banner 728x90

Tây An Cổ Tự (An Giang): Chùa có kiến trúc kết hợp giữa Ấn Độ và Việt Nam

27/01/2025 Lượt xem: 2638

Chùa Tây An hay Tây An Cổ Tự ẩn mình dưới chân núi Sam, mang kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt cổ và Ấn Độ. Cùng với khung cảnh thiên nhiên hữu tình đã tạo nên vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ cho ngôi chùa. Ngoài ra, chùa Tây An còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa – tín ngưỡng tốt đẹp, gắn liền với việc khai hoang, lập ấp của người dân An Giang xưa.

Chùa Tây An nhìn từ xa

Chùa Tây An là một ngôi chùa Phật giáo, thuộc phái Bắc Tông tọa lạc tại ngã ba dưới chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cách thị xã khoảng 5km, nằm trong quần thể di tích nổi tiếng ở An Giang là chùa Tây An, chùa Phước Điền (chùa Hang), lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Xứ.  Đã được Bộ Văn hóa xếp hàng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 10/ 07/ 1980 và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam.

Màu sắc nổi bật của chùa

Có nhiều ý kiến khác nhau để giải thích về tên “Tây An”. Có ý kiến cho rằng Tây An là ngôi chùa ở phía Tây thành An Giang. Một số khác cho rằng Tây An là thể hiện các yếu tố tạo nên chùa như vật liệu từ Trấn tây, Tây Thành và xây dựng trên đất An Giang. Vài ý kiến cho rằng Tây An là cầu mong bình an cho miền Tây Nam đất nước, với ước muốn vùng đất mới được khai phá từ nay sẽ an cư lạc nghiệp lâu dài.

Theo một số thông tin cho biết, chùa Tây An là ngôi chùa do một vị quan triều Nguyễn (tổng đốc Doãn Ẩn) xây dựng. Chuyện kể rằng khi ông được triều đình phái đi Cao Miên thì ông đã khấn, nếu chuyến đi thành công thì ông sẽ xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi Sam để tạ ân. Chùa được xây dựng năm 1847, đời vua Minh Mạng. 

Chùa Tây An được xây dựng trên nền cao, thoáng rộng trong khuôn viên có diện tích 15.000m2. Tổng thể công trình kiến trúc chùa Tây An được xây dựng theo lối kiến trúc nghệ thuật cổ xưa của Việt Nam kết hợp cùng với kiến trúc độc đáo của Ấn Độ theo phong cách Nam Bộ.

Chùa có kiến trúc kết hợp giữa Ấn Độ và Việt Nam độc đáo 

Toàn bộ chùa được xây dựng bằng gạch ngói và xi măng, trải qua những biến đổi thời gian chùa vẫn giữ nguyên được nét đẹp từ thuở mới được trùng tu.  Phía sau là Núi Sam như bức bình phong làm nổi bật ngôi chùa với một màu xanh thẫm. Điểm đặc biệt và ấn tượng nhất của ngôi chùa là mặt chính với ba cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.

Cổng Tam Quan

Trước chùa có 3 vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, hai cửa hai bên có hai bảng đề “Tây An cổ tự”, bên trong tam quan là sân chùa có một cột cờ cao 16m. Cùng với đó là hình ảnh 2 chú voi, 1 chú voi trắng 6 ngà và một chú voi đen 2 ngà. Voi trắng chính là điềm báo hạ sinh thái tử Sĩ Đạt Ta (chính là đức phật Thích Ca), voi đen là chú voi ngự có tên gọi là Ô Long – có công giúp triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ngay bậc thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, vai có đắp nổi hai vị thần tiên ngồi bên trên mặt trăng lưỡi liềm, hai bên là hai hành lang, phân biệt cho tín đồ nam nữ. Phía sau của khuôn viên chùa được xây dựng rất nhiều mộ tháp với kiến trúc vô cùng độc đáo. Được chú ý nhất là khu mộ của ngài Minh Huyên – ngài chính là Phật thầy Tây An. Hàng năm, cứ vào ngày 12/08 âm lịch, hàng ngàn người dân và các tăng ni phật tử trong và ngoài vùng lại đến đây khấn bái rất đông.

