Nằm bên dòng sông Trà Ôn hiền hòa, chùa Phước Hậu tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nổi bật của vùng Tây Nam Bộ, không chỉ là trung tâm sinh hoạt Phật giáo của dòng Lâm Tế – Chúc Thánh, mà còn được biết đến với vườn kinh đá độc đáo bậc nhất miền Tây, thu hút đông đảo du khách và phật tử thập phương.

Khởi đầu là một am tranh đơn sơ vào cuối thế kỷ XIX, đến năm 1894, dưới sự vận động của ông Hương cả Lê Văn Gồng và sự chung sức của người dân làng Đông Hậu, chùa được xây dựng kiên cố hơn bằng gỗ, mái ngói, vách ván. Năm 1910, sau khi ông Hương cả qua đời, con gái ông cùng phật tử thỉnh Hòa thượng Hoằng Chỉnh từ Quảng Ngãi về trụ trì, đổi tên chùa thành Phước Hậu. Từ đó, chùa ngày càng phát triển, trở thành điểm tu hành và hành hương nổi tiếng.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Phước Hậu không chỉ là nơi tu học mà còn là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ trong những thời điểm nguy nan. Với những đóng góp lớn lao ấy, năm 1994, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Chánh điện.
Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, chùa có nhiều hạng mục kiến trúc như: chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp,... Trong đó, chánh điện được xây dựng mới năm 1962 theo lối kiến trúc giao thoa Đông – Tây, có mặt tiền hình cổ lầu và biểu tượng tháp bảy tầng cao vút. Nội điện trang nghiêm, thờ Phật Thích Ca, bộ Tam tôn và nhiều tượng Phật quý từ thời chùa xưa.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
Không gian chùa rộng lớn, rợp bóng cây cổ thụ lâu năm, tạo nên vẻ uy nghiêm pha lẫn sự thanh tịnh. Vị trí giáp sông càng làm tăng thêm vẻ yên bình, thư thái cho khách viếng thăm.
Vườn kinh đá – Dấu ấn văn hóa đặc sắc
Điểm đặc biệt thu hút du khách khi đến chùa Phước Hậu chính là các vườn kinh đá độc đáo, do Thượng tọa Thích Phước Cẩn – trụ trì chùa – sáng lập. Ý tưởng hình thành bắt nguồn từ chuyến đi Myanmar năm 2014, nơi thầy thấy các ngôi chùa khắc kinh lên đá rất công phu. Trở về Việt Nam, thầy ấp ủ thực hiện một vườn kinh bằng tiếng Việt.
.jpg)
Vườn kinh pháp cú.

Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng.
Sau nhiều thử nghiệm công phu về chất liệu đá, nội dung kinh, kiểu chữ và bố cục, thầy đã xây dựng thành công Vườn kinh Pháp Cú, một công trình tâm linh – mỹ thuật đầy ý nghĩa. Vườn gồm 213 phiến đá xanh (kích thước 0,4m × 0,6m), khắc 423 bài kệ của kinh Pháp Cú (dịch từ tiếng Pali sang Việt ngữ bởi cố Hòa thượng Thích Minh Châu), sắp xếp theo hình lá bồ đề tỏa ra tám hướng, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Trung tâm vườn là mô hình núi có tượng Phật Thích Ca ngồi thiền.
Thành công từ đó, thầy Phước Cẩn tiếp tục thực hiện Vườn kinh A Di Đà với 31 phiến đá đặt giữa hồ sen hình chữ S – tượng trưng bản đồ Việt Nam, phân chia ba miền Bắc – Trung – Nam với biểu tượng chùa và núi đặc trưng như Yên Tử, Thất Sơn… Các bài kinh ở đây được trình bày theo thể thơ lục bát gần gũi, dễ hiểu.
Tiếp nối là Vườn kinh Bắc Truyền trích diễm, cùng nhiều phiến đá khắc các triết lý sống như “Tâm”, “Nhẫn”, những lời răn dạy ngắn gọn nhưng thấm đẫm tinh thần từ bi – trí tuệ của đạo Phật. Một số phiến còn được khắc thêm tiếng Anh để phục vụ du khách quốc tế.

Phiến đá khắc những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo.
Chốn tìm về tâm linh và tri thức Phật giáo
Ngày nay, chùa Phước Hậu không chỉ là nơi lễ Phật, tu tập mà còn là điểm đến văn hóa – giáo dục đặc sắc, nơi mọi người có thể chiêm nghiệm lời Phật dạy qua từng phiến đá, đồng thời tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh nơi cửa thiền. Vườn kinh đá không chỉ mang giá trị tôn giáo mà còn góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, yêu quê hương và gìn giữ văn hóa dân tộc trong thời hiện đại.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam