Giữa tháng Chạp, mẹ giục tôi lặt lá mai cho kịp Tết. Công việc này hầu như năm nào tôi cũng đảm nhận. Mọi năm tôi làm rất nhanh, rất hứng khởi, bởi tôi không phải làm một mình mà luôn có bạn trai tôi gọi là “trợ lý”. Tháng Chạp nào “trợ lý” cũng sang nhà để cùng tôi lặt lá mai.
Nhưng năm đó, “trợ lý” đã ra nước ngoài học cao học. Khi chia tay cũng có rất nhiều nước mắt và bao nhiêu lời hứa hẹn. Thời gian đầu hai đứa xa nhau, thư đi tin lại thường xuyên. Ngày nào hộp mail của tôi cũng có thư người ấy với đầy ắp nhớ thương. Nhưng chỉ ít lâu sau, tin tức thưa dần, rồi chỉ còn là sự im lặng. Có đau khổ và tiếc nuối, nhưng tôi hiểu rằng, tôi chẳng thể dày vò mãi trái tim mình nên cũng nguôi ngoai dần.
Đó là lý do đã qua rằm tháng Chạp, mẹ giục lặt lá mai nhưng tôi cứ lần khần.
Khi đó, những vườn chung quanh, mai đã được lặt trụi lá. Cô Tâm hàng xóm sáng nào cũng quét lá mai trong vườn, thỉnh thoảng lại ngó qua hàng rào, hỏi với sang: “Bên cháu chưa lặt mai à?”. Tôi cười ngượng nghịu: “Dạ! Chắc để chiều rảnh cháu sẽ lặt!”. Cô Tâm gật đầu: “Ừ! Nhanh lên kẻo trễ! Tết lại không kịp ra hoa!”. Tôi nhìn lên những cây mai rậm rịt lá mà ngại. Nếu chỉ mình tôi lặt, biết bao giờ xong?
Ngày nào đi làm về tôi cũng đứng trước những gốc mai rậm rạp lá. Cô Tâm nói: “Nếu cháu bận, để thằng cháu của cô sang giúp!”. Tôi ngần ngại: “Được không cô? Rồi công cán thế nào? Biết trả anh ấy bao nhiêu?”. Cô Tâm xua tay: “Cháu khỏi lo chuyện đó”.
Anh chàng Tấn cháu cô Tâm có nước da sạm nắng và gương mặt hiền khô. Rõ ràng anh ta lớn tuổi hơn tôi nhưng vẫn cứ gọi tôi là cô Hai. Tôi đưa ra thỏa thuận: làm cả vườn 200.000 đồng. Tấn đồng ý ngay, không cò kè thêm bớt.
Ngay chiều hôm đó, Tấn bắt tay vào việc. Tôi nhìn Tấn làm mà phục. Hai tay anh thoăn thoắt lặt, rất nhanh và gọn. Vừa làm, Tấn vừa huýt sáo, toàn những bài quen thuộc: “Hành quân xa”, “Bài ca người lính”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”… Tôi buột miệng: “Trời ơi! Anh Tấn làm nhanh ghê! Mà anh huýt sáo cũng hay!”. Tấn cười: “Tại hồi ở đơn vị có mấy cây mai, Tết nào tôi cũng được phân công lặt lá nên rành”.
Thấy anh chàng này cũng khôi hài, tôi vào nhà lấy cái ghế đẩu để cùng lặt lá mai với Tấn. Tấn kể chuyện khá thu hút. Chuyện của Tấn là chuyện về đời lính mà anh vừa trải qua. Mộc mạc, chân chất nhưng rất có duyên. Đại loại như lần đầu nhận nhiệm vụ canh gác đã sợ… ma như thế nào. Chuyện hồi mới xa nhà, nhớ ba má quá, trốn ra sau hè khóc thút thít ra sao… Cứ thế, tôi chỉ mong Tấn lặt lá mai lâu lâu để còn được nghe anh kể chuyện.
Ngày thứ 3, mấy cây mai đã sạch lá, không thấy Tấn đâu. Chợt tôi nhìn ra xa, trong ánh chiều nhập nhoạng, bóng ai đó đang hì hụi đào xới ở góc vườn. Tấn? Đúng là Tấn!
Thấy tôi, anh có vẻ lúng túng: “Tôi nói với má cô Hai rồi, vườn mai đẹp vầy mà không ai chăm sóc nên tôi…”. Anh lúng túng tìm lời giải thích. Tôi trêu: “Được thôi! Nhưng má con tôi không có tiền trả công đâu”. Tấn cười ngượng nghịu: “Công xá gì cô Hai! Tôi giúp bà và cô thôi”.
Tấn dành mấy ngày thu dọn, chặt bớt cây thừa, lát gạch lối đi, đổ sỏi cát lên lối mòn nhỏ, quy hoạch lại đám đất gần như hoang dại của chúng tôi thành một khu vườn vuông vức. Đi làm về, tôi không thể nhận ra cảnh cũ. Những thảm cỏ xanh nõn bên các khóm hoa rực rỡ sắc màu: thạch thảo tím ngắt, cúc Đà Lạt trắng muốt, hoàng anh vàng tươi…, và ngay cổng là bụi chuỗi ngọc lúc lỉu trái. Song, má con tôi chưa kịp trả tiền công thì nghe cô Tâm nói Tấn đã về quê.
Tết năm đó, khách đến chơi nhà đều trầm trồ khen khu vườn. Ai cũng tò mò hỏi tôi làm cách nào mà nhanh đến vậy? Quả thực, sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của Tấn đã biến mảnh đất bỏ hoang sau nhà thành một vườn hoa tuyệt đẹp.
Sau Tết mấy ngày, Tấn sang nhà tôi từ sớm. Tôi trố mắt nhìn anh. Không còn dáng vẻ quê mùa trong bộ quần áo xanh đậm lụng thụng. Với chiếc sơ mi ca rô, quần tây màu ghi, trông Tấn chững chạc hẳn.
- Tôi muốn… muốn nhờ cô Hai một việc - Tấn đưa tay gãi đầu.
Tôi cố nén cười: “Anh nói đi! Nếu được, tôi sẽ giúp !”.
Mắt Tấn rạng rỡ: “Chuyện là, tôi không lấy tiền công. Vì cô Hai là cô giáo nên tôi muốn nhờ cô bày tôi học. Tôi định hè tới thi đại học”. Rồi Tấn ngượng nghịu: “Tôi có thể trả cô Hai tiền học phí…”. Tôi bật cười: “Không phải chuyện đó. Tôi chỉ sợ anh quên…”. Tấn vội ngắt lời: “Cô Hai khỏi lo. Ngày xưa tôi được giải khuyến khích toán thành phố đó. Với lại, tôi cũng ôn luyện thường xuyên”.
…Giờ Tấn là sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Sau giờ học, anh làm thuê cho các khu vườn để có tiền trang trải cuộc sống. Dù bận rộn, năm nào cũng vậy, cứ vào giữa tháng Chạp, anh đều dành thời gian về nhà, cùng tôi lặt lá mai…
Dịp hè năm ngoái, Tấn ngượng nghịu thú nhận, anh rất mong mùa xuân tới không chỉ cùng tôi lặt lá mai mà còn được cùng tôi đón Tết, cùng được gọi má tôi là má…
Sao tôi có thể từ chối được ánh mắt hết sức dịu dàng của anh khi đó?
Phúc Nguyên