẹn.
Danh làm việc bên ngành xây dựng. Có thể nói, so với tuổi của anh thì anh là một người thành đạt. Anh là mẫu người lý tưởng để các cô gái chọn làm chồng. Anh là bóng cây mà tôi ngóng đợi, nương nhờ. Còn tôi chỉ là cô gái quê lên thành phố trọ học. Ba tôi mong tôi lấy được một người chồng ở thành phố, nhập hộ khẩu ở đây để khỏi níu đời nơi làng quê buồn bã. Nhà tôi nằm hút sâu trong một xóm nhỏ, nơi có con đường xe lửa Bắc Nam chạy qua. Trong những đêm khó ngủ, tôi nghe tiếng còi tàu trong đêm mà có cảm giác như mình là người đi xa trong những chuyến tàu đêm đó. Tôi có cả thời thơ ấu theo ba mẹ ra vườn trông cây mì, cây mía. Rồi ba bắt tôi đi học, hết lớp 9 trường xa lại lặn lội lên huyện học tiếp cấp 3. Con đường học hành của tôi chỉ dừng lại đó, vì trong xóm tôi, học đại học là chuyện chỉ có trong những giấc mơ. Việc lấy chồng thành phố để thoát khỏi làng quê nơi tôi ở cũng đã trở thành vấn đề thời sự.
Chị Duệ có tiệm may nhỏ khá đông khách, chị bảo tôi theo chị học nghề may. Tôi chẳng thiết tha gì nghề may, tôi chỉ mơ vào làm ở một công ty nhà nước. Cuối cùng thì tôi cũng vào được xí nghiệp may sau một thời gian học may ở tiệm chị Duệ.
Danh đã làm tôi chú ý ngay giây phút gặp anh đầu tiên. Dường như hôm đó tôi có uống chút ít bia trong buổi sinh nhật của Phương, cô bạn cùng làm xí nghiệp. Danh đưa tôi về trong đêm. Sau đó anh vẫn thường lui tới chỗ ở của tôi. Tình yêu như cơn gió rất lặng lẽ làm cho cuộc sống của tôi thay đổi.
Danh nói: “Em gắng đợi anh một thời gian, anh về Sài Gòn công tác, học tiếp bằng kỹ sư. Học xong, anh sẽ về cưới em”. Có người con gái nào lại không mơ ước được làm vợ người đàn ông mình thương yêu? Tôi không phải là ngoại lệ, tôi mơ có một gia đình êm ấm, nhưng dường như trong giấc mơ của tôi có một điều gì đó tính toán - tôi sẽ được nhập hộ khẩu thành phố? Nhưng lạ cho tôi chưa, khi nhìn vào trong mắt Danh, tôi nhận ra anh đang dối tôi. Có khi anh về, đang ở cùng thành phố với tôi, nhưng chẳng bao giờ anh gọi điện thoại hoặc tìm đến. Thỉnh thoảng anh tìm đến tôi mà không báo trước. Đi ăn, đi chơi, hát karaoke, uống cà phê… rồi anh lại đi. Lời hứa của anh trôi theo những ngày nắng, những chiều mưa.
Tôi cứ loay hoay như thế, không thoát ra được. Một mình tôi leo lên xe về quê mỗi chiều chủ nhật. Trước kia Danh vẫn đợi để chở tôi đi, còn giờ đây tôi có đợi mòn hơi, anh cũng sẽ trả lời: “Anh bận lắm”. Tôi cũng chẳng dám nói với anh: “Mình chia tay nhau đi”. Tôi cũng sợ anh nói điều đó với tôi, dù tôi biết rằng càng ngày anh đã đi về con đường khác, mỗi lúc mỗi xa xôi. Thậm chí, có khi mẹ tôi hỏi: “Sao lâu quá thằng Danh không tới nhà mình chơi?”, tôi cũng chỉ trả lời: “Anh đi Sài Gòn mẹ à?”. Nhưng tôi biết Danh chẳng đi Sài Gòn mà vẫn ở trong thành phố cùng tôi.
Rồi tôi quyết định chuyển nhà. Tôi về ở chung với Hoa, cô bạn làm việc cùng phân xưởng may công nghiệp. Hoa phụ tôi dọn những đồ lặt vặt. Hoa nói: “Rồi tao sẽ kiếm cho mày một anh chàng kỹ sư”. Tôi lắc đầu: “Thôi, có anh công nhân nào bình thường nhưng yêu mình hết lòng là được rồi”. Hoa thở dài: “Lương công nhân ba cọc ba đồng, lấy gì cho mình sắm sửa?”. Tôi mím môi: “Thì mình cũng chỉ là công nhân”.
Khi tôi rời khỏi nhà ông Hồng, ông có vẻ buồn: “Con nhỏ này, bộ chỗ này ở không vui sao mà y lại đi?”. Dù sao thì ở trọ lâu ngày, tôi cũng đã có ít nhiều kỷ niệm với vườn hồng của ông. Bỗng dưng tôi nói: “Bác cho cháu xin vài bông hồng để cháu cắm trong lọ”. Ông Hồng và tôi ra vườn, chỉ thấy một màu xanh lá. Ông chặc lưỡi: “Không hiểu tại sao vườn hồng không có một bông nào nở. Lạ quá”. Tôi nói: “Thôi vài hôm nữa cháu tới xin vậy” nhưng lòng tôi đang chùng xuống một nỗi buồn lạ. Không có đóa hoa nào trong vườn hồng ngày tôi rời xa.
Tôi ngoái nhìn căn nhà cũ. Tôi đi đây - Tôi nói thầm với căn nhà như thế. Rồi tôi tự hỏi Danh có đi tìm tôi không? Trong tôi vẫn mang hy vọng mong manh là anh sẽ đến. Nhưng vẫn mình tôi đang nhìn lần cuối vườn hồng không nở hoa.
Ngọc Mai