Trong thực tế, các nghi thức thờ cúng tổ tiên đang được phục hồi theo hướng phô trương, không phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Cũng do mức sống của một bộ phận cư dân cao hơn trước nên bày ra lễ thức cầu kỳ, làm mất đi tính thiêng liêng của tín ngưỡng. Ngày giỗ bày mâm cao cỗ đầy, ăn uống cười nói ầm ĩ đến mức việc cúng lễ chỉ là cái cớ.
Các nhà thờ họ thi nhau xây dựng, dòng họ dựng sau cố gắng ganh đua xây to hơn, bề thế hơn họ trước. Tư tưởng bản vị, đầu óc hẹp hòi, cổ hủ của người nông dân khi xưa lại hồi sinh đậm đặc hơn. Có những gia đình nghèo, kinh tế rất khó khăn, nhưng sợ dư luận hàng xóm cho là “bất hiếu” nên vẫn đành vay mượn để tuân theo các nghi thức cúng tế quá rườm rà lãng phí. Mặt khác, có thể nhận rõ tính chất vụ lợi trong việc thờ cúng hiện nay. Người ta sẵn sàng mua những đồ mã đắt tiền để đốt cho tổ tiên (ô tô, xe máy, đô la, quần áo…) chỉ để mong tổ tiên phù hộ, “cho” lại họ nhiều như thế. Thậm chí, nhiều người thờ tổ tiên chẳng phải vì lòng biết ơn (khi cha mẹ còn sống thì đối xử không tốt, nhưng khi biết chết lại cúng mâm cao cỗ đầy), mà chỉ để cầu sự phù trợ của người âm cho buôn may bán đắt, cầu trúng xổ số, trở nên giàu có…
Làm thế nào để phục hồi tín ngưỡng nhưng vẫn giữ được trong nó những giá trị nhân văn quý giá buổi ban đầu, và thích nghi, phù hợp với cuộc sống hiện đại, đó là điều rất đáng quan tâm./.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo