banner 728x90

Tản văn: Chợ quê ngày ấy

01/04/2025 Lượt xem: 2369

Tôi không thích đi những chợ sầm uất, rau trái xanh tươi chất đầy các sạp. Bao giờ tôi cũng mê những khu chợ lưa thưa hàng quán, bày biện lộn xộn trên tấm ni lông cũ mèm, bà già bán chuối ngồi nhai trầu bỏm bẻm…

Chợ ấy, người ấy làm tôi được an ủi, rằng cái quê mùa của mình còn có nơi dùng đến. Và, an ủi hơn hết, tôi như thấy mình vẫn là con bé tóc cháy nắng, mới hôm nào đi chợ cho mẹ giữa giờ ra chơi của những buổi học sáng nơi góc quê nghèo yên tĩnh...

Chợ quê. Chẳng có những lời chào khách ngọt như mía lùi, để khi khách xuôi lòng dừng lại thì hét giá lên trời. Chợ quê. Người bán cũng thách lên vài đồng, để người mua còn có chuyện mà nói, còn có chỗ bày cái ngúng nguẩy của mình ra, để rồi đâu cũng vào đó, người bán - người mua vui cả làng.

Chợ quê. Nơi có những chiếc bánh ram kêu xèo xèo trong chảo dầu nóng, những chiếc bánh ram nhân đậu đen, nhỏ chỉ bằng quả chanh, lại dẹp dẹp lộ rõ cái đơn sơ của miền quê nghèo. Không hiểu sao cứ mỗi lần nhớ về cái chợ gắn với tuổi thơ lem luốc của mình, tôi lại thấy chảo dầu nóng và những chiếc bánh ram ấy hiện ra đầu tiên. Tiếp sau đó là những rổ ổi, cà chua xanh, măng luộc, mấy bó hành buộc bằng những sợi lá chuối xé mỏng, cả trái mít ướt cuống còn chảy mủ... Đấy là thứ cây nhà lá vườn, ai có gì bày nấy, cứ tự nhiên đặt rổ của mình xuống, phần ai nấy bán. Ôi! Làm sao tôi quên được những buổi dậy từ mờ sớm, nôn nao chờ đến khi mẹ bảo: “Hai đứa đi đi” là nhanh nhảu đội mủng chanh hái từ chiều qua đến ngồi bán nơi góc chợ, đứa em lon ton chạy theo sau. Làm sao tôi quên được niềm sung sướng khi có người mua cả một chục ổi, còn khen: “Con nhà ai giỏi quá!”. Và có nỗi buồn nào giống nỗi buồn phải lủi thủi đội chuối về khi chợ tan của một đứa trẻ 9 tuổi?

Chợ quê. Nơi tôi gửi tuổi thơ trong xâu bồ quân chín mọng, trong thau mắm bỏ đủ sắc màu của bà Ba Ngộ, trong chén bánh bèo thơm lựng mùi gạo mới của bà Bảy Tùng. Nơi tôi học những bài học làm người sơ đẳng, từ việc biết vứt bỏ những quả ổi có sâu đến trả tiền thối nhầm cho chị bán tôm. Nơi tôi hiểu sớm nhất cũng là trọn vẹn nhất cái hiu quạnh của cuộc sống khi đi học về trễ, ngang qua chợ trưa...

Còn bây giờ, chợ quê của mỗi lần về là nơi tôi gặp lại đầy đủ nhất những gương mặt cũ. Cho tôi sà vào hàng bánh xèo thím Ba Hiền hít hà hương vị thân quen, ngồi chồm hổm xuống lựa chùm mận trắng hồng từ chiếc mủng tre của cô Tám Hát. Rồi trả lời lần lượt những câu hỏi thật thà: “Ở dưới đó, học trò thành phố chắc trắng với thơm lắm?”, “Sao con không về đây dạy cho gần nhà. Ở đâu cũng dạy, đi làm gì cho xa vậy con?” hay “Chồng bay có thương bay không?”…

Thế đó, tôi xa những thứ này không đành, vì đã ngấm vào trong máu huyết của tôi chất quê mùa. Tôi vẫn thèm được hỏi chuyện mấy cháu nhà cô năm nay học lớp mấy, đợt mưa rồi chắc nhà chị không sao... Những sạp hàng chất ngất, rau trái xanh ngợp che gần lút người bán, làm gì còn chỗ cho những lời thủ thỉ đó của tôi.
May mà ở phố vẫn còn những chợ nhỏ, vẫn còn chỗ cho tôi bày ra mớ quê mùa không phai dẫu đã bao mùa mưa nắng nhạt nhòa...

