Mưa “chính vụ” ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu từ tháng bảy dương lịch. Mây mưa, gió thường xuất phát từ hướng Nam, nên dân gian gọi là mưa Nam.
Mùa gió Nồm (gió Tây Nam), hễ trời chuyển là mưa đến rất nhanh. Mưa bất chợt. Hồi nắng, hồi mưa, nhiều khi suốt ngày hoặc kéo dài cả tuần! Đôi lúc rảnh rỗi thảnh thơi, chợt nhớ quê kiểng, rồi nhớ sao những món ăn mẹ hay xào nấu cho mình ăn ngày mưa gió, không đi chợ được! Cháo hến ngày mưa có lẽ sẽ nhắc cho ta nhớ nhiều về tuổi thơ!
Dưới lòng sông rạch miền Tây có rất nhiều hến. Hến là loài nhuyễn thể thuộc họ sò. Hến trung bình to cỡ đầu ngón tay giữa, sống dưới lớp bùn, sỏi ở đáy sông, hấp thụ vi sinh vật trong nước. Những người chuyên sống nghề “hạ bạc”, có ghe cào hến, họ thiết kế những bàn cào răng bằng sắt, thưa hơn mình hến đôi chút, sau dàn cào là một bao lưới mắt nhỏ để giữ hến lại, khi kéo dàn cào này dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến... đều vào lưới, nước thoát ra ngoài. Mẹ và chị tôi thì khỏi cần giàn cào! Chỉ một cái rổ tre và một cái soong dùng để đựng hến có dây cột vô bụng. Đi tới đâu cái soong lênh đênh theo tới đó như cái đuôi thật ngộ nghĩnh!
Xúc hến lúc nước ròng, cạn còn đến lưng chừng bụng. Giữa lòng mương rạch, đường nước chảy mới có nhiều hến. Nhớ mẹ và chị xúc hến dưới sông, trên trời mây u ám, gió phần phật, mưa lướt thướt, lâm râm, mẹ ngâm nước tới cổ! Khi hến trong soong đủ để kho keo hoặc nấu một nồi cháo ngon, mẹ và chị lên bờ, mình mẩy ướt sủng, tay chân móp méo vì lạnh... Mẹ luôn vui vẻ nhìn đàn con “húp” cháo hến sì sụp ngon lành trong ngày mưa gió, cực ăn!
Hến tươi đem về lựa bỏ rác, sỏi, rửa sạch, ngâm trong nước sạch. Đun nước sôi ùng ục mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến sẽ bung tách hết vỏ. Ta dùng vá khuấy đều cho ruột hến bong ra. Bắc chảo đun nóng, khử tỏi mỡ cho thơm lừng, đổ vào chảo hỗn hợp hành tím, chút ớt chín bầm nhuyễn, sả băm, ruột hến luộc, nêm ít nước mắm ngon, tiêu xay, nếm vừa ăn, xào trộn đều. Khi hến chín xúc ra tô để riêng. Dùng nửa lon sữa bò gạo cũ rang khô, nấu cháo. Khi cháo chín ta cho hết tất cả “mồi” vào soong, nêm nếm lần cuối và bớt lửa, giữ nóng. Sau cùng múc ra tô, rắc hành lá xắt nhỏ với vài cọng ngò rí lên. Cháo hến ăn với ít giá, rau thơm. Bạn có thể vắt một miếng chanh nhỏ vào cháo nóng như ăn phở. Nước mắm thì dầm ớt hiểm chín vào... Cháo ngon ngọt, nóng hôi hổi, “vừa thổi vừa ăn!”, cùng với vị cay nhẹ, mùi hến xào sả thơm lừng hấp dẫn. Những lúc ấy mẹ tôi thường hỏi: “Có ngon không các con?” - “Ngon... ngon lắm mẹ ơi! Cho con một tô nữa đi!”- Bây giờ, có đôi khi được bạn bè, đối tác mời đi ăn “cháo”, nhưng là cháo Quảng, cháo mắt heo, hoặc cháo bò, cháo cá... Ngon thì có ngon, nhưng đâu có cái mùi “nhớ” bằng cháo hến của mẹ nấu năm xưa! Ngày ấy là thần tiên của tuổi thơ tôi khi được sống với mẹ ở quê nhà./.
Hương Lan