Chánh điện

Khu vực chánh điện là khu nhà rộng và được xây dựng ở chính giữa trong thửa đất của chùa. Ngôi chính điện được xây dựng lớn với 2 tầng mái cong vút. Khác với những ngôi chùa cổ ở miền Bắc, phần mái ngói lợp bằng ngói vảy cá, mái ngói của chùa Tây An được lợp là ngói đại ống. Toàn bộ những cột chống được làm bằng những cột gỗ lớn, sàn nhà được lát bằng gạch đá hoa. Hai bên của khu vực chánh điện là khu lầu chiêng và khu lầu trống được thiết kế theo lối kiến trúc hình tứ giác. Trên đỉnh của điện được trang trí hình ảnh tứ linh: long, lân, quy, phượng vô cùng độc đáo.  Từ trên cao, có thể thấy toàn cảnh khu di tích chùa Tây An như một con chim phượng hoàng đang vỗ cánh tung bay.

Bên trong chánh điện có nhiều tượng phật

Chánh điện thờ Phật theo dòng Thiền Lâm Tế, ngoài thờ tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa và các tượng khác như Phật Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí, cùng các vị Bồ Tát khác. Phía trước và hai bên là các vị La Hán, Bát Bộ, Kim Cang và Tam Hoàng Ngũ Đế,…Đa số các tượng này đều được làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối có màu sắc rực rỡ. Từ khu vực chính điện, du khách có thể sang tham quan Đại Hồng chung ở khu vực lầu chuông, Chiếc Đại Hồng chung này được tạc vào năm thứ 32 đời vua Tự Đức (năm 1879).

Tây An Cổ Tự chính là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Châu Đốc. Với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo cùng khung cảnh thiên nhiên hữu tình đã tạo nên vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ cho ngôi chùa và còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa – tín ngưỡng tốt đẹp, gắn liền với việc khai hoang, lập ấp của người dân An Giang xưa.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam



 

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ đổi gác ở Đại Nội Huế

Đại Nội Huế, kinh thành xưa của triều Nguyễn, không chỉ là một quần thể kiến trúc đồ sộ mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Một trong những nghi thức cung đình độc đáo được tái hiện tại đây là lễ đổi gác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Chùa Đất Sét (Sóc Trăng): Ngôi chùa có công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam

Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn tự nằm ở khóm 1, phường 5, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và nhiều thứ khác đều làm bằng đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

Huyệt đạo linh thiêng trên dãy Ngàn Nưa (Thanh Hoá)

Không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, núi Nưa ở tỉnh Thanh Hóa còn được xem là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Đền Bà Đế - Tìm về chốn linh thiêng và huyền bí

Hải Phòng là vùng đất gắn với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và linh thiêng. Trong đó, không thể không nhắc đến Đền Bà Đế - địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách cả nước đến tham quan và chiêm bái hàng năm.

Ngôi đình cổ gần 300 năm tuổi ở Bắc Ninh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt

Nằm ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đình Đình Bảng là một trong những ngôi đình cổ có công trình kiến trúc đẹp nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Đức Bà (thành phố Hồ Chí Minh)

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một trong những biểu tượng kiến trúc và văn hóa nổi bật của TP. Hồ Chí Minh. Với lịch sử lâu đời, nhà thờ mang đậm dấu ấn của phong cách Roman kết hợp Gothic, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Nhà cổ dân gian tại Bà Rịa, Vũng Tàu

Trên vùng đất Bà Rịa -Vũng Tàu ngày nay, vẫn còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ xưa . Mỗi một ngôi nhà không chỉ là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước mà còn ẩn chứa sâu sắc những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể .

Kiến trúc các ngôi Chùa xưa và nay

Vùng đất Sài Gòn được kể như đã hình thành từ năm 1698, sau khi Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào tổ chức việc quản lý hành chính vì lúc này dân vào định cư cũng đã khá đông. Ngoài lớp người Việt này còn có một số người Hoa gồm cả những quan quân nhà Minh không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh cũng tới xin định cư.
Top