banner 728x90

Truyện ngắn: Chị tôi

28/07/2024 Lượt xem: 2400

Chị tôi, trong bộ đồ bệnh nhân, bước theo người y tá vào phòng mổ. Nhìn dáng liêu xiêu của chị, tôi thấy chạnh lòng mà không dám khóc. Năm mươi tuổi đời, xinh đẹp và độc thân. Giống như những bông hoa trưng trong mùa nắng, những cơn buồn nhiều hơn cuộc vui đã làm cho nhan sắc chị tàn phai nhanh dần theo năm tháng. Sống cởi mở với cuộc đời nhưng số phận vẫn như không buông tha cho chị. Một khối u nào đó, có lẽ hình thành từ những nỗi buồn lẻ loi trong nhiều năm tháng đã lớn dần lên trong người chị. Vài lần chị vẫn do dự chưa quyết định có nên cắt bỏ nó hay không, vì sự tồn tại của nó hơn 10 năm nay thật sự chưa phiền hà đến chị. Thế rồi, sau một đợt khám tổng quát và đến khám chi tiết, bác sĩ nói bằng một giọng thật nhẹ nhàng nhưng gây chấn động chẳng khác nào quan tòa vừa tuyên án tử hình đối với chị: Một khối u xơ tử cung cần cắt bỏ vì nó không còn chức năng gì nữa ngoài việc có thể chuyển sang ung thư và gây tử vong.

Chiều hôm qua, lúc hai chị em ngồi ở phòng khám, miệng chị mếu xệch, chực khóc: “Nên mổ không em?” Chao ôi, đó là câu hỏi khó trả lời nhất trong đời tôi. Thường ngày, tôi vẫn trả lời những bệnh nhân của mình bằng những câu hỏi hết sức tự tin và tế nhị: “Không sao đâu, mổ xong là hết bệnh”, “Bệnh này thường lắm, rất nhiều người đã mổ, nghỉ ngơi một thời gian thì bình phục hoàn toàn, không tai biến gì đâu”... Thế nhưng, với chị, sao tôi không có can đảm trả lời như vậy. Mỗi ca mổ đều là một sự can thiệp bất thường của bàn tay con người vào những chức năng sống của cơ thể, làm sao ai có thể chắc chắn được không có điều gì xảy ra.

Khi hai chị em ngồi đợi làm thủ tục nhập viện, chị đã nói với tôi: “Em ạ, hay là mình đi thẳng lên Đà Lạt chơi một chuyến rồi về Nha Trang quách cho rồi”. Lời đề nghị hấp dẫn ấy như thể dường như với chị, cuộc sống thật tươi đẹp, không biết gì là bệnh tật. Quả thật, chỉ cần bước ra khỏi Bệnh viện Từ Dũ, đón một chuyến xe đò thì đến tối chị em chúng tôi đã ở nhà ông anh mà lâu nay, vì bận rộn nên không có dịp đi thăm nhau. Chỉ một chuyến xe, chúng tôi có thể thoát khỏi cái thành phố bụi bặm nóng bức và tận hưởng một không khí mát lạnh của vùng cao nguyên; để rồi vài ngày sau, cuộc sống trở lại bình lặng như thành phố biển tôi đang sống; để rồi khối u vẫn cứ thỉnh thoảng cuộn lên những cơn mệt mỏi bất thường trong người chị như cơn sóng ngầm.

Mới sáng hôm qua, hai chị em còn đi siêu thị lựa thứ này thứ kia, chị ướm thử hết áo này áo nọ, tỉ mỉ chọn lựa từng màu son môi, từng chiếc túi xách. Mỗi lần vào thành phố, chị không bao giờ quên việc đi mua sắm, như luôn cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Mua sắm cho mình và mua quà cho mọi người trong nhà. Chị luôn có sở thích mua sắm và ăn hàng. Chị hay nói với tôi: “Cuộc sống là món ăn mà buồn vui như gia vị”. Mới sáng hôm qua, chị hồn nhiên bên những chiếc tủ kính như những cô gái mới lớn mà buổi chiều chị đã như một bà già, lưng còng hẳn xuống và vai so lại ủ rủ. Ngồi trên hàng ghế đợi, có lẽ chị cũng không nghĩ đến điều gì xa xôi quá hai bốn tiếng đồng hồ. Chị đang chờ nghe gọi tên mình, chờ thủ tục nhập viện, rồi sau đó sẽ chờ phẫu thuật, chờ kết quả. Cả phần đời còn lại như được quyết định bằng hai bốn tiếng đồng hồ nữa thôi. Tất cả quá khứ cũng trở nên vô nghĩa, tương lai thì miễn dự định. Vậy mà ngay trong chính thời khắc hai bốn tiếng đồng hồ này, chị không làm gì được cho mình, và tôi không biết làm gì cho chị ngoài việc ngồi chờ.

Sáng hôm qua, tôi chở chị đi mua chim phóng sinh. Có ai đó mách rằng phóng sinh chim sẽ được mạnh khỏe và sống lâu. Những con chim nhỏ bé bay lên cao bên trên tháp chùa Vĩnh Nghiêm trông thật dễ thương. Chúng bỗng gieo trong lòng tôi một niềm tin mạnh mẽ rằng chị tôi sẽ khỏi bệnh.

