banner 728x90

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

21/09/2024 Lượt xem: 2420

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Tư Lý đến với nghề này rất tình cờ. Ba năm trước, nhà anh có mấy buồng chuối, mẹ đi bệnh viện nuôi cha, nhà không còn tiền nên anh chất lên xe, chở đi bán. Ai dè chuối vừa đến cổng chợ đã có người hỏi mua. Từ đó, thấy buôn chuối dễ kiếm tiền hơn làm thợ hồ, lại không bị nắng cháy da, vất vả nên Tư Lý quyết kiếm sống bằng nghề này. Suốt ngày xoay vần với quả chuối nên anh thông thạo đến mức có thể nói vanh vách về loại quả ấy. Bà Mười Rô bán trái cây bên cạnh phục anh lắm, cho rằng anh chịu khó tìm hiểu nên biết nhiều thứ. Cụ thể như anh biết quả chuối cung cấp nhiều kali, phốt pho, magiê, vitamin A, C, B... nên rất bổ dưỡng, giúp phát triển cơ thể, quân bình hệ thần kinh, tăng trưởng hệ xương và sức đề kháng.

Năm Vuông bán rau ở quầy đối diện. Cô nàng nhỏ hơn Tư Lý mấy tuổi, người hơi mập, tính tình hiền lành. Ở cái chợ nhỏ này, khi quen biết, người ta hay đùa giỡn qua lại.

Có lần anh Hai Lá, thường phụ giúp vợ bán hàng ở gần đó chọc:

-  Đã ba lăm, ba sáu tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ, làm chi cho cố vậy chú? Thôi, tui thấy chú lấy con Năm Vuông bán rau cho rồi. Hai đứa đẹp đôi à nhen!

Năm Vuông nghe vậy, mặt đỏ bừng nhưng giả vờ không biết chuyện gì, cúi đầu quay lơ. Còn Tư Lý nghe trêu thấy thích thích mà chẳng biết phải nói làm sao. Thực ra, trong lòng mình Tư Lý thương Năm Vuông lắm. Bán chuối ở hàng bên này nhưng anh cứ liếc sang bên kia. Anh chú ý từng động tác của cô nàng. Từ khi nghe Hai Lá đùa, Tư Lý càng để ý đến Năm Vuông, đêm về có bữa nằm mơ, muốn cưới cô nàng làm vợ nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Một bữa, nghe lời Hai Lá, Tư Lý mang một nải chuối thật to sang quầy Năm Vuông nói tặng cho bà cụ ở nhà, sau đó lân la, rồi ngồi xuống, bất ngờ nắm tay Năm Vuông, nói rất trân trọng:

- Năm à! Anh thương em! Bọn mình lấy nhau, thành vợ thành chồng được không?

- Trời, cái anh này! Họ nhìn kìa! - Năm Vuông đứng bật dậy, không bằng lòng, cũng không từ chối làm Tư Lý sượng sùng quay về quầy chuối của mình.

Khi gặp Hai Lá, mặt Tư Lý buồn xo. “Thua keo này bày keo khác!”, nói xong, một buổi chiều, Hai Lá bày cho Tư Lý viết một lá thư tình thật lâm ly, bày tỏ nỗi đau khổ vì yêu của mình. Tranh thủ quầy rau không có ai, Tư Lý liền mang sang. Thoạt đầu, Năm Vuông ngạc nhiên nhưng rồi tỏ ra miễn cưỡng, cầm lấy lá thư bỏ vào túi. Tuy nhiên, hôm sau, rồi hôm sau nữa, Tư Lý cố để ý nhưng thấy Năm Vuông tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Ba lá thư sau, Tư Lý cố viết mùi mẫn, song vẫn vậy. Tư Lý buồn, ra chợ bán chuối mà hồn để đâu đâu. “Sao vậy ta? Không ghét bỏ, cũng không đồng ý nghĩa là sao?”. Càng buồn, Tư Lý càng si. Một tháng, hai tháng trôi qua, chợ vẫn thế, người vẫn thế, còn Năm Vuông thì bên ngoài lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ nhưng khi Tư Lý hỏi chuyện yêu đương thì cô nàng liền nói tránh chuyện khác.

- Trường hợp ni lạ nghen! Tui chịu! - Hai Lá nói.

Một bữa, ngồi nghe chuyện, thấy thương Tư Lý nên vợ Hai Lá bảo:

- Tán gái gì mấy ông! Để đó tui!

Hôm sau, quanh khu vực bán chuối, bán rau, tin Tư Lý sắp lấy một cô nàng thợ may xinh đẹp làm vợ lan đi.

- Chà giấu kỹ quá ha! Chúc mừng nha! - Hai Lá chúc thật to. Mấy bà chủ các quầy hàng gần đó nghe chuyện cũng chúc mừng Tư Lý. Riêng Năm Vuông ngày hôm ấy không nói gì, mặt lúc nào cũng sa sầm. Sáng hôm sau, quầy rau Năm Vuông bỏ trống không bán, rồi ngày tiếp theo cũng không.

- Con nhỏ bị ốm! - Vợ Hai Lá bảo Tư Lý - Bây giờ chú đến thăm và nói thật đi!

Theo địa chỉ mà vợ Hai Lá hướng dẫn, Tư Lý đến nhà Năm Vuông, trên tay xách theo nải chuối. Nhà có hai người, nhưng mẹ Năm Vuông đi vắng nên cô nàng ra mở cửa. Mặt mày hốc hác, thấy Tư Lý, Năm Vuông liền hỏi cộc lốc:

- Anh đến đây làm gì? Chẳng phải anh sắp lấy cô thợ may rồi sao?

- Em à... Tư Lý ấp úng rồi từ từ thanh minh rằng mọi chuyện do vợ Hai Lá bịa ra. Nghe xong, Năm Vuông bất ngờ khóc òa, miệng thút thít:

- Hai đêm rồi em không ngủ được tí nào...

Không bỏ mất cơ hội, Tư Lý ôm chầm lấy người phụ nữ mà mình yêu thương. Một lát, anh hỏi:

- Sao anh ngỏ lời nhiều lần mà em không đồng ý?

- Thì cũng từ từ. Con gái mà! Hổng lẽ đồng ý ngay!

Giờ thì họ đã thành vợ thành chồng. Quầy rau và quầy chuối đã nhập thành một. Còn vợ Hai Lá mỗi khi nhắc lại chuyện này, giọng chị kéo dài:

- Tán gái... ái gì kiểu... mấy... ô ô ông! Đàn bà đâu phải ai cũng nghe nói thương là thương... ngay!

Bình Nguyên

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top