Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu. Tôi cố nén tiếng thở dài: “Này! Anh cẩn thận nhé! Lái xe là ngại lắm!”. Anh ta không quay lại, nhún vai: “Chị đừng lo! Tôi từng là lính lái xe Trường Sơn”. Mình đang lo chuyện khác kia - Tôi tự nhủ. Nhưng 3 từ “lính lái xe” khiến tôi yên tâm hẳn.
Gần trưa, tôi hỏi: “Anh định ăn cơm ở đâu?”. Hỏi để mà liệu. Anh vẫn chăm chú nhìn đường: “À! Tự phục vụ! Tôi có gạo và nồi cá kho. Chốc ghé chợ, mua mớ rau”. Quay sang tôi, anh nháy mắt: “Chị khỏi lo phải “bao”. Tôi cười lảng, ngó lơ. Chao! Thời nay mà cũng có tài xế chê cơm quán?
Chúng tôi dừng lại ở một cánh rừng thông yên tĩnh, cạnh một con suối nhỏ. Trong khi tôi vươn vai, vặn người cho đỡ mỏi thì anh lôi ra một lô “đồ nghề”: 1 cái bếp dầu, 2 cái xoong, vài cái chén, 2 đôi đũa...
Tôi nhặt rau, anh vo gạo, bắc bếp. Nửa tiếng sau, mâm cơm dọn trên tờ báo, thơm phức mùi cá kho tiêu. “Mời chị!”. Tôi cười thầm, trông chúng tôi hệt như một cặp vợ chồng trẻ đang đi dã ngoại trong tuần trăng mật. Anh gắp cho tôi một khúc cá vàng ươm. “Kìa! Chị ăn đi chứ! Đừng khách sáo!”. Tôi gật đầu, chậm rãi ăn. Anh lại nói: “Cơm rau thôi! Không đáng là bao! Chị khỏi lo tính toán chi cho mệt”. Tôi cười ngượng nghịu nhưng chợt thấy nhẹ nhõm.
Khuya, anh cho xe tấp vào bên lề đường, tắt máy. “Nghỉ thôi!”. Tôi nhìn quanh. Vài nếp nhà tranh, những bụi tre, khóm chuối... Một xóm nhỏ bên đường. Chắc anh vào một nhà quen nào đó xin ngủ nhờ?
Nhưng không phải. Anh mở hông xe, đưa tôi chiếc chiếu: “Phần chị cái thùng xe. Chúc ngủ ngon!”. “Còn anh?”. Tôi hỏi, không giấu vẻ e ngại. Anh mỉm cười: “Lái xe mà! Ngủ đâu cũng là nhà. Ngả đâu cũng là giường”. Tôi đảo mắt xung quanh, anh sẽ chọn chỗ nào làm nhà, định ngả đâu làm giường giữa không gian mênh mông này? Mà thôi! Kệ anh ta. Tôi đang díp cả mắt đây.
Cái ghế dài sau cabin tuy không rộng nhưng cũng đủ cho tôi thẳng lưng. Chàng trai đồng hành leo lên nóc xe. Anh ta sẽ ngủ trên đó?
... Cơn buồn ngủ trong tôi chợt bay biến bởi những tiếng động, dù khẽ. Tiếng trải chăn xàn xạt. Tiếng cựa mình nhè nhẹ... Một lúc sau, tất cả im bặt. Tuy vậy, các tế bào thần kinh của tôi vẫn căng ra, cảnh giác. Tôi ngó chăm chăm vào ô cửa nhỏ, sẵn sàng bật dậy. Mãi đến gần sáng, tôi mới thiếp đi, mệt mỏi.
Một cảm giác kỳ lạ làm tôi tỉnh hẳn. Yên lặng quá. Không có những cú xóc, những cái lắc, nảy người lên. Tôi ngồi lên, ngó xuống. Cabin vắng không. Cảm giác lo ngại thắt ngang ngực. Anh chàng lái xe đâu rồi?
Lại một khu rừng thông xanh ngắt. Dưới gốc một cây thông già, người bạn đồng hành của tôi đang ngồi thảnh thơi. Nhưng anh không ngồi một mình. Bên cạnh là một thằng bé còm cõi. Hai cánh tay khẳng khiu của nó bị trói quặt ra sau bằng sợi dây dù. Không biết anh “nhặt” nó ở đâu?
Thằng bé hất mái tóc hoe nắng lên nhìn tôi bắng đôi mắt hằn học. Tôi hỏi: “Có chuyện gì thế?”. Anh tủm tỉm cười nhưng giọng thì nghiêm nghị: “Bắt quả tang chú nhóc này đang cắt bạt”. Tôi nhìn khuôn mặt xanh xao của thằng bé, thoáng chút thương hại. Chỉ toàn bàn ghế, sách và mấy thứ đồ nhựa vớ vẩn, chẳng đáng giá. Anh đặt tay lên chỏm vai nó, dịu giọng: “May cho chú mày là anh phát hiện nên dừng lại. Thôi! Bỏ cách kiếm ăn này đi!”. Thằng bé ngước đôi mắt to nhìn anh rồi cúi đầu, lí nhí: “Bà cháu bệnh, không có tiền mua thuốc”. Anh im lặng nhưng ánh mắt chợt đăm chiêu. Liệu có thể tin lời nó?
Chợt, anh quay sang, xốc thằng bé đứng dậy: “Nói dối hả? Lần thứ bao nhiêu rồi?”. Bất chợt nó òa khóc. Những tiếng nức nở đầy ấm ức như xé toạc bầu không khí yên tĩnh của rừng thông ban mai. Những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má nhem nhuốc: “Cháu nói thật! Cháu sẽ đưa chú về nhà...”.
Anh im lặng ngẫm nghĩ rồi từ tốn cởi trói cho thằng bé: “Thôi được! Tha cho nhóc lần này! Nhưng tái phạm là không thoát! Nhớ chưa?”. “Dạ nhớ ạ!”. Nó xoa xoa hai tay rồi đứng dậy, phóng thẳng. Bất ngờ, anh gọi giật lại: “Khoan! Đợi đấy!”. Nó chững lại, những bước chân ngập ngừng tiến lại gần. Anh rút ví, lấy ra 2 tờ giấy bạc màu xanh nõn: “Cầm lấy mua thuốc cho bà”. Thằng bé đứng sững, ngơ ngác mấy giây trước khi chìa hai bàn tay run rẩy về phía anh.
Đợi nó khuất sau những tán thông rậm rạp, tôi tủm tỉm: “Lái xe mà cũng sang nhỉ!”. Anh làm ra vẻ buồn rầu, nhìn tôi bằng ánh mắt van lơn: “Hai ngày tới chắc phải nhờ chủ hàng “bao ăn” thôi, chịu không?”. Tôi cười ngượng nghịu: “Chịu ngay! Cứ yên tâm!”.
Hương Lan