Cánh cửa tự động của phòng mổ khép lại sau lưng chị. Tôi có cảm tưởng mình không còn biết gì về chị nữa. Bây giờ có lẽ chị đang trả lời những câu hỏi của nhân viên gây mê. Những câu người ta thường hỏi cho đến lúc bệnh nhân không trả lời được nữa và chìm lỉm trong giấc ngủ của cơn tiền mê. Bây giờ, có lẽ bác sĩ đang “khai đao”. Tôi bỗng hoảng hốt. Dường như tôi đang lạc mất chị. Ngày ngày chị chăm sóc cho mọi người trong gia đình. Mọi thứ đều có bàn tay chăm chút của chị, nhưng dường như trong nhà không ai bận tâm đến những gì chị đã làm, cứ như một sự hiển nhiên. Bây giờ, thời gian như ngừng lại. Những kỷ niệm của tôi và chị như ngừng tại đây. Tôi không còn biết gì về chị nữa. Tôi nhìn quanh lục tìm, chỉ còn chiếc điện thoại di động của chị. Tôi cầm nó lên tay, cảm tưởng nó chực reo.

Xưa nay, tôi chưa bao giờ tò mò nhìn vào điện thoại của ai, vậy mà, bây giờ tôi hối hả lục tìm trong điện thoại của chị. Tôi hối hả nắm giữ những gì còn sót lại, có thể liên quan đến chị. Tôi đọc điện thoại của chị, như thể nó có thể nói cho tôi biết chị tôi bây giờ ra sao. Những cái tên riêng trong danh bạ không bỏ dấu, tôi chẳng biết ai ngoài một số người thân trong gia đình. Bỗng dưng trong tôi xuất hiện một ý tưởng ngớ ngẩn. Tôi muốn gởi đi một tin nhắn hàng loạt cho tất cả mọi người trong danh bạ: “Ai biết chị tôi bây giờ ra sao không?”. Tôi chợt oán ghét những cái tên này. Sao chẳng ai gọi đến một cú điện thoại nào hỏi thăm chị tôi cả. Tôi lục tìm tin nhắn. Tôi chợt sững người khi chợt thấy một mẩu tin mới nhất của một ai đó với cái tên được lưu là QD: “Can đảm lên, anh luôn ở bên cạnh em. Anh sẽ là người đầu tiên gọi cho em khi em tỉnh giấc”. Đọc xong tin nhắn, tôi vội vàng tắt điện thoại của chị. Tôi sợ nghe tiếng người đó gọi. Hiện giờ thì tôi chưa thể trả lời cho ai biết tình trạng của chị. Tôi sợ sẽ gây thất vọng cho một ai đó. Có lẽ, chị cũng muốn nghe được giọng nói của QD đầu tiên sau khi mình tỉnh thuốc mê. Bỗng dưng, tất cả những ý nghĩ của tôi về chị bây giờ tò mò chuyển sang một nhân vật khác. QD là ai, tôi chưa từng nghe chị nói. Một điều gì đó thôi thúc tôi bật mở điện thoại của chị trở lại. Tại sao tôi lại tắt điện thoại khi không còn biết chút gì về chị nữa sau khi chị bước qua cánh cửa phòng mổ. Thông tin duy nhất mà tôi còn biết về chị chỉ là chiếc điện thoại này thôi. Tôi lại bật lên. Một lời chào xuất hiện trên máy: “Chúc một ngày hạnh phúc”. Tội nghiệp chị của tôi. Chị đã ngày ngày tự chúc cho mình có một ngày hạnh phúc. Tôi bỗng chắp tay nói thầm. “Em chúc chị một ngày hạnh phúc”. Bỗng nhiên, bao nỗi lo lắng trong tôi tan biến. Tôi biết sau vài giờ nữa, chị sẽ được đưa ra khỏi phòng mổ, và tôi, mọi người trong gia đình, và cả QD nữa, sẽ có một ngày hạnh phúc.

Kim Phụng

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Áp thấp tan, ngày mai trời lại nắng

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng.

Truyện ngắn: Sự tích hoa xuyến chi

Đầu hạ, quả đồi lại được tô điểm thêm bằng những bông hoa xuyến chi bé nhỏ, tươi tắn. Những đêm trăng, trai, gái làng tôi lại ra đó hò hẹn. Anh Hòa cũng lấy hết can đảm để nói thật lòng mình với chị, rồi chị nhận lời yêu anh cũng trên quả đồi ngập đầy hoa xuyến chi.

Truyện ngắn: Đuổi nhau

Tôi đến tìm Vũ vào cuối chiều. Ông bảo vệ già nheo mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tên anh. Ông bảo vệ khoát tay: “Về lâu rồi! Đón con!”. Tôi thở dài. Vậy mà sáng nay, anh nhắn tin hẹn sẽ cùng tôi ra ngoại ô ăn tối.

Truyện ngắn: Cam chịu

Đêm nay trăng tròn. Bầu trời có nhiều đám mây, vầng trăng cứ lúc ẩn lúc hiện khiến cho đêm thêm huyền ảo. Tôi ngồi ở lan can nhà nhìn vầng trăng đang trôi trong mây. Bỗng dưng tôi nghĩ rằng Hường cũng đang ngồi đâu đó ngắm ánh trăng. Có thể Hường ngắm ánh trăng để nghĩ về quá khứ và sắp đặt cho tương lai cuộc sống của mình. Ngắm để hy vọng ngày về ánh trăng sẽ chiếu vọng vào căn nhà trên tầng cao chung cư của mình hay có thể là mãi mãi Hường sẽ không trở lại?

Truyện ngắn: Mai con sẽ về với mẹ

Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm.

Truyện ngắn: Rau muống biển

Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Top