Thu Hương

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Nhớ mùa mía năm xưa

Ai đã từng sống ở vùng quê trồng mía chắc chắn sẽ biết đường non là gì, và bánh tráng nhúng vào đường non, khi ăn sẽ thấy nó ngon thế nào. Với tôi, mỗi lần đi qua những vùng trồng mía, trước mắt lại hiện ra hình ảnh cái chòi ép mía, nấu đường nằm trên mảnh đất nhỏ bên con đường ở đầu thôn cùng bao hình ảnh đầy yêu thương lúc mình còn bé.

Tản văn: Giọt mồ hôi của mẹ

Sau mùa gặt, cánh đồng vàng thơm óng ánh. Đó là màu vàng ruộm của những sợi rơm cong mình trong nắng, là màu vàng xanh của những cây rạ còn tươi, giẫm chân lên gãy rạp, nghe giòn rụm. Đó là mùi thơm của rơm khô, của khói đốt đồng. Đứa con nào của đồng ruộng mà chẳng mê mẩn màu vàng của cánh đồng sau vụ gặt, mà chẳng hít no nê mùi thơm của rơm rạ quyện với mùi mồ hôi của ba, của mẹ trên cánh đồng.

Tạp văn: Hương cốm mùa thu

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa...". Câu thơ trên của Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất nước" lại vang lên trong tôi mỗi khi cái nắng gắt mùa hạ đã chuyển sang hanh vàng, cùng với cơn gió heo may se se thổi về, cũng là lúc đất trời vào thu.

Một thời đã qua

Những ngày cuối tháng 8, đến các nhà sách nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh đi mua sách vở chuẩn bị cho con tựu trường, lòng lại thấy xốn xang nhớ về những năm tháng mới cắp sách đến trường.

Tản văn: Cảm xúc mùa Vu Lan

Mùa Vu lan này là mùa thứ 5, chị lên chùa và được nhận bông hồng trắng cài lên ngực áo. Trong khói nhang trầm ngào ngạt, vẫn thoảng đâu đây mùi hoa huệ, mùi ngọc lan… Ngọc lan là thứ hoa ngày xưa mẹ đặc biệt thích, mỗi dịp thắp nhang ngày rằm, mùng một, bao giờ mẹ cũng có một đĩa nhỏ trên bàn thờ.

Tản văn: Nhớ mẹ

Cuộc đời vẫn vậy, dường như phải khi chồn chân mỏi gối mới giật mình nhìn lại những gì đã qua. Phải khi có con mới thấu hiểu được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chiều nay, nhìn dáng ai đang liêu xiêu quang gánh trên đường, lòng chợt trào lên nỗi nhớ thương mẹ vô cùng!

Tản văn: Biết ăn phở

Hồi còn chiến tranh, một lần công tác qua thành Tuyên, ghé quán phở bên đường thấy Phở Bân "bò tơ bảy món", tôi buột miệng, chẳng biết ngon không mà quảng cáo nghe rung màng nhĩ. Chủ quán Bân nghiêng tai nghe thấy, ông ghé sát tôi, buông một câu lạnh tanh: "Chú cứ ăn đi, chê một câu thì anh bê cả quán này ném xuống dòng sông Lô". Chả là quán này nằm sát mép sông Lô.

Truyện ngắn: Quà chợ quê

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về! Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà, dưa, bí, mướp… Vậy nhưng, ngày không có gì bán, mẹ vẫn cứ… đi. “Quen chân, ở nhà buồn…”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, không bán gì thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà.
Top