banner 728x90

Tháp Bình Sơn - Ngọn tháp bằng đất nung cao nhất còn lại tới ngày nay

02/08/2024 Lượt xem: 2469

Kiến trúc tháp Bình Sơn mang dấu ấn độc đáo, dù được xây dựng từ thời Lý-Trần vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn, và là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay.

Tháp Bình Sơn (Nguồn: Cổng thông tin giao tiếp điện tử huyện Sông Lô)

Tháp Bình Sơn tọa lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (tên chữ là Vĩnh Khánh tự, hay còn được gọi là chùa Bình Sơn, chùa Then) hiện nằm tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháp Bình Sơn được nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2015.

Kiến trúc tháp Bình Sơn được coi là một công trình mang dấu ấn độc đáo, dù được xây dựng từ thời Lý-Trần vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn, và là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay.

Tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí hài hòa là di tích lịch sử và nghệ thuật vào bậc nhất trên lãnh thổ Việt Nam.

Gần như không có thông tin lịch sử về tòa tháp, nhưng các truyền thuyết dân gian gắn với tòa tháp thì có khá nhiều như: Truyền thuyết cánh đồng Tháp ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô; truyền thuyết con vịt vàng; chuyện ông Đồ Chiêm, đài quan sát canô của Pháp...

Tương truyền tháp có 15 tầng, theo các cụ cao niên ở địa phương kể lại thì trước kia trên đỉnh tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung, tạo cho thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp.

Tháp có tổng cộng từ khoảng 13 đến 15 tầng, tuy nhiên trải qua thời gian, tác động của thiên nhiên và các lần tu bổ, hiện còn 11 tầng tháp và một tầng trệt. (Nguồn: Viện Khảo cổ)

Hiện nay, tháp còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tổng thể cao 16,5m.

Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn. Cạnh cửa tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh cửa tầng thứ 11 là 1,55m.

Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: một loại hình vuông có kích thước 22x22cm, một loại hình chữ nhật có kích thước 45x22cm.

Phần ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp.

Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành.

Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý-Trần (thế kỷ 7-8).

Các nghệ nhân khi xây dựng tháp đã dựa vào tầm nhìn của người chiêm ngưỡng mà trang trí hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ hay đơn giản... (Nguồn: Viện Khảo cổ)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, gạch dùng để xây dựng tháp Bình Sơn được nung với nhiệt độ cao. Để cho các viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng mà không cần vôi vữa, những người xây dựng tháp đã sáng tạo những phương pháp lắp ghép khá độc đáo.

Viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ.

Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ 2 viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp.

Chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau làm cho khách tham quan có cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn.

Tầng tháp thứ nhất cao 2,27m, cạnh 3,3m, bốn mặt đều hình tổ tò vò và có sáu chữ nhật dọc, đế nào cũng có ba ô tròn trạm rồng nổi, thân rồng uốn tròn, nằm trên một nền cúc dây.

Các ô rồng này lại được đặt nằm trong khung khắc chìm các cánh hoa cúc có hình dấu phẩy. Các đế có hình rồng này được trang trí lá đề, hoa dây cuốn nổi.

Tầng tháp thứ hai cao 1,68m, cạnh 2,27m, có một hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Bốn khung cửa tò vò của tầng tháp này đều có mỗi bên tám khung hình chữ nhật, mỗi khung có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa ánh hào quang với những đường chỉ chiếu ra bốn phía.

Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh... Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái.

Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc.

Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn.

Tháp Bình Sơn tọa lạc trên một gò đất cao và rộng rãi thoáng đãng, so với khu vực xung quanh cụm di tích có địa hình cao hơn khoảng 1-1,8m.

Hiện trạng khu di tích được khoanh vùng bảo vệ bằng hệ thống tường bao xung quanh, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ hiện nay là 17.200m2, hiện trạng tổng thể của di tích hiện có các hạng mục như Tháp Bình Sơn, tòa tam bảo cũ, tam bảo mới xây dựng, giếng Mực, nhà khách, hồ sen, các hạng mục phụ trợ, cổng vào...

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc-nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc-nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

Bên cạnh đó, hình thành điểm du lịch văn hóa-lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

Theo Vietnam+

 

 

Tags:

Bài viết khác

Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) – nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Cặp tượng voi đá lớn nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Hai tượng voi đá được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đầu năm 2023, được giới thiệu cùng 12 bảo vật khác của tỉnh Bình Định hôm 21/11 . Hiện vật gồm một đực, một cái, nằm trong không gian lịch sử, văn hóa Champa, di tích thành Đồ Bàn (còn được gọi là Chà Bàn hoặc Vijaya) - kinh đô vương quốc Champa xưa. Cặp tượng có dáng vẻ sống động, được đặt phía trước "tử cấm thành", ở hai bên đường vào cổng lăng Võ Tánh.

Chùa Núi Nổi giữa đồng bằng

Nằm giữa đồng bằng, Phù Sơn tự (chùa Núi Nổi) tọa lạc tại ấp Giồng Trà Dên (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu), là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật của vùng Tây Nam Bộ. Với kiến trúc độc đáo, ngôi chùa thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đến chiêm bái.

Khám phá các di sản văn hoá độc đáo tại núi Bà Đen, Tây Ninh

Tại núi Bà Đen, các di sản văn hoá lâu đời mỗi ngày đều được gìn giữ và phát huy, đưa Tây Ninh thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại Nam bộ.

Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia tại Quần thể Di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Quần thể Di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những Bảo vật Quốc gia quý giá của triều Nguyễn.

Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw tạm dịch là Lễ tế trâu tôn chức ông Kadhar. Trong các chức sắc người Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp và các nghi lễ của dòng tộc, ông Kadhar đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành nghi lễ và hát thánh ca. Từ khi nhập môn, ông Kadhar trải qua các giai đoạn tấn phong rồi mới được phép làm chủ lễ và được mặc tấm chăn có đính hoa văn thổ cẩm. Diễn trình nghi lễ Lang Ndaw có các nghi lễ hiến tế con vật, cúng cơm, hát lễ và múa mừng.

Lễ hội Lam Kinh năm 2024: Di sản văn hóa phi vật thể vô giá

Trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh được ví như một viên ngọc quý với nhiều giá trị vô giá, đặc trưng. Lễ hội không chỉ lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, mà còn là dịp để người dân đất Việt ôn lại và tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân.

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.
Top