banner 728x90

Truyện ngắn: Câu chuyện lính đảo

14/09/2024 Lượt xem: 2455

Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng những câu chuyện về những người lính đảo vẫn còn đọng mãi trong ký ức của mỗi người.

“…Hôm nay, sau gần một tháng đăng ký trên mục kết bạn, Hoàng nhận được một xấp thư dày cộm. Anh sĩ quan trực ban đưa thư cho Hoàng nói:

- Ai cũng như cậu thì ngành bưu điện phát tài.

Trong xấp thư đó, Hoàng phân ra từng loại tùy theo địa chỉ người gửi. Hoàng tìm được một lá thư của cô sinh viên từng là học sinh ở ngôi trường phổ thông thời Hoàng còn đi học. Hoàng sẽ hồi âm lá thư đặc biệt này cùng với hơn hai mươi lá thư khác. Còn lại, Hoàng nhờ đồng đội kết bạn giùm.

Hôm sau, trên đường ra bưu điện, Hoàng nhẩm tính: mỗi tháng mình gửi 30 lá thư, vậy là hết gần phần ba phụ cấp nhưng niềm vui nhận được thì gấp nghìn lần. Hoàng ngân nga lời một bài hát vui: “... thư của lính, thư không được dài như bài báo đâu em, thư của lính, ba lô kê làm bàn nên nét chữ nghiêng nghiêng...”.

Đơn vị của Hoàng đóng quân ở bán đảo Cam Ranh, là quân dự bị Trường Sa. Trong thư Hoàng tự giới thiệu là lính đảo (vì Hoàng sắp ra đảo). Vậy mà, có vài cô học trò tưởng Hoàng đang ở đảo nên hỏi đủ thứ chuyện về Trường Sa, có cô còn nhắn Hoàng gửi cho vài chiếc vỏ ốc làm kỷ niệm.

Trong những lá thư đó, có lá thư đặc biệt của cô sinh viên Y khoa (vốn là học sinh cùng trường với Hoàng) với giọng văn tinh nghịch làm Hoàng bận tâm hơn cả. Có một lần cô hỏi đùa: “Đơn vị anh có bao nhiêu khẩu pháo?”. Hoàng trả lời: “Đó là bí mật quân sự, không thể trả lời được”. Thư sau, cô hỏi lại: “Ý em hỏi là đơn vị anh có bao nhiêu người?”. Hoàng kể chuyện này cho cả đơn vị nghe, một người nói: “Anh hãy trả lời là pháo của tụi anh... tịt ngòi hết cả rồi”.

Đó cũng là người gửi thư đến đều đặn nhất. Từ con số hơn hai mươi người, dần dần chỉ còn lại dăm người thường xuyên gửi thư cho Hoàng, trong đó có cô sinh viên Y khoa đều đặn một tháng gửi hai lá.

Những người bạn cùng đơn vị vẫn thường xuyên liên lạc với bạn mới do Hoàng “phân công”. Có cậu Hải quê ở Bình Lục (Nam Hà) khoe với Hoàng: “Em với cô bạn đồng hương đã “cảm” nhau rồi, chúng em sẽ gặp nhau vào kỳ em nghỉ phép”. Hoàng cười thầm, té ra là mình đã trở thành ông mai bà mối khi bắt đầu đăng tin “kết bạn”.

 * * *

Hoàng được phân công ra đảo chìm. Đơn vị mới của Hoàng có các chiến sĩ quê ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với đủ giọng nói hòa vào nhau như bát canh đầy đủ gia vị thơm thảo.

Quân, quê ở Quảng Bình, giọng miền biển mặn mà, có lần đang ăn cơm nói:

 - Nhà mình ở quê có ngày làm được 2 “tôn”(*) muối.

Tuân quê ở Nam Định đùa lại:

- “Nại” một từ mới.

Hồng, quê ở Quảng Nam tếu:

- Hôm nào cũng “rứa”.

Cả đơn vị cười ầm át cả tiếng sóng biển đang vỗ bọt tung trắng xóa.

Hoàng lại nhận được thư của Hiền, cô sinh viên tinh nghịch. Thư Hiền viết: “... Anh Hoàng ơi, có con ốc biển nào không gửi kỷ niệm em vài con, chúng em chưa biết con ốc biển Trường Sa như thế nào?...”.

Hoàng ra biển đã một tháng mà chưa lặn biển lần nào. Hôm ấy, sau ca trực, Hoàng thử một lần xem sao. Biển sóng sánh, rặng san hô trước mắt Hoàng như thủy cung trong phim Tây du ký. Hoàng lượm được mấy con ốc to bằng bàn tay. Những con ốc này mà làm bàn cắm hoa thì tuyệt, chắc Hiền thích lắm. Hoàng chẳng biết tên loài ốc này là gì nên gọi tên là ốc Nàng Hương. Những con ốc vượt hàng nghìn cây số vào đất liền đến tận tay Hiền ở Thủ Đô.

Hôm nhận được lá thư Hiền chụp bên cánh đồng lúa, mái tóc Hiền buông xõa mượt mà. Nhìn cảnh và người, Hoàng nhớ đất liền đến nao lòng. Thèm được đầm mình trong làn nước sông cho thỏa nỗi thiếu nước ngọt. Ở đảo, mỗi ca nước phải dùng đến ba lần, sau rửa mặt là giặt và tưới cây.

Một năm trôi qua, Hoàng đã quen với Trường Sa mùa khô hạn và Trường Sa mùa mưa bão. Cả hai mùa đều đậm đặc nắng và gió như nỗi nhớ đất liền của lính đảo. Mùa gió bão, cả đơn vị như một tổ chim nằm chơ vơ trên ngọn cây. Sau bão, mặt biển yên bình như cánh đồng lúa đang thì con gái.

* * *

Mười tám tháng ở đảo như một chặng đường vượt thác trôi qua nhanh chóng. Chia tay đảo chìm có cái tên như cổ tích vào một ngày mặt biển yên bình, sóng vỗ lăn tăn như ánh mắt người đưa tiễn. Cả đảo ôm nhau bịn rịn người đi người ở. Tiến, quê Bắc Ninh hát bài “Người ở đừng về” trong tiếng ghi-ta bập bùng giai điệu thổn thức.

Trong ba lô hành lý của Hoàng có những lá thư mặn chát vị nước biển. Đó là những lá thư của Hoàng nhận được từ ngày ra đảo và những lá thư đồng đội gửi về cho người thân. Hoàng sẽ đến thăm từng gia đình đồng đội, từ cậu Thái quê ở Cam Ranh cho đến cậu Hải quê ở Hải Phòng. Hoàng sẽ ghé thăm nhà Hùng quê ở Quảng Nam và gặp cô em gái của Hùng mà trong thư đã nhận Hoàng làm anh kết nghĩa.

* * *

 Tại buổi lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Y thành phố, cô sinh viên Mai Hiền nhận được nhiều bông hoa chúc mừng cho thành tích tốt nghiệp loại giỏi của mình. Trong số những người lên tặng hoa đó, người ta thấy có một chiến sĩ hải quân khoác trên mình bộ quân phục bạc màu sóng biển.”

Những câu chuyện mộc mạc, giản đơn, xù xì như những rừng san hô dưới biển ấy, nhưng với mỗi chiến sĩ đã từng sống ngoài đảo, nó lại có sức sống mãnh liệt vô cùng. Lung linh, tỏa sáng trong trái tim mỗi người lính như mới hôm nào.

Phúc Nguyên